Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Phú Thọ với công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng

Vân Khánh - 14:55, 08/11/2024

Thời gian qua, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được triển khai thực hiện quyết liệt và hiệu quả. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của thời tiết do biến đổi khí hậu, nắng nóng, khô hạn, tiềm ẩn nguy cơ cao cháy rừng bất cứ lúc nào, qua đó lực lượng kiểm lâm đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng và địa phương, chủ động triển khai các phương án PCCCR.

Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú thọ kiểm tra công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng và PCCCR tại xã Tam Thanh, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ
Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú thọ kiểm tra công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng và PCCCR tại xã Tam Thanh, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ

Là một trong những địa phương có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn trong toàn quốc, tỉnh Phú Thọ hiện có trên 168 nghìn ha rừng, trong đó có 47,4 nghìn ha rừng tự nhiên, 121 ha rừng trồng, tỷ lệ che phủ đạt gần 39,7% (năm 2023). Những năm qua, Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Phú Thọ đã tăng cường đôn đốc, kiểm tra công tác bảo vệ rừng, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tích cực tuần tra, bám nắm địa bàn. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại đến rừng.

Thường xuyên cập nhập, theo dõi diễn biến thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng và bản tin của Cục Kiểm lâm, kịp thời tham mưu xây dựng và ban hành các văn bản tăng cường công tác PCCCR, cảnh báo cháy rừng trong các ngày nắng nóng, nhiệt độ lên cao; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương quản lý, bảo vệ tài sản là rừng trồng.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Thọ tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, xây dựng dự thảo Tờ trình của Ủy ban Nhân dân tỉnh về ban hành Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh quy định một số nội dung, mức kinh phí thực hiện chính sách đầu tư về lâm nghiệp theo Nghị định số 58/2024/NĐ-CP, ngày 24/5/2024 của Chính phủ về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và đăng tải lên Cổng thông tin điện tử tỉnh Phú Thọ, để xin ý kiến các Sở, ngành, UBND các huyện, thành, thị và ý kiến rộng rãi từ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

Tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ Thanh tra - Pháp chế cho chủ cơ sở kinh doanh chế biến lâm sản và nuôi nhốt động vật hoang dã trên địa bàn; phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức lớp tập huấn tuyên truyền công tác bảo vệ, phát triển rừng, PCCCR cho các hội viên Hội Nông dân; Phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức lớp tập huấn tuyên truyền công tác bảo vệ, phát triển rừng, PCCCR cho hội viên Hội Phụ nữ….

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Thọ, thông tin: Để chủ động các biện pháp PCCCR, giảm thiểu cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra, Chi cục Kiểm lâm yêu cầu Hạt Kiểm lâm triển khai đồng bộ các biện pháp PCCCR. Hàng năm, Chi cục tổ chức diễn tập PCCCR, tập huấn sử dụng các ứng dụng trên nền tảng số về theo dõi và cảnh báo cháy rừng.

Cán bộ Kiểm lâm đang tuyên truyền cho người dân về công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng và PCCCR tại xã Đồng Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ
Cán bộ Kiểm lâm đang tuyên truyền cho người dân về công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng và PCCCR tại xã Đồng Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ

Song song với đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Thọ chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm tăng cường quản lý, giám sát nguồn lửa, nguồn nhiệt, kiểm lâm phụ trách địa bàn phối hợp với các lực lượng liên quan, địa phương bố trí các điểm chốt chặn, trạm kiểm soát, thực hiện canh gác, bảo vệ an toàn khu vực rừng, để giảm thiểu tối đa thiệt hại do rừng gây ra. Chủ động thực hiện phương án “bốn tại chỗ”, không để xảy ra cháy lớn, huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ xử lý ngay khi mới phát hiện cháy rừng.

Đồng thời, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tăng cường phối hợp với các đơn vị theo dõi sát diễn biến thời tiết, khí hậu của từng vùng, kết hợp kiểm tra, xác định cụ thể các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng, thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng, các bản tin dự báo, cảnh báo cháy rừng đối với từng khu vực để chính quyền địa phương, các đơn vị có liên quan và chủ rừng chủ động triển khai phương án PCCCR”.

