Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Quảng Nam: Nhận thức pháp luật của người dân vùng DTTS, miền núi không ngừng được nâng cao

T. Nhân - H.Trường - 07:41, 30/11/2023

Thời gian qua, Quảng Nam tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho người dân vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, góp phần làm thay đổi nhận thức của đồng bào vùng DTTS trên địa bàn. Đáng chú ý, việc thực hiện hiệu quả nội dung số 2 thuộc Tiểu dự án 1, Dự án 10 của Chương trình MTQG 1719) giai đoạn 2021 - 2025 đã góp phần rất lớn trong việc đưa các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đạt và giữ chuẩn tiếp cận pháp luật trong xây dựng nông thôn mới.

Việc đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp các xã khó khăn ở Quảng Nam đạt và giữ chuẩn tiếp cận pháp luật trong xây dựng nông thôn mới.
Việc đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp các xã khó khăn ở Quảng Nam đạt và giữ chuẩn tiếp cận pháp luật trong xây dựng nông thôn mới.

Nhiều hình thức tuyên truyền

Ông Nguyễn Thành Thiện, cán bộ Phòng Tư pháp huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam), cho biết: Việc tuyên truyền chính sách dân tộc, PBGDPL cho người dân được UBND huyện Đông Giang quan tâm và đẩy mạnh thực hiện trong những năm qua. Hiện nay, các đơn vị trên địa bàn tăng cường công tác phổ biến pháp luật đến với người dân vùng xa, trong đó chú trọng kết hợp giữa phổ biến pháp luật và tăng cường lồng ghép các chính sách về hỗ trợ kinh tế. Huyện đang thực hiện chủ trương “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền pháp luật đến với người dân. Trong tuần này, huyện phối hợp với các ngành tổ chức các lớp tập huấn, kết hợp các cuộc thi về pháp luật cho người dân và học sinh tham gia.

Cũng theo ông Thiện, từ khi thực hiện Chương trình MTQG 1719, việc tích hợp các chương trình về tuyên truyền pháp luật, kết hợp các mô hình về phát triển kinh tế cho người dân được huyện chú trọng đẩy mạnh. Việc áp dụng hiệu quả nội dung số 2 thuộc Tiểu dự án 01, Dự án 10 của Chương trình được tích hợp trong các chính sách tuyên truyền pháp luật của địa phương, có ý nghĩa rất lớn trong việc giúp địa phương tuyên truyền các chính sách phù hợp, để người dân trên địa bàn tiếp cận pháp luật và giữ chuẩn tiếp cận pháp luật trong xây dựng nông thôn mới.

Hạ tầng các huyện miền núi được quan tâm đầu tư hơn trong thời gian qua.
Hạ tầng các huyện miền núi được quan tâm đầu tư hơn trong thời gian qua.

Vì thế, địa phương chú trọng tập huấn đến đội ngũ già làng, Người có uy tín, từ đó đội ngũ này sẽ lan rộng các chính sách tuyên truyền về pháp luật đến với người dân. Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật, địa phương cũng đẩy mạnh tuyên truyền cho mỗi người dân về tầm quan trọng của Chương trình MTQG. Bởi khi người dân hiểu thì mới thực hiện được, người dân biết thì mới cùng đồng hành để làm.

Ông Alăng Bhoong ở thôn Aroong, xã Mà Cooih (huyện Đông Giang) phấn khởi vì sau khi tham gia chương trình tập huấn PBGDPL, ông nắm bắt được nhiều nội dung hay, bổ ích. Ngoài hiểu rõ về tác hại của tảo hôn, bạo lực gia đình, tham gia lớp tập huấn, ông Bhoong và cộng đồng Cơ Tu có cơ hội tiếp cận kiến thức mới về các chính sách ưu tiên cho đồng bào DTTS và miền núi. “Trước đây, tôi rất mơ hồ về các chính ưu tiên của Nhà nước cho người DTTS. Sau khi tham gia lớp tập huấn, tôi hiểu rõ hơn về chủ trương, vai trò và lợi ích mang lại từ các chương trình, dự án hỗ trợ. Thời gian tới, tôi sẽ truyền đạt lại những gì mình hiểu biết cho con cháu, những người xung quanh, giúp mọi người cùng tuân thủ pháp luật, không được thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật” ông Bhoong chia sẻ.

Hiệu quả rõ rệt

Theo ông Đặng Tấn Giản, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam, việc tuyên truyền PBGDPL cho người dân, đặc biệt là những người dân ở vùng DTTS và miền núi có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giúp người dân tiếp cận, đạt và giữ chuẩn được tiêu chí về tiếp cận pháp luật trong tiêu chí nông thôn mới hiện nay. “Vấn đề quan trọng là phải tuyên truyền làm sao để người dân hiểu, thực hiện và mang tính bền vững. Do đó, trong thời gian qua, Ban đã có nhiều hình thức tuyên truyền, vận động, bên cạnh việc phổ biến pháp luật thường có lồng ghép những chính sách hỗ trợ về kinh tế cho bà con”, ông Giản nói.

Người dân các huyện miền núi đã và đang được thụ hưởng các chính sách từ các chương trình MTQG.
Người dân các huyện miền núi đã và đang được thụ hưởng các chính sách từ các chương trình MTQG.

