Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Lễ hội Trỉa lúa của người Bru - Vân Kiều, nét văn hóa đậm đà bản sắc

Khánh Ngân - 21:42, 04/10/2022

“Chặt, đốt, cốt…” trong quy trình canh tác nương rẫy truyền thống của đồng bào Bru- Vân Kiều đã đi vào dĩ vãng. May mắn là trỉa - công đoạn cuối trong quy canh tác ấy của đồng bào đã được lễ hội hóa và “sống” với nét nguyên sơ, đậm đà bản sắc.

Già làng cùng bà con dân bản ở xã Trường Sơn thực hiện nghi thức trong lễ hội Trỉa lúa
Già làng cùng bà con dân bản ở xã Trường Sơn thực hiện nghi thức trong lễ hội Trỉa lúa

Đậm đà bản sắc

Hàng năm, vào ngày 11 đến 14/7 âm lịch, người Bru- Vân Kiều ở xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) lại long trọng tổ chức lễ hội Trỉa lúa truyền thống. Phần lễ trang nghiêm và đậm đà bản sắc, phần hội đoàn kết sum vầy. Đồng bào lại gửi gắm mong ước cho cây trĩu bông, chắc hạt vụ mùa bội thu.

Khảm thờ được bày ra, tựa lưng vào hướng núi chồng. Mặt khảm thờ hướng qua núi Khe Cát mà dân gian bản xứ gọi là núi Vợ. Khi mặt trời chiếu xuống vùng đất lễ, 2 thanh niên khỏe mạnh khiêng đến một con lợn trắng đặt xuống cạnh khe nước chảy. Lễ tế sống (hiến sinh) lợn được xem là phần khai lễ. Lúc này già làng sẽ báo lệnh khai lễ và dân bản đứng khép vòng quanh con lợn, hướng mắt về giữa. Già làng ở giữa vòng người, tay trái xách chai rượu, tay phải cầm chiếc ly thủy tinh nâng lên rót đầy rượu rồi miệng cất lời khấn to cho mọi người cùng nghe.

Kết thúc phần khấn, già làng tưới rượu từ chiếc ly đang cầm trên tay lên đầu lợn, thân lợn. Tưới rồi, vẫn chiếc ly ấy, già lại rót rượu trong chai ra đầy và chuyền vòng từ trái sang phải theo vòng người cùng đứng để uống hưởng lễ. Đồ tể bắt đầu múc nước bên khe dội rửa lợn cho sạch, tiến hành làm thịt lợn. Khi lợn đã làm xong thì đem đi luộc chín.

Lợn chín được chia làm hai phần đặt lên hai tầng của khám thờ. Tầng cao thờ thần trời, thần núi, tầng thấp thờ thần đất, thần sông. Ở hai bên khảm thờ là hai chiếc gươm đẽo bằng gỗ một dài, một ngắn tạo nên vẻ oai linh. Một vò rượu cần đặt ở dưới đất trước khảm thờ, 5 chiếc cần chọc lên vươn về 5 phía như biểu tượng của các vía vũ trụ là kim, mộc, thủy, hỏa, thổ.

Chén “rượu lộc” trong lễ hội được chia đều thể hiện tinh thần đoàn kết của người Bru- Vân Kiều ở Đông Trường Sơn
Chén “rượu lộc” trong lễ hội được chia đều thể hiện tinh thần đoàn kết của người Bru- Vân Kiều ở Đông Trường Sơn

Xong lễ, già làng lại bước vào đứng trước khám thờ để làm lễ thứ tiếp. Bốn lão bản khác cùng với già mặc đồng phục lễ đứng nghiêm túc trước khảm thờ. Già bước tách hàng lên trước và cất lời khấn cầu mong thần phù hộ cho dân bản sức khỏe tốt, ban cho hạt giống được mọc lên cây lúa, cây ngô, cây đỗ… khỏe mạnh, xanh tươi, không cho chim chóc, muông thú phá hoại để có mùa màng bội thu người dân bản no ấm.

