Việc lựa chọn lễ hội mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều, xã Ngân Thuỷ là một điểm để kết nối với di sản tương đồng của người Bru-Vân Kiều ở tỉnh Quảng Trị thể hiện sự quan tâm của Bộ VHTTDL, Cục Di sản Văn hóa và các cơ quan, chính quyền các cấp của tỉnh Quảng Bình đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa của đồng bào các DTTS ở địa phương. Đây cũng là dịp để đồng bào giao lưu, quảng bá sản phẩm văn hoá cộng đồng với bạn bè trong nước và quốc tế.
Lễ hội mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều ở xã Ngân Thủy (Lệ Thuỷ, Quảng Bình) là Di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, đặc sắc được đồng bào gìn giữ và duy trì trong cộng đồng từ xưa đến nay. Lễ hội thường được tổ chức sau thời gian thu hoạch, kết thúc một chu kỳ sản xuất để bước vào một vụ mùa mới.
Lễ hội vừa có giá trị về lịch sử và văn hóa tộc người, vừa góp phần thu hút các nhà nghiên cứu, khách du lịch đến trải nghiệm đời sống văn hóa cộng đồng của người dân địa phương. Lễ hội hiện còn lưu giữ những nghi lễ liên quan tới vòng đời cây lúa, là nghi thức tâm linh để tạ ơn trời đất, thần linh đã ban cho đồng bào mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Tại lễ hội, đồng bào tham gia thực hành các nghi lễ, nghi thức, các hoạt động diễn xướng, trò chơi dân gian và thực hành, trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Hoạt động trưng bày và thực hành trình diễn lễ hội mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều ở xã Ngân Thủy tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Bình là mô hình hoạt động mới, lần đầu tiên được tổ chức tại địa phương. Thông qua hoạt động này nhằm tạo cơ hội cho những người làm công tác bảo tồn di sản văn hóa ở Quảng Bình học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm; đồng thời góp phần phục vụ cộng đồng gắn với phát triển du lịch.
Mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể "Lễ hội mừng cơm mới/lúa mới của người Bru-Vân Kiều" trong hành trình du lịch di sản Quảng Bình-Quảng Trị sẽ góp phần phát triển một cách đồng đều đời sống văn hoá, xã hội cộng đồng dân tộc Bru-Vân Kiều, hỗ trợ cộng đồng phát huy di sản này một cách thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế, phong tục, tập quán của đồng bào.