Việc tuyên truyền PBGDPL sẽ giải quyết sự thiếu hụt về ý thức pháp luật; cũng như việc thực hiện, chấp hành, thượng tôn pháp luật đối với đồng bào DTTS. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả như mong muốn là không hề dễ dàng. Chẳng hạn, hiện nay có một số tập tục của người dân không còn phù hợp, tuy nhiên khi tiến hành tuyên truyền, vận động, thì một số người không nhận thức thức được, còn cố ý giấu diếm. Trong một số lớp tập huấn tuyên truyền, một số người dân e thẹn, bỏ đi. Chính vì thế, các cấp, sở, ngành tại địa phương phải tìm hướng giải quyết vấn đề này, phải tuyên truyền cho người dân từ những huệ lụy của cái xấu, không còn phù hợp.

Để việc tuyên truyền pháp luật hiệu quả, các địa phương đã phát huy vai trò của Người có uy tín trong đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở. Điển hình như tại xã A Ting, huyện Đông Giang nằm dọc theo tuyến QL14G, là nơi sinh sống của gần 3.000 người, trong đó hơn 93% là đồng bào Cơ Tu. Với vai trò, tầm ảnh hưởng của mình trong vùng đồng bào DTTS, Người có uy tín đã góp phần đắc lực cùng với lực lượng Công an xã tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật đến người dân, vận động người dân xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu.

Là một trong những Người có uy tín tại xã A Ting, ông Bríu Ngà trú thôn A Liêng Ravăh, rất được dân làng yêu mến, bởi không chỉ ông có đóng góp giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa Cơ Tu mà còn là người làm ăn kinh tế giỏi, là tấm gương sáng trong chấp hành pháp luật tại địa phương. Ông Bríu Ngà chia sẻ: “Mình từng làm Trưởng thôn 15 năm, mới nghỉ vào cuối năm 2021 thôi. Vợ chồng mình có 8 người con nhưng tất cả chúng được chăm sóc tốt, ăn uống đầy đủ. Mình luôn quan niệm rằng, còn sức khỏe là phải còn lao động nên không trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước. Mình luôn khuyên bảo con cháu cố gắng làm ăn, không chơi bời lêu lổng, không được kết hôn sớm, không vi phạm pháp luật. Muốn bà con nghe thì người trong gia đình mình phải làm gương”.

Đời sống của người dân vùng cao Quảng Nam ngày càng được cải thiện
Đời sống của người dân vùng cao Quảng Nam ngày càng được cải thiện

Thượng tá Tưởng Văn Tiến, Trưởng Công an huyện Đông Giang cho biết: Đông Giang là huyện miền núi có khoảng 75% dân số là người DTTS, do đó Người có uy tín giữ vai trò rất lớn trong đời sống của đồng bào địa phương. Những năm qua, lực lượng Công an huyện Đông Giang luôn tranh thủ tốt sự ủng hộ của Người có uy tín trong việc tuyên truyền, vận động, tổ chức cho đồng bào DTTS thực hiện chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong xóa đói giảm nghèo, chung tay xây dựng đời sống văn hóa mới, xây dựng nông thôn mới.

Hiện nay, hình thức tuyên truyền trực tiếp đến từng nhà, rà từng người đang phát huy hiệu quả cao. Bên cạnh đó, Ban Dân tộc tỉnh cũng chú trọng đến việc phổ biến kiến thức, kỹ năng cho những người trực tiếp tuyên truyền là phụ nữ, nông dân. Đối tượng thứ hai hiện nay, Ban đang hướng đến để tuyên truyền là vấn đề phụ nữ và trẻ em. Vấn đề bình đẳng giới, tảo hôn và bạo lực gia đình ở địa phương đang được các cấp quan tâm. Bởi nếu không giải quyết các vấn đề này, một phần nào đó ảnh hưởng lớn đến các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

“Để việc tuyên truyền pháp luật đạt hiệu quả, người dân tự giác thực hiện pháp luật thì cần có các mô hình liên kết giữa phổ biến pháp luật kết hợp các dự án về sản xuất. Hiện nay, Quảng Nam đang tăng cường việc lồng ghép các chương trình hỗ trợ sản xuất song hành cùng quá trình tuyên truyền phổ biến pháp luật. Ví dụ chúng ta có thể lồng ghép mô hình hỗ trợ chăn nuôi bò, nuôi ngan, vịt, chương trình cho vay vốn vào trong quá trình tuyên truyền pháp luật. Như vậy mới đa dạng hình thức, người dân cũng hăng say hơn. Ngoài ra, phải có những cách thức tuyên truyền vận động một cách phù hợp, chứ không thể chung chung”, ông Đặng Tấn Giản, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam chia sẻ thêm.

Tin cùng chuyên mục
Kim Bôi (Hòa Bình): Phát huy sức mạnh tổng hợp tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Kim Bôi (Hòa Bình): Phát huy sức mạnh tổng hợp tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS và miền núi, những năm qua, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH-HNCHT) và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhằm hiểu rõ sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền cũng như kết quả trong phòng chống TH-HNCHT trên địa bàn huyện, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Việt Hòa, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Kim Bôi về vấn đề này.