Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Những phòng khám miền biên ải

An Yên - 12:16, 25/05/2023

Không chỉ chắc tay súng, vững đôi chân trên nẻo đường tuần tra, những người lính quân hàm xanh xứ Nghệ còn là những thầy thuốc tận tụy trên dải đất biên cương. Chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân tự bao giờ đã trở thành chương trình hành động quan trọng, mang ý nghĩa lớn lao, tô thắm thêm tình quân dân.

Quân y BĐBP Nghệ An khám bệnh cho đồng bào.
Quân y BĐBP Nghệ An khám bệnh cho đồng bào.

Năm 2009, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Nghệ An đã xây dựng Phòng khám quân dân y kết hợp tại các bản Phà Lõm, Huồi Sơn thuộc xã Tam Hợp (huyện Tương Dương), nơi hầu hết đều là đồng bào dân tộc Mông sinh sống.

Phòng khám quân dân y được mở, người dân quanh vùng hết sức phấn khởi. Bởi, mỗi khi đau ốm hay cần được tư vấn sức khỏe, họ đã có những thầy thuốc quân hàm xanh tận tâm, nhiệt tình. Thông qua hoạt động khám, chữa bệnh, quân y Ðồn Biên phòng Tam Hợp còn kết hợp tuyên truyền trong Nhân dân về các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Do vậy đã góp phần giữ gìn an ninh trật tự tại các bản.

Từ hiệu quả thiết thực này, BĐBP Nghệ An tiếp tục huy động mọi nguồn lực xây dựng thêm các Phòng khám quân dân y kết hợp tại địa bàn các xã như Môn Sơn (huyện Con Cuông); Mỹ Lý, Bắc Lý (huyện Kỳ Sơn); Tri Lễ (huyện Quế Phong)…

Dù mới được đưa vào vận hành vào cuối năm 2022, nhưng Phòng khám quân dân y kết hợp ở bản Mường Lống (xã Tri Lễ, huyện Quế Phong) do quân y Ðồn Biên phòng Tri Lễ đảm nhiệm thường xuyên có rất đông người dân đến khám, chữa bệnh.

Theo thống kê, mỗi tháng các cơ sở quân y nói trên đón, khám, cấp thuốc miễn phí cho 150 người dân trong vùng. Mỗi khi người dân yêu cầu là cán bộ quân y lại lên đường thực hiện nhiệm vụ. Đến nay, ngoài hai mô hình “Tủ thuốc biên cương”, toàn tỉnh Nghệ An có 6 Phòng khám quân dân y kết hợp của BĐBP tỉnh hoạt động. Nhiều phòng khám còn phục vụ cho Nhân dân các bản của nước bạn Lào, mỗi khi họ có nhu cầu khám, chữa bệnh.

Tự bao giờ, những Phòng khám quân dân y kết hợp ở khu vực biên giới Nghệ An đã trở thành địa chỉ tin cậy của đồng bào các DTTS trong việc khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe. Đó không chỉ là hành động thắt chặt thêm tình quân dân miền biên viễn mà còn tô thắm thêm nghĩa tình biên giới với bạn Lào.

Trung tá Trần Nam Thắng - Chủ nhiệm Quân y BĐBP Nghệ An chia sẻ: Nhu cầu khám, chữa bệnh của Nhân dân địa bàn là rất lớn và việc khám, cấp thuốc của các phòng khám kết hợp quân dân y là hoàn toàn miễn phí. Nhưng, nguồn thuốc, vật tư y tế để cấp phát, phục vụ cho Nhân dân lại hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Hiện nay, các phòng khám kết hợp quân dân y hoạt động nhờ vào các nguồn thuốc, vật tư y tế trên cấp, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hỗ trợ.

Khám, chữa bệnh cho đồng bào đang trở thành nhiệm vụ quan trọng song hành cùng với nỗ lực bảo đảm an ninh biên giới. Hai nhiệm vụ lớn ấy đang tô thắm thêm sắc xanh của những người lính Biên phòng, tô đẹp thêm tình quân dân nơi vùng phên giậu.

Theo thống kê, các phòng khám kết hợp quân dân y từ khi thành lập đến nay đã phối hợp với các đơn vị tổ chức khám cấp thuốc miễn phí, tặng quà cho hơn 41.000 lượt người với tổng số tiền thuốc đạt giá trị trên 700 triệu đồng. Phối hợp cấp cứu cho 1.228 trường hợp; đặc biệt đã cứu chữa thành công 24 trường hợp người dân ăn lá ngón tự tử và nhiều ca tai nạn, tự sát; cứu chữa điều trị cho 300 lượt người là người dân nước bạn Lào.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.