Là huyện có diện tích rừng lớn trong tỉnh, Yên Lập có trên 27 nghìn ha đất có rừng, chiếm 62% diện tích đất tự nhiên. Để chủ động làm tốt công tác quản lý và bảo vệ rừng, hàng năm, đơn vị đã kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, xây dựng quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; phối hợp với UBND các xã, thị trấn củng cố, kiện toàn tổ, đội cấp xã, khu dân cư về quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR; xây dựng các phương án xử lý sự cố chi tiết để tổ chức thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Yên Lập, tỉnh Phú Thọ, cho biết: Để làm tốt công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, ngoài áp dụng các chế tài xử lý vi phạm, thì công tác tuyên truyền vẫn là giải pháp nòng cốt mang tính bền vững. Đơn vị cũng tăng cường phối hợp với địa phương tích cực tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ rừng đến từng khu, hộ dân; tuyên truyền trực tiếp tại hiện trường về xử lý thực bì, cuốc hố, công tác trồng chăm sóc rừng.

Chủ động triển khai các biện pháp PCCCR, nhằm giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra, cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn đã phối hợp các ngành chức năng chủ động các phương án phòng thực hiện tốt quy định pháp luật về quản lý, bảo vệ, PCCCR nhằm hạn chế thấp nhất các vụ cháy rừng xảy ra trên địa bàn. 

Đồng thời, yêu cầu các xã tăng cường tuyên truyền về bảo vệ, PCCCR trên hệ thống loa truyền thanh, để người dân nâng cao cảnh giác, trách nhiệm trong công tác PCCCR tại cơ sở, chủ động, sẵn sàng thực hiện trong mọi tình huống xảy ra.

Lực lượng cán bộ Kiểm lâm đi tuần tra, kiểm tra rừng tại xã Đồng Sơn huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ
Lực lượng cán bộ Kiểm lâm đi tuần tra, kiểm tra rừng tại xã Đồng Sơn huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ

Ông Nguyễn Đức Vinh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, chia sẻ: Với diện tích rừng gần 43 nghìn ha, lớn nhất trong tỉnh, huyện Tân Sơn có Vườn Quốc gia Xuân Sơn, nơi đang quản lý diện tích rừng đặc dụng nhiều với hệ sinh thái rất phong phú, đa dạng sinh học cao. 

Tuy nhiên, mật độ dân cư sống trong rừng đặc dụng cao, diện tích đất canh tác ít, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, tạo áp lực lớn đến rừng và tài nguyên thiên nhiên. Để giúp người dân hiểu, nâng cao trách nhiệm giữ rừng, Hạt Kiểm lâm huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao vai trò quản lý, giám sát của cộng đồng dân cư thôn để bảo vệ rừng.

 Đồng thời, tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo UBND các xã xây dựng kế hoạch, phương án giữ ổn định rừng; xây dựng phương án tác chiến chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ” tại các khu vực trọng điểm, dễ xảy ra cháy rừng; chủ động rà soát, khoanh vùng trên diện tích rừng được giao và xác định các xã trọng điểm có nguy cơ cháy cao.

Ngoài chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ và PCCCR, xác định lâm nghiệp là tiềm năng và lợi thế trong phát triển kinh tế của địa phương, do đó bên cạnh việc quản lý bảo vệ rừng, tỉnh Phú Thọ còn triển khai đồng bộ các giải pháp, tăng cường các chính sách khuyến khích, hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế lâm nghiệp. Các chính sách hỗ trợ phát triển lâm nghiệp đã dần thay đổi nhận thức của người dân về công tác bảo vệ, phát triển rừng, đồng thời khích lệ, động viên người dân tích cực tham gia trồng rừng.

Thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh của Chính phủ, hàng năm, tỉnh Phú Thọ trồng mới gần 10.000 ha rừng tập trung, trong đó có trên 2.000 ha rừng gỗ lớn, hơn 2 triệu cây phân tán, chăm sóc gần 30.000 ha rừng trồng. Sản lượng gỗ khai thác đạt 195.000m3, năng suất rừng trồng bình quân đạt 70m3/ha/chu kỳ. 

Công tác quản lý, quy hoạch 3 loại rừng được chú trọng, đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành, diện tích rừng trên địa bàn tỉnh được bảo vệ, khai thác, sử dụng có hiệu quả, phát triển bền vững, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về lâm nghiệp; diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ được quản lý, bảo vệ chặt chẽ.

Mới đây, nhằm nâng cao chất lượng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh nhằm phát huy tốt chức năng của từng loại rừng, bảo tồn hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Kế hoạch về việc triển khai thực hiện Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng; nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng và phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tin cùng chuyên mục
Hiệu quả giảm nghèo trong đồng bào DTTS nhìn từ An Lão

Hiệu quả giảm nghèo trong đồng bào DTTS nhìn từ An Lão

Nhờ sử dụng đạt hiệu quả cao nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), huyện An Lão (Bình Định) đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo.