Nỗ lực từ cơ sở
Phước Sơn là một trong 6 huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam với 22 thành phần dân tộc cùng sinh sống, chủ yếu là đồng bào Gié Triêng. Trong thời gian qua, địa phương đã nỗ lực tuyên truyền, vận động bà con chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nổi bật trong đó là tuyên truyền về Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn, bình đẳng giới, tăng cường thực hiện các chính sách dân tộc ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Ông Nguyễn Văn Bằng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Phước Sơn cho biết: Nhằm tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến với người dân, Phòng đã đẩy mạnh triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án liên quan thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) với đa dạng hình thức.
“Từ đầu năm đến nay, Phòng Dân tộc đã triển khai 16 hội nghị tập huấn tuyên truyền về phòng chống tảo hôn; xây dựng kế hoạch liên ngành để tổ chức 13 hội thi "Rung chuông Vàng" cho đối tượng là học sinh để tuyền truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho các em. Ngoài ra, Phòng đã tổ chức 17 lớp nâng cao năng lực cho các xã, cộng đồng các khu dân cư, từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục tập huấn cho 19 lớp còn lại. Địa phương còn cấp phát hàng ngàn tờ rơi, sổ tay, tờ gấp tuyên truyền đến với người dân”, ông Bằng chia sẻ.
Còn ông Nguyễn Thành Thiện, Phó trưởng Phòng Tư pháp huyện Đông Giang cho rằng: Việc tuyên truyền chính sách dân tộc, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân được UBND huyện Đông Giang quan tâm, đẩy mạnh thực hiện trong những năm qua. Đặc biệt, từ khi thực hiện Chương trình MTQG 1719, việc tích hợp các chương trình về tuyên truyền pháp luật, kết hợp các mô hình về phát triển kinh tế cho người dân được huyện chú trọng đẩy mạnh.
Từ đầu năm đến nay, Đông Giang đã phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh, Phòng Dân tộc huyện tổ chức 5 hội nghị phổ biến về các quyền và nghĩa vụ của công dân theo quy định của Hiến pháp 2013, Công ước Liên Hiệp quốc về quyền con người cho hơn 400 người.
Ngoài ra, Phòng Tư pháp huyện đã tổ chức 11 cuộc tuyên truyền nâng cao khả năng tiếp cận hoạt động trợ giúp pháp lý cho 7 nhóm đối tượng tại 11 xã, thị trấn với khoảng 1.500 tham gia; thực hiện chuyên đề về kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý, tiếp cận trợ giúp pháp lý cho nhóm đối tượng là cán bộ tư pháp xã, già làng, trưởng bản, Người có uy tín với gần 1.000 lượt người tham dự…
Theo Sở Tư Pháp tỉnh Quảng Nam, trong năm 2023, với số vốn được phân bổ để thực hiện Tiểu dự án 3 - Dự án 10 thuộc Chương trình MTQG 1719 là 82 triệu đồng, Sở đã phân bổ và giải ngân để thực hiện hỗ trợ pháp lý cho hàng ngàn người dân. Cùng với đó là biên soạn và cấp phát hơn 82.600 tờ gấp pháp luật đến với bà con vùng đồng bào DTTS.
Đến năm 2024, Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) đã tiếp tục đẩy mạnh triển khai Tiểu dự án này, qua đó đã phân bổ và giải ngân 87 triệu đồng để thực hiện các biện pháp tuyên truyền, trợ giúp pháp luật cho người dân. Theo đó, Sở Tư pháp tỉnh đã tổ chức các đợt truyền thông trợ giúp pháp lý trực tiếp tại 9 xã thuộc 4 huyện miền núi của tỉnh là Tây Giang, Bắc Trà My, Nam Trà My, Hiệp Đức với hơn 450 người tham dự, trong đó đa phần là người DTTS…
Chú trọng tính hiệu quả
Theo ông Đặng Tấn Giản, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân, đặc biệt là người dân ở vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giúp họ tiếp cận, đạt và giữ chuẩn được tiêu chí về tiếp cận pháp luật trong tiêu chí nông thôn mới hiện nay.
Trong thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục đến người dân vùng đồng bào DTTS với nhiều hình thức: từ việc tổ chức các hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cộng đồng cho đến việc tổ chức các hội thi tìm hiểu pháp luật; cấp phát tờ rơi, sổ tay pháp luật đến với hàng ngàn người trong vùng đồng bào DTTS, đặc biệt là ở các thôn, xã vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên.
Đơn cử như trong giai đoạn 2022 - 2024, từ nguồn vốn triển khai Tiểu dự án 1 Dự án 10 Chương trình MTQG 1719, Ban Dân tộc đã phối hợp với các địa phương tổ chức hơn 50.000 ấn phẩm, sổ tay, tờ gấp về tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến với người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Việc cấp phát các ấn phẩm báo, tạp chí liên quan đến chính sách dân tộc cũng được các cấp ở Quảng Nam triển khai hiệu quả. Đến nay, đã có hơn 800 ấn phẩm được chuyển đến tay người dân vùng đồng bào DTTS. Cùng với đó, Ban cũng tổ chức 74 hội nghị tập huấn, hội thảo, hội thi để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Nhà nước…
Cũng theo ông Giản, hiện nay, hình thức tuyên truyền trực tiếp đến từng nhà, rà từng người đang phát huy hiệu quả cao. Bên cạnh đó, Ban Dân tộc tỉnh cũng chú trọng đến việc phổ biến kiến thức, kỹ năng cho những người trực tiếp tuyên truyền là phụ nữ, nông dân.
Đối tượng thứ hai Ban Dân tộc đang hướng đến để tuyên truyền là phụ nữ và trẻ em. Vấn đề bình đẳng giới, tảo hôn và bạo lực gia đình ở địa phương đang được các cấp quan tâm. Bởi nếu không giải quyết các vấn đề này, một phần nào đó ảnh hưởng lớn đến các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Bên cạnh đó, địa phương cũng phát huy vai trò, trách nhiệm của lực lượng cán bộ thôn, xã; già làng, Người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Bởi hơn ai hết, họ chính là lực lượng gần dân, đi sâu, đi sát vào thực tế hằng ngày cùng với người dân và được Nhân dân yêu mến, tin tưởng. Thực tế cho thấy, trong những năm qua, lực lượng già làng, Người có uy tín đã phát huy tích cực vai trò của mình trong mọi mặt trận, nhất là tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho cộng đồng dân cư.
Chia sẻ về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong thời gian tới, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam Đặng Tấn Giản, cho rằng cần lấy người dân làm trung tâm trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
Ví dụ như thay vì tuyên truyền viên chỉ giảng giải pháp luật cho người dân tại các hội nghị như trước đây, thì nay người dân tham gia có thể chia ra làm nhiều tổ nhóm để thảo luận về một vấn đề nào đó như tảo hôn, bình đẳng giới, mô hình sản xuất mới… Sau đó, cán bộ sẽ bổ sung thêm các vấn đề cốt yếu, như vậy người dân sẽ thích thú hơn và nhớ kiến thức được lâu hơn.
“Nếu việc phổ biến pháp luật được thực hiện tốt, ý thức tuân thủ pháp luật của người dân được nâng lên. Từ đó, tiêu chí xây dựng gia đình văn hoá được cải thiện, công tác xây dựng nông thôn mới được nâng lên. Điều này tác động đến công tác giảm nghèo, các tiêu chí về sức khoẻ, người dân có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, đời sống được nâng lên”, ông Giản nhấn mạnh.