Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Phụ nữ DTTS bước vào “sân chơi” khởi nghiệp: Từ cô gái bán hàng rong... đến Giám đốc HTX (Bài 1)

Phạm Tiến - 08:50, 19/07/2023

Sau gần 3 năm thực hiện Đề án Cố Đô khởi nghiệp của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ngày 30/7/2020, hàng chục phụ nữ người DTTS đã bước chân vào “sân chơi” khởi nghiệp. Trong đó, nhiều mô hình do phụ nữ DTTS khởi nghiệp thành công đã tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Câu chuyện khởi nghiệp của chị Kăn Ary, dân tộc Cơ Tu ở thị trấn A Lưới là một ví dụ.

Phụ nữ DTTS bước vào “sân chơi” khởi nghiệp. Bài 1: Từ bán hàng rong đến Giám đốc Hợp tác xã
Chị Kăn Ary bên cửa hàng của HTX Nông sản an toàn tại thị trấn A Luới

Trải qua các công việc từ làm nghề thu mua phế liệu, bán hàng rong ở chợ, trồng chuối…chị Kăn Ary, dân tộc Cơ Tu đã trở thành người đứng đầu Hợp tác xã (HTX). Đặc biệt hành trình từ lúc bắt đầu khởi nghiệp đến xây dựng thương hiệu nông sản an toàn đã được chị cùng các cộng sự thực hiện một cách bài bản, khoa học.

Những ngày đầu gian truân

Thăm cửa hàng trưng bày và bán sản phẩm của HTX Nông sản an toàn ở thị trấn A Lưới (Thừa Thiên Huế) khi chiều đã về muộn. Trên các kệ hàng, những mớ rau sạch, nải chuối chín vàng óng cuối cùng cũng dần được những vị khách khó tính lấy đi. Từ phía cuối cửa hàng bước ra, chị Kăn Ary nở nụ cười tươi “Mời em ngồi chơi”. Câu chuyện khởi nghiệp của người phụ nữ người Cơ Tu cùng các cộng sự được chị kể lại một cách thủ thỉ rành rọt mặc dù nhiều lúc ngắn quãng bởi khách hỏi mua hàng …

Chị kể, trước đây, cuộc sống của chị khó khăn lắm, mưu sinh bằng nghề thu mua phế liệu, mỗi ngày chỉ được 20.000 - 50.000 đồng nhưng rất vất vả. Nhưng rồi từ chủ trương khởi nghiệp của tỉnh và được sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện, nhóm phụ nữ người Cơ Tu của chị đã cố gắng rất nhiều.

Chuyện bắt đầu vào năm 2017, khi Hội LHPN huyện A Lưới thành lập "Tổ liên kết và tiêu thụ nông sản an toàn". Không chần chừ, chị Kăn Ary tự nguyện tham gia bán rau tại chợ A Lưới. Vào tổ, chị Kăn Ary được giao nhiệm vụ thu mua tất cả các mặt nông sản của phụ nữ hội viên trong tổ, sau đó mang ra chợ bán.

Trong quá trình chạy chợ, chị Kăn Ary nhận thấy, đây vẫn là cách làm truyền thống, đầu ra cho nông sản của hội viên có giới hạn. Những câu hỏi đại loại như: Làm thế nào để các loại nông sản của địa phương có thể tiêu thụ trên thị trường rộng hơn? Làm sao để các gia đình hội viên có thu nhập ổn định từ cây rau, quả cà mình trồng ra… luôn quẩn quanh trong suy nghĩ của chị.

Phụ nữ DTTS bước vào “sân chơi” khởi nghiệp. Bài 1: Từ bán hàng rong đến Giám đốc Hợp tác xã 1
Cửa hàng Nông sản an toàn của HTX đã trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều khách hàng

Cứ thế, rồi chị đi tìm hướng đi, cách làm để có hiệu quả nhất cho mỗi câu hỏi. Đầu tiên, chị Kăn Ary vận động hội viên có đủ điều kiện về đất đai, sức lao động tham gia vào nhóm trồng trọt và chăn nuôi để mở rộng quy mô. Mặt khác, chị vận động hội viên ứng dụng khoa học vào canh tác để nâng cao năng suất. Khi đã chuẩn bị được những yếu tố, điều kiện cần, chị tiếp tục vận động hội viên cam kết tham gia hoạt động với tổ theo chuỗi giá trị... Đó là những bước đệm để chị cùng các cộng sự bước chân vào “sân chơi” khởi nghiệp. Từng bước đưa nông sản sạch của hội viên ra với thị trường rộng lớn hơn.

