Dấu ấn nhiệm kỳ
Ông Trần Thiện Hải, Chánh Văn phòng UBND huyện Phước Sơn cho biết, từ các nguồn lực của Trung ương, của tỉnh cho phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhiều năm qua, chính quyền địa phương đã lồng ghép triển khai thực hiện các chương trình, dự án đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở, hỗ trợ phát triển sản xuất, mở rộng các mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, vừa góp phần hoàn thiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững, vừa nâng cao thu nhập, thúc đẩy phát triển KT-XH cho đồng bào DTTS.
Giai đoạn 2015 - 2020, Phước Sơn đã đầu tư xây dựng cơ bản gần 1.000 tỷ đồng, với hơn 250 công trình và hạng mục công trình đưa vào sử dụng; duy trì hơn 1.000 cơ sở kinh doanh hàng hóa và dịch vụ, giải quyết việc làm cho hơn 1.200 lao động có thu nhập ổn định. Hằng năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt khoảng 250 tỷ đồng và thu ngân sách do kinh tế phát sinh ước đạt 1.470 tỷ đồng, tăng 54% so với nhiệm kỳ 2010 - 2015; thu nhập bình quân đầu người đạt 21 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 6,3%. Năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo ước chỉ còn dưới 22%.
“Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu giảm nghèo và nông thôn mới, huyện đã phân bổ hỗ trợ đầu tư xây dựng 194 công trình hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế giúp hàng nghìn người dân được thụ hưởng. Ngoài ra, địa phương cũng tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), bước đầu đã có 5 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn 4 sao. Năm 2020, chúng tôi tiếp tục đăng ký 3 sản phẩm mới”, ông Hải cho biết thêm.
Phát huy giá trị kinh tế rừng
Theo ông Lê Minh Hưng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam, mặc dù là huyện nghèo nhưng Phước Sơn có nhiều lợi thế, tiềm năng trong phát triển kinh tế rừng, với diện tích đất lâm nghiệp chiếm gần 85% (trong đó, hơn 75 nghìn ha diện tích rừng tự nhiên). Đây cũng là địa phương có độ che phủ rừng đạt gần 75%, cao nhất tỉnh. Vì thế, bên cạnh phát huy tiềm năng nông, lâm nghiệp, địa phương cần phải biết nắm lấy cơ hội và khai thác giá trị một cách hiệu quả.
Những năm qua, Phước Sơn đã thực hiện tốt việc giao khoán quản lý, bảo vệ rừng theo nhóm hộ và chi trả chính sách bảo đảm đến với cộng đồng nhận giao khoán. Tuy nhiên, do công tác quy hoạch trước đây nên việc đầu tư, khai thác dược liệu dưới tán rừng vẫn còn nhiều vướng mắc trong cơ chế chính sách, khiến hiệu quả kinh tế chưa cao. Để kịp thời tháo gỡ, huyện đã rà soát, bổ sung, điều chỉnh; Sở NN&PTNN cũng đã có ý kiến đề nghị tỉnh cho phép thực hiện đưa vào quy hoạch giai đoạn 2021 - 2025, nhưng đến nay vẫn chưa được chấp thuận.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu, từ những lợi thế lớn trong quy hoạch phát triển, Phước Sơn hoàn toàn có đủ khả năng để trở thành thị xã đầu tiên của miền núi Quảng Nam. Vì thế, bên cạnh nắm bắt cơ hội và kết nối giữa các khu vực lân cận, địa phương cần mở rộng định hướng trong phát triển, nhất là thu hút doanh nghiệp đầu tư, hỗ trợ mạnh về phát triển nông, lâm nghiệp, mở rộng quy mô phát triển dược liệu dưới tán rừng.
Từ thế mạnh và lợi thế của vùng, ông Bửu định hướng Phước Sơn cần phải định hướng trở thành địa phương điểm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng ở miền núi. Đồng thời chú trọng xây dựng hình ảnh, quảng bá thương hiệu để thu hút du lịch, phát triển kinh tế đặc trưng.