Cuối phần lễ, dân bản vai đeo gùi tay cầm gậy chọc lỗ đi xung quanh bãi đất để thực hiện nghi thức gieo hạt. Già làng cầm một cái nia trong đó đựng ít thóc giống, vừa nhún nhảy như người sảy thóc, vừa tiếp tục khấn, gọi thần lúa về phù hộ cho dân làng làm ăn thịnh đạt.

Sau khi cúng xong tất cả dân bản cùng nhau quây quần bên những mâm cỗ. Mọi người vừa ăn, vừa nói chuyện vui vẻ. Họ cũng cùng nhau bước vào phần hội với các trò chơi và cùng nhau hát những các làn điệu dân ca truyền thống.

Sau khi già làng kết thúc phần khấn, bà con dân bản bắt đầu tiến hành chọc lỗ, trỉa hạt
Sau khi già làng kết thúc phần khấn, bà con dân bản bắt đầu tiến hành chọc lỗ, trỉa hạt

Chuyển hóa thành tiềm lực

Lễ hội Trỉa lúa của người Bru-Vân Kiều”, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình được Bộ trưởng Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch (VHTTDL) ban hành Quyết định số 608/QĐ-BVHTTDL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đó là bước tiến quan trọng để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của người Bru-Vân Kiều ở đông Trường Sơn. Từ một công đoạn trong sản xuất nương rẫy truyền thống, “trỉa” lúa đã chuyển hóa thành tiềm lực để thúc đẩy ngành du lịch phát triển. Đời sống kinh tế, xã hội người Bru- Vân Kiều ở Trường Sơn theo đó cũng khá hơn.

Hàng năm, có hàng ngàn du khách thập phương đã đến Trường Sơn để cùng vui với đồng bào trong Lễ hội Trỉa lúa. Những dịch vụ như nhà hàng ăn uống, lưu trú, du lịch sinh thái… cũng hình thành để đáp ứng nhu cầu của du khách. Nhiều hộ gia đình người Bru- Vân Kiều ở Trường Sơn dần chuyển hóa từ hộ sản xuất nông nghiệp sang kinh doanh dịch vụ. Các sản phẩm nông nghiệp mang tính đặc trưng vùng miền, đặc sản cũng theo khách về xuôi. Người Bru- Vân Kiều có thêm đồng vào đồng ra.

Sau phần lễ, phần hội là những trò chơi dân gian vui nhộn đậm đà bản sắc
Sau phần lễ, phần hội là những trò chơi dân gian vui nhộn đậm đà bản sắc

Ông Nguyễn Văn Nhì, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn chia sẻ: “Trên địa bàn xã Trường Sơn có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp thích hợp với phát triển du lịch như: Thác Tam Lu; Suối Chà Cùng; Lèn Chuông…; Những năm qua, Đảng ủy và chính quyền địa phương đã có nhiều chính sách để kêu gọi đầu tư để phát triển kinh tế, xã hội cho đồng bào ở địa phương”.

Ông Nhì cũng cho biết thêm, hiện đã có nhiều thanh niên người đồng bào mạnh dạn xây dựng quán hàng phát triển dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.

Việc du khách tìm về Trường Sơn ngày càng nhiều, nhất là vào dịp lễ hội Trỉa lúa không chỉ tạo nguồn thu cho người dân địa phương, nó còn giúp đồng bào tiếp cận và hòa nhập với lối làm ăn, thương mại mạnh mẽ hơn. Tư duy “chặt, đốt, cốt, trỉa” để tự cung tự cấp chuyển dần sang nền sản xuất hàng hóa hiệu quả kinh tế cao.

Ngoài Lễ hội Trỉa lúa, người Bru - Vân Kiều ở tỉnh Quảng Bình còn có di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là Lễ hội Đập trống của người Ma Coong xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch. Việc tổ chức các lễ hội này không những góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống của người Bru-Vân Kiều mà nó còn là động lực để miền tây Quảng Bình phát triển du lịch.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.