Tại xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn, địa phương có đến 97% dân số là đồng bào dân tộc Khmer, chúng tôi gặp anh Chau Nưng ở ấp Phước Lợi. Nở nụ cười tươi rói, anh Chau Nưng cho biết: Cách đây vài năm, gia đình anh được vay 8 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn, 20 triệu đồng chương trình hộ nghèo, gia đình đầu tư nuôi bò sinh sản. Nhờ chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật, đến nay, gia đình đã có đàn bò 6 con, không những là tài sản có giá trị mà còn cho gia đình nguồn phân bón để cải tạo 3 công đất trồng các loại rau màu, mỗi năm cho thu nhập trên 50 triệu đồng.
Hay gia đình chị Neáng Kha Ly ở ấp Tô An, xã Ô Lâm là một trong những hộ làm ăn hiệu quả, nhờ được hỗ trợ dụng cụ để khôi phục nghề truyền thống nấu đường thốt nốt nên cuộc sống gia đình chị ngày càng sung túc.
“Lúc trước, cuộc sống rất bấp bênh, không có vốn nên công việc nấu đường gặp khó khăn. Nhờ được Nhà nước hỗ trợ vốn mua nồi, dụng cụ nấu nên giờ tôi mở rộng quy mô. Ngoài gần chục cây thốt nốt nhà, gia đình còn thuê thêm 30 cây thốt nốt của bà con trong sóc để lấy nước nấu đường mỗi ngày”, chị Neáng Kha Ly cho biết.
Về các phun sóc của đồng bào Khmer An Giang dễ dàng nhận ra bức tranh nông thôn đã thay đổi nhiều so với cách đây chừng vài năm. Hệ thống giao thông thông suốt, kênh mường thủy lợi được đầu tư, tu tạo, trạm y tế, trường học được xây mới tạo diện mạo mới cho nông thôn vùng đầu nguồn sông Hậu ngay trước thềm Tết Chôl Chnăm Thmây.
Sau ba năm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình MTQG 1719), tỉnh An Giang đã triển khai đầu tư và hoàn thành 24/66 công trình hạ tầng. Trong đó, huyện Tri Tôn: 15/52 công trình, huyện Tịnh Biên 4/9 công trình, huyện Thoại Sơn 2/2 công trình, huyện An Phú 3/3 công trình. Từ nguồn lực của các dự án Chương trình MTQG 1719 đã góp phần hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh, nhất là với đồng bào DTTS ở địa bàn đặc biệt khó khăn.
Ông Châu Anne, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh An Giang chia sẻ: Cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng, tỉnh chú trọng đa dạng hóa sinh kế, xây dựng và phát triển, nhân rộng các mô hình giảm nghèo. Với tổng kinh phí trên 13,6 tỷ đồng, đến nay, tỉnh đã triển khai 27 mô hình giảm nghèo cho 810 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo 18 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Đồng thời, mở 179 lớp đào tạo nghề trình độ ngắn hạn cho gần 5.400 học viên là lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo… Từ đó, giúp cho người lao động có được kiến thức, kỹ năng nghề góp phần tạo việc làm nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.
Triển khai thực hiện Dự án 1, Chương trình MTQG 1719, đến nay, tỉnh An Giang đã quy hoạch bố trí tái định cư cho 2.400 hộ ở 9 xã thuộc huyện Tri Tôn và 1.940 hộ ở 9 xã thuộc huyện Tịnh Biên với tổng kinh phí hơn 287,2 tỷ đồng. Tỉnh cũng đầu tư xây dựng 5.420 căn nhà tập trung tại huyện Tịnh Biên, Tri Tôn và An Phú, hỗ trợ đất ở cho 1.891 hộ. Qua đó, giúp đồng bào DTTS Khmer ổn định cuộc sống, tập trung phát triển kinh tế.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang: Theo Kế hoạch tổng thể Chương trình MTQG 1719, tỉnh An Giang hỗ trợ đất ở cho 317 hộ; hỗ trợ nhà ở cho 1.092 hộ; chuyển đổi nghề cho 358 hộ; đầu tư cơ sở hạ tầng ở xã, ấp đặc biệt khó khăn là 59 công trình; xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn là 3 xã; ấp ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn là 5 ấp. An Giang phấn đấu hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm bình quân 1 - 1,2%/năm; hộ nghèo DTTS giảm từ 3-4%/năm.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực vươn lên của đồng bào DTTS đã góp phần phát huy hiệu quả Chương trình MTQG 1719 ở An Giang. Đây là động lực, là niềm tin để An Giang đồng lòng phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.