Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Phum sóc đồng bào Khmer đổi thay từ Chương trình MTQG 1719

Gia Ân - 07:50, 02/05/2024

Từ nguồn lực Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 (Chương trình MTQG 1719), vùng đồng bào Khmer ở An Giang đã chuyển mình mạnh mẽ, khoác lên mình diện mạo mới.

Chương trình hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo từ Chương trình MTQG 1719 góp phần tích cực giảm nghèo trong đồng bào DTTS tỉnh An Giang.
Chương trình hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo từ Chương trình MTQG 1719 góp phần tích cực giảm nghèo trong đồng bào DTTS tỉnh An Giang.

Phum sóc đổi mới

Sau gần 4 năm thực hiện Chương trình MTQG 1719, diện mạo xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của bà con Khmer được nâng lên rõ rệt.

Ông Chau Sóc Sa, Người có uy tín ấp Phước Bình, xã Ô Lâm cho biết: “Hiện nay, đời sống người dân dần được ổn định, trường học khang trang, sạch đẹp; các khu di tích lịch sử cách mạng được chỉnh trang, bảo tồn; ngành nghề truyền thống được khôi phục, người dân vừa sản xuất, vừa phát triển du lịch để nâng cao thu nhập”.

Đến Ô Lâm bất cứ ai cũng cảm nhận được sự “thay da đổi thịt” trên quê hương của nữ Anh hùng liệt sĩ người Khmer - Néang Nghés. Những con đường bê tông trải thẳng dài; những ngôi nhà kiên cố xuất hiện ngày càng nhiều. Đồng bào được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở, đất sản xuất, tạo điều kiện vay vốn... nên ở Ô Lâm xuất hiện nhiều hộ khá, hộ nghèo giảm nhanh.

Được hỗ trợ máy đánh đường, chị Néang Sa Ly ở ấp Phước Lợi, xã Ô Lâm chia sẻ: “Từ lúc chưa có máy đánh đường, công đoạn làm ra sản phẩm rất cực, phải đánh bằng tay 2 tiếng đồng hồ. Bây giờ có máy, bớt cực, thời gian đánh cũng nhanh hơn chừng nửa tiếng đồng hồ, rất đỡ mệt. Tôi cám ơn Nhà nước nhiều”.

Theo bà Phạm Thị Kiều Oanh, Phó Bí thư Đảng ủy xã Ô Lâm, thời gian qua, ngoài việc được đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đồng bào DTTS trên địa bàn xã còn được hỗ trợ về chuyển đổi ngành nghề và hỗ trợ nhà ở từ Chương trình MTQG 1719. Qua đó, xã đã triển khai hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho 25 hộ, mỗi hộ 10 triệu đồng và triển khai hỗ trợ nhà ở cho 72 hộ, mỗi hộ 44 triệu đồng.

“Nhiều chương trình, đề án hỗ trợ nhà ở và các chính sách an sinh xã hội được triển khai quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả. Những hộ nghèo, hộ cận nghèo xã Ô Lâm đều được thụ hưởng đầy đủ chính sách dân tộc. Từ đó, an tâm lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, từng bước nâng cao mức sống, vươn lên thoát nghèo”, bà Kiều Oanh cho biết.

Xã Ô Lâm đưa máy móc vào phục vụ sản xuất, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Xã Ô Lâm đưa máy móc vào phục vụ sản xuất, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Đời sống người dân được nâng cao

Cũng như xã Ô Lâm của huyện Tri Tôn, các địa phương thụ hưởng Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh An Giang đã có những chuyển mình mạnh mẽ. Tính đến ngày 31/1/2024, tỉnh An Giang giải ngân vốn Chương trình MTQG 1719 được 309,86 tỷ đồng (đạt 79,32%). Trong đó, vốn đầu tư phát triển đạt 187,62 tỷ đồng; vốn sự nghiệp đạt 112,34 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Phú, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh An Giang, để thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG 1719, tỉnh An Giang đặt ra các mục tiêu cụ thể, ưu tiên các xã đặc biệt khó khăn để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Việc hỗ trợ sinh kế cho đồng bào DTTS không chỉ dừng lại ở hỗ trợ “cần câu” bằng các loại máy móc, thiết bị, mà ngành chuyên môn còn chỉ cho người dân “cách câu cá”, bằng việc tổ chức lớp dạy nghề. Qua đó, nhiều người dân cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống.

Như gia đình chị Néang Kunh ở ấp Tô An, xã Cô Tô, huyện Tri Tôn, nhờ được hỗ trợ dụng cụ để khôi phục nghề truyền thống nấu đường thốt nốt nên cuộc sống gia đình chị ngày càng sung túc hơn. Chị Néang Kunh kể: “Được Nhà nước hỗ trợ vốn mua nồi, dụng cụ nấu nên giờ mở rộng quy mô. Ngoài gần chục cây thốt nốt nhà, gia đình còn thuê thêm 30 cây thốt nốt của bà con trong sóc để lấy nước nấu đường mỗi ngày”.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, bà Nguyễn Thị Minh Thúy, triển khai Chương trình MTQG 1719, đến nay, tình hình kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS giảm nhanh. Kết cấu hạ tầng từng bước được đầu tư, hoàn thiện. Bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer được giữ gìn và phát huy, khối đại đoàn kết giữa các dân tộc không ngừng được củng cố.

“Thời gian tới, tỉnh An Giang sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án thuộc Chương trình MTQG 1719; thường xuyên lắng nghe, nắm bắt tâm tư nguyện vọng chính đáng của đồng bào DTTS, phản ánh kịp thời lên cấp thẩm quyền xem xét, giải quyết...”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang khẳng định.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.