 Khát vọng bước vào “sân chơi” lớn

Nắm bắt được khao khát của hội viên, tháng 4/2018, Hội LHPN A Lưới đã hỗ trợ chị Kăn Ary cùng cộng sự thành lập HTX Nông sản an toàn. Với tính cách quyết đoán, dám nghĩ dám làm và có thời gian trải nghiệm việc buôn bán ở chợ, chị Kăn Ary được bầu làm Giám đốc HTX.

Hướng tới mục tiêu khép kín quy trình, chị Kăn Ary thành lập 2 tổ trồng chuối, 1 tổ trồng rau quả, 1 tổ chăn nuôi gà, lợn tại các xã Hương Phong, Nhâm, Hồng Bắc (A Lưới, Thừa Thiên Huế). Cùng với nỗ lực của Giám đốc Kăn Ary và các hội viên, diện tích trồng rau, của quả và chăn nuôi đã tăng lên hơn 20 ha. Số hội viên ban đầu chỉ có 5 người, hiện nay đã tăng lên 48 người cùng tham gia chuỗi sản xuất.

Phụ nữ DTTS bước vào “sân chơi” khởi nghiệp. Bài 1: Từ bán hàng rong đến Giám đốc Hợp tác xã 2
Mỗi tổ một nhiệm vụ trong quy trình kép kín, từ trồng trọt, chăn nuôi đến việc bán sản phẩm cho người tiêu dùng

HTX Nông sản an toàn hoạt động theo mô hình sản xuất nông sản sạch, khép kín từ khâu sản xuất đến khi giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm ra thị trường. Để quảng bá và bán sản phẩm làm ra, HTX đã xây dựng 1 cửa hàng bán nông sản, thực phẩm tại thị trấn A Lưới và 1 cửa hàng tại thành phố Huế. 

Các mặt hàng bày bán, chủ yếu là các nông sản đặc trưng của vùng đồi núi như: Mật ong, chuối, các loại gạo, măng rừng, rau rừng, thịt gà, thịt heo bản, tiêu, ớt… Bên cạnh việc bán các sản phẩm làm ra từ HTX, các hội viên còn tổ chức thu mua nông sản của bà con, với phương châm "mỗi làng, xã đăng ký một loại sản phẩm".

Một thông tin rất vui mà chị Kăn Ary cung cấp thêm cho phóng viên là, hiện HTX có 2 cửa hàng, trung bình mỗi cửa hàng có thu 1,5 - 2 triệu đồng/ngày. Các cửa hàng nông sản sạch trên địa bàn huyện A Lưới và Tp. Huế mang lại doanh thu 850 triệu đến 1,2 tỷ đồng/năm. Hội viên có thu nhập ổn định 4 - 7 triệu đồng/người/tháng.

"Quan trọng hơn là các nông sản núi rừng lâu nay của bà con DTTS đã được người tiêu dùng biết đến và ưa chuộng. Từ đó tạo ra phong trào sản xuất hàng hóa trong cộng đồng người DTTS ở địa phương, góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào vùng cao", chị Kăn Ary phấn khởi thông tin.

Phụ nữ DTTS bước vào “sân chơi” khởi nghiệp. Bài 1: Từ bán hàng rong đến Giám đốc Hợp tác xã 3
Ngoài tạo việc làm cho hội viên, HTX Nông sản an toàn còn tạo ra môi trường sản xuất hàng hóa cho nhiều hộ đồng bào các DTTS ở huyện vùng cao A Lưới

Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, bà Lê Thị Quỳnh Tường - Chủ tịch Hội LHPN huyện A Lưới cho biết: Dưới sự điều hành của chị Kăn Ary, HTX Nông sản an toàn hoạt động rất tốt. Ngoài doanh thu bán hàng ngày càng tăng, HTX đang giải quyết việc làm cho khoảng chục hội viên là phụ nữ người DTTS

Được biết, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, chị Kăn Ary còn vận động đồng bào thành lập thêm 3 tổ vệ tinh, với các tên gọi: "Tổ rau sạch"; "Tổ bí đỏ, bí đao"; "Tổ chuối già lùn". Tất các các sản phẩm của các tổ đều được chị Kăn Ary bao tiêu và bình ổn giá. Đây là cơ hội lớn cho đồng bào các DTTS ở A Lưới sản xuất theo hướng hàng hóa, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế hộ gia đình. 


Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.