Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nữ bác sĩ hơn 20 năm bám bản ở vùng cao Sơn La

PV - 15:10, 22/02/2023

Bác sĩ Nguyễn Thị Lan đã rời quê hương, xa gia đình, lên xã vùng cao Hồng Ngài, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La phục vụ người dân hơn 20 năm qua với vai trò là Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hồng Ngài. Không quản ngại mọi khó khăn, chị đã trở thành chỗ dựa tin cậy của người dân ở đây mỗi khi đau ốm.

Bác sĩ Nguyễn Thị Lan, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hồng Ngài hướng dẫn đồng bào vùng cao sử dụng thuốc chữa bệnh. Ảnh: Hữu Quyết – TTXVN
Bác sĩ Nguyễn Thị Lan, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hồng Ngài hướng dẫn đồng bào vùng cao sử dụng thuốc chữa bệnh. Ảnh: Hữu Quyết – TTXVN

Hơn 20 năm trước, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Y Thái Bình, bác sĩ Nguyễn Thị Lan từ miền quê Thái Bình đã chọn vùng đất khó Hồng Ngài để nhận công tác. Thanh xuân của chị dành trọn cho vùng đất được xem là quê hương “Vợ chồng A Phủ” - tác phẩm văn học nổi tiếng mà chị đã từng đọc trong sách giáo khoa.

Là xã vùng sâu, đặc biệt khó khăn của huyện vùng cao Bắc Yên, Sơn La, nhiều năm trước, Hồng Ngài được biết đến bởi những con đường đi lại heo hút, cheo leo, xa xôi hiểm trở, đời sống nhân dân nhiều khó khăn với những hủ tục. Bác sĩ Nguyễn Thị Lan chia sẻ: “Ngày mới nhận công tác về đây, điều kiện vô cùng thiếu thốn, đường đất đi lại rất vất vả, chúng tôi phải đi bộ từ huyện vào đến trung tâm xã hơn 5 tiếng đồng hồ. Sống ở nơi điện không có, người thì ít nên cũng rất buồn. Nhưng tôi tự nhủ mình phải ở lại để tuyên truyền cho người dân hiểu, giúp đồng bào thay đổi cuộc sống”.

Với đa số đồng bào dân tộc Mông sinh sống nên ở Hồng Ngài vẫn còn nhiều hủ tục. Bà con chưa nhận thức được việc tự chăm sóc sức khỏe cho bản thân, khi ốm đau không đến trạm y tế mà nhờ thầy cúng… Đây là những khó khăn mà đội ngũ cán bộ y tế cũng như bác sĩ Nguyễn Thị Lan đã phải mất nhiều năm để thay đổi. “Cán bộ Trạm Y tế xã phải đến nhà đồng bào bị ốm kiểm tra, giải thích, động viên rồi đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế khám và điều trị. Khi được điều trị khỏi bệnh, bà con tin rằng đến Trạm Y tế xã là họ sẽ được sống. Từ đó, mỗi khi đau ốm, người dân lại đến Trạm Y tế xã”, bác sĩ Lan cho biết.

Hơn 20 năm trong nghề, bác sĩ Lan không nhớ nổi đã bao nhiêu lần đi bộ đến các bản, làng xa xôi để khám bệnh, vận động đồng bào xóa bỏ hủ tục. Kể về kỷ niệm đáng nhớ trong lần xuống bản cấp cứu cho một sản phụ, bác sĩ Lan chia sẻ: “Hôm đó, tôi cùng đồng nghiệp đi bộ hơn 20 km đến nhà một bệnh nhân đang mang thai nhưng bị vỡ ối sớm. Do đường đất, chỉ có thể đi bộ nên người nhà cùng nhân viên y tế phải dùng võng để đưa sản phụ đến Trạm Y tế. Mới đi được nửa đường thì sản phụ đau bụng quá, tôi và mọi người buộc phải hạ võng để đỡ đẻ tại chỗ. May mắn sau đó sản phụ đã “mẹ tròn con vuông". Một tuần sau thăm khám lại thấy mẹ khỏe, con khỏe, mọi người trong Trạm Y tế đều cảm thấy rất vui”.

