Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Quảng Nam chú trọng sắp xếp ổn định dân cư

T.Nhân - H.Trường - 06:25, 08/11/2024

Là một trong những tỉnh thường xuyên phải chịu ảnh hưởng do mưa bão, sạt lở, những năm gần đây, các cấp chính quyền tỉnh Quảng Nam đã quan tâm, chú trọng công tác sắp xếp, ổn định dân cư tại các huyện miền núi. Một trong những biện pháp hữu hiệu mà tỉnh Quảng Nam đang triển khai là di dời dân ở những khu vực có nguy cơ sạt lở, bố trí tái định cư cho người dân.

Sạt lở bao vây làng Tắk Chay, xã Trà Cang, huyện Nam Trà My.
Sạt lở bao vây làng Tắk Chay, xã Trà Cang, huyện Nam Trà My

Liên tiếp diễn ra sạt lở, nứt đất

Những ngày giữa tháng 9 đến khoảng đầu tháng 10, ảnh hưởng của bão số 4 đã khiến nhiều nơi ở Quảng Nam xảy ra sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hàng chục hộ dân, chủ yếu ở các huyện miền núi của tỉnh. Như hạ tuần tháng 9, tại xã Đắc Pre, huyện Nam Giang xuất hiện một vết nứt và sụt lún đất theo hình vòng cung, nằm trên đồi sát khu dân cư 56B, gây nguy cơ cao, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân.

Trước tình thế khẩn cấp, chính quyền huyện Nam Giang đã lập đoàn kiểm tra khu vực bị nứt đất và yêu cầu sơ tán 11 hộ dân ở gần đó ra khỏi khu vực nguy hiểm. Cùng với khảo sát, UBND huyện đã báo cáo và đề xuất UBND tỉnh Quảng Nam cho chủ trương thực hiện tái định cư khẩn cấp đối với 11 hộ dân tại thôn 56B với kinh phí dự kiến khoảng hơn 6 tỷ đồng.

Nứt đất tại Nam Trà My, hàng chục hộ dân được di dời đến nơi ở mới.
Nứt đất tại Nam Trà My, hàng chục hộ dân được di dời đến nơi ở mới

Trước đó, trên đỉnh đồi tại thôn H’juh, xã Ch’Ơm, huyện Tây Giang cũng xuất hiện một số vết nứt, nguy cơ nguy hiểm đến 9 hộ dân xung quanh. Lực lượng chức năng đã khẩn trương di dời các hộ này đến thôn bên cạnh để đảm bảo an toàn. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã phối hợp với với các đơn vị liên quan để khảo sát mặt bằng mới để bố trí, sắp xếp dân cư.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện nay, không chỉ ở Tây Giang, Nam Giang, mà ở hầu hết các huyện miền núi đều có nguy cơ đối diện với sạt lở khi bước vào mùa mưa bão. Đơn cử như tại huyện Nam Trà My, do ảnh hưởng của sạt lở đất hồi tháng 9, chính quyền đã gấp rút di dời 51 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Cùng với đó, cơn mưa lớn, rạng sáng 19/9 tại làng Tak Chay, thôn 5, xã Trà Cang và làng Lăng Lương, thôn 2, xã Trà Tập đã gây sạt lở nhiều chỗ, nhiều tuyến đường, đất đá tràn vào nhà dân và một số trường học, ảnh hưởng đến hàng chục hộ dân. Ngay sau đó, các cấp chính quyền đã khẩn cấp di dời 26 hộ dân ở Trà Tập và 33 hộ dân ở Trà Cang với khoảng 250 nhân khẩu đến nơi an toàn.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam yêu cầu các địa phương cần quan tâm sắp xếp, bố trí dân cư ổn định.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam yêu cầu các địa phương cần quan tâm sắp xếp, bố trí dân cư ổn định

Ưu tiên bố trí tái định cư cho người dân

Ông Trần Văn Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, việc sắp xếp dân cư, bố trí tái định cư cho người dân trong vùng có nguy cơ sạt lở được huyện đặc biệt quan tâm. Từ năm 2021 đến nay, huyện đã phê duyệt phương án cho 20 khu tái định cư với 944 hộ được bố trí nơi ở mới. Trong đó 14 khu dân cư đã xây dựng xong, 6 khu tái định cư được phê duyệt trong năm 2024 đang triển khai thực hiện.

Cũng theo ông Trần Văn Mẫn, qua rà soát trước mùa mưa lũ 2024, trên địa bàn huyện Nam Trà My có 33 điểm nguy cơ sạt lở cao, ảnh hưởng hơn 10.000 người dân. Trong lúc chờ nguồn vốn để sắp xếp dân cư, bố trí tái định cư, chính quyền và người dân đã xây dựng các phương án để chủ động phòng tránh diễn biến phức tạp của thiên tai.

Qua kiểm tra hiện trường sự cố nứt đất tại xã Đắc Pre, huyện Nam Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng yêu cầu lãnh đạo huyện Nam Giang và các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn tất các thủ tục, chọn vị trí an toàn để xây dựng khu tái định cư mới, đồng thời hỗ trợ kinh phí để người dân thôn 56B di dời đến nơi ở mới trước Tết Nguyên đán năm 2025.

Người dân di chuyển đến nơi ở tạm, chờ địa phương bố trí khu tái định cư mới.
Người dân di chuyển đến nơi ở tạm, chờ địa phương bố trí khu tái định cư mới

Việc sắp xếp dân cư, bố trí tái định cư cho người dân trong vùng có nguy cơ sạt lở được huyện đặc biệt quan tâm. Từ năm 2021 đến nay, huyện đã phê duyệt phương án cho 20 khu tái định cư với 944 hộ được bố trí nơi ở mới. Trong đó 14 khu dân cư đã xây dựng xong, 6 khu tái định cư được phê duyệt trong năm 2024 đang triển khai thực hiện”.

Ông Trần Văn Mẫn Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My

“Tại những vùng xuất hiện vết nứt, tỉnh sẽ cho di dời khẩn cấp đến khu tái định cư mới. Với miền núi, chúng tôi chỉ đạo có một kế hoạch chi tiết di dời dân, tỉnh sẵn sàng dành nguồn ngân sách thực hiện cấp bách trong thời gian tới”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng cho biết thêm.

Trong chuyến công tác kiểm tra công tác phòng, chống sạt lở mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết yêu cầu các địa phương cần chủ động hơn nữa trong việc ứng phó với thiên tai. Trong đó, việc đảm bảo an toàn cho người dân và các lực lượng hỗ trợ phải được đặt lên hàng đầu trong mọi tình huống.

“Tinh thần “4 tại chỗ” phải được quán triệt xuyên suốt, các địa phương phải thường xuyên cập nhật các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh, huyện cho người dân nắm, vận động cùng thực hiện. Cùng với đó phải thông tin, cập nhật thường xuyên tình hình, cảnh báo nguy cơ về thiên tai nhanh, đúng, đủ, kịp thời. Về lâu dài, cần rà soát để di dời toàn bộ người dân ở các vùng có nguy cơ cao sạt lở, tìm kiếm và sắp xếp bố trí dân cư ổn định”, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết yêu cầu.

Tin cùng chuyên mục
Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Năm 2022, Nghệ An được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đây là tiền đề quan trọng để địa phương tiếp tục có những bước đi vững chắc trong công tác xóa mù chữ. Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, địa bàn cách trở… đang là những trở ngại đối với công tác xóa mù chữ, đòi hỏi tỉnh Nghệ An có những giải pháp phù hợp.