Do đặc thù địa bàn vùng cao, bác sĩ Nguyễn Thị Lan, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hồng Ngài phải cùng đồng nghiệp đi bộ đến nhà để khám bệnh cho đồng bào vùng cao. Ảnh: Hữu Quyết – TTXVN
Do đặc thù địa bàn vùng cao, bác sĩ Nguyễn Thị Lan, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hồng Ngài phải cùng đồng nghiệp đi bộ đến nhà để khám bệnh cho đồng bào vùng cao. Ảnh: Hữu Quyết – TTXVN

Trạm Y tế xã Hồng Ngài hiện đã được xây mới với 2 tầng khang trang, có 6 cán bộ y tế. Người dân được theo dõi, quản lý sức khỏe cẩn thận; từng chương trình y tế được lập hồ sơ, thống kê ghi chép từng tháng, từng quý. Hàng tháng, bác sĩ Nguyễn Thị Lan tổ chức giao ban, tập huấn, phổ biến, cập nhật kiến thức y học mới mà chị tiếp thu được để hướng dẫn lại cho cán bộ Trạm Y tế và nhân viên y tế thôn, bản. Tại đây, các công việc khó khăn của từng thôn được chị giải đáp, bàn bạc, tháo gỡ và lên kế hoạch thực hiện chi tiết. Hằng tuần, chị phân công cán bộ Trạm Y tế xuống từng thôn nắm bắt tình hình ở cơ sở, tuyên truyền các chính sách y tế cũng như các biện pháp phòng bệnh cho bà con. Trạm luôn có cán bộ trực 24/24 giờ để tiếp nhận những ý kiến, yêu cầu của đồng bào và khám, chữa bệnh kịp thời.

Chị Hạng Thị Hùa ở xã Hồng Ngài tâm sự, do hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, không có xe máy, nên mỗi khi con bị ốm, chị lại nhờ bác sĩ Lan và các cán bộ ở Trạm Y tế đế tận nhà khám. Con chị được cấp phát thuốc miễn phí, vì thế gia đình rất yên tâm và tin tưởng vào các bác sĩ ở Trạm Y tế xã.

Sau những chuyến đi bản hoặc thăm khám cho người dân ở Trạm Y tế, bác sĩ Lan lại trở về với căn phòng nhỏ trong dãy nhà công vụ. Vì điều diện công tác, gia đình chị phải chia ra sống 2 nơi, con gái lớn ở quê Thái Bình với bố, còn con trai còn nhỏ ở với mẹ. Bác sĩ Nguyễn Thị Lan bộc bạch: Do điều kiện công tác, có khi 2 - 3 tháng chị mới có thể về quê thăm chồng, thăm con. Nhưng có những đợt như vừa rồi bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thì hàng năm trời chị không thể về quê, chỉ có thể nói chuyện với chồng, con qua điện thoại. Cũng có lúc chị từng muốn đến bỏ việc về quê, nhưng khi nghĩ đến hoàn cảnh gia đình của các bệnh nhân nghèo nơi vùng cao này, chị lại quyết tâm ở lại.

Bác sĩ Nguyễn Thị Lan, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hồng Ngài đến tận nhà để khám bệnh cho đồng bào vùng cao. Ảnh: Hữu Quyết – TTXVN
Bác sĩ Nguyễn Thị Lan, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hồng Ngài đến tận nhà để khám bệnh cho đồng bào vùng cao. Ảnh: Hữu Quyết – TTXVN

Gắn bó với xã Hồng Ngài đã nhiều năm, bác sĩ Lan thuộc nằm lòng từng dãy núi cao, con suối sâu đến những thôn, bản nghèo nàn. Chị không nhớ nổi đôi chân của mình đã vượt qua bao nhiêu chặng đường gập ghềnh, nhưng vẫn luôn mong có đủ sức khỏe để tiếp tục hành trình chữa bệnh, cứu người. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ trong công tác chăm sóc, khám chữa bệnh cho cộng đồng, nhiều năm qua, từ lãnh đạo xã, thôn bản cho đến từng người dân đều biết ơn, yêu quý bác sĩ Lan và coi chị như người con ưu tú của bản, làng.

Chủ tịch UBND xã Hồng Ngài Lầu A Tủa thông tin: “Với vai trò, lòng nhiệt tình và trách nhiệm của mình, bác sĩ Lan luôn được chính quyền địa phương và người dân tin yêu. Nhờ gây dựng và duy trì được uy tín đã giúp bác sĩ Lan triển khai thành công các chương trình y tế quốc gia về các bản, làng một cách hiệu quả. Ngoài ra, với trình độ chuyên môn và tay nghề cao, bác sĩ Lan đã phát huy vai trò quan trọng, mang lại kết quả tích cực trong khám, chữa bệnh cho người dân. Nhiều trường hợp cấp cứu chấn thương, bệnh nặng khác đã được bác sĩ xử lý kịp thời, tránh được tử vong, qua đó góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại cơ sở”.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.