Tôi đi cùng với cán bộ Đồn Biên phòng A Mú Sung, BĐBP Lào Cai đến nhà một gia đình người Dao ở xã Nậm Chạc, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai để khảo sát tình trạng nhà ở nhằm giúp đỡ và hỗ trợ hộ dân này xây nhà mới. Chúng tôi phải chờ rất lâu, gia chủ mới bỏ dở việc đang làm là chăm hoa màu từ nương về nhà tiếp khách. Và ngạc nhiên hơn nữa là anh Phùng Láo Lù, 25 tuổi, trụ cột của gia đình đã lấy vợ nhưng đi ở rể tận một làng rất xa đã gần 3 năm trời, chỉ thỉnh thoảng về nhà làm nương rồi lại đi. Ngôi nhà của anh Lù luôn quạnh quẽ, neo người, thiếu lao động và các thành viên còn lại thì ốm yếu, đuối sức dần. Đây cũng chính là một trong những lý do khiến gia đình này không thể thoát nghèo trong khi bà con làng trên xóm dưới ở Nậm Chạc đều hào hứng trồng mới nhiều diện tích cây ăn quả để làm giàu.
Phùng Láo Lù kể, anh sống ở đằng nhà vợ từ cách đây gần 3 năm do lúc lấy không lo đủ tiền thách cưới của nhà gái. Vợ anh cũng là người Dao ở huyện bên nên cả hai gia đình thống nhất là anh sẽ ở rể theo phong tục truyền thống. Thường thì 3 năm sẽ hết hạn và người đàn ông nghèo sẽ được mang cả vợ, con về nhà mình. Phùng Láo Lù nói, anh ở bên nhà vợ, được coi như con cái trong nhà, làm lụng, vun vén cho nhà vợ và thỉnh thoảng lại về nhà mình làm nương, khá vất vả vì đóng hai vai và khối lượng công việc gấp đôi. Tuy nhiên, anh chưa quyết định là lúc nào sẽ về lại nhà mình. Ở trong vùng này, vẫn luôn có người dân tộc Dao lấy vợ đi ở rể như anh. Đó là phong tục tập quán lâu đời và cũng là cách để những người nghèo lập gia đình. Còn nhà gái thì thách cưới nhiều tiền bạc, cỗ bàn cũng do phong tục cũ quy định thế và bên gia đình nào cũng muốn giữ phong tục truyền thống của dân tộc Dao.
Trên thực tế, phong tục ở rể hiện nay đã dần được bãi bỏ ở nhiều vùng dân tộc thiểu số do đời sống ngày càng đi lên, việc hội nhập, giao thoa văn hóa với các dân tộc khác khiến người Dao bỏ dần những tập tục không phù hợp với xã hội hiện đại. Trước đây, thanh niên nghèo lấy vợ giàu sang cả đời ở rể. Sâu xa của tục ở rể là tín ngưỡng thờ Mẫu, coi trọng người phụ nữ, người sinh sản của dòng tộc cũng là người am hiểu tục lệ, thờ tự tổ tiên. Chế độ mẫu hệ có thể không còn rõ nét nhưng tục ở rể chính là linh hồn của tín ngưỡng phồn thực, coi trọng sự sinh sôi, di truyền và nối dõi. Bởi vì ở gia đình có chàng rể mới, nếu cặp vợ chồng sinh con thì sẽ được về nhà bên nội trước thời hạn, chứ không quy định là 3 năm hay 5 năm. Hoặc nhà gái nếu có thanh thế, quyền lực thì sẽ quyết định chàng trai ở lại đến khi họ có 2 con, mỗi đứa con ở một gia đình, một mang họ bố, một mang họ mẹ, hay là chàng rể sẽ ở lại bên vợ cả đời, như con đẻ của gia tộc bên vợ.
Tìm hiểu về tục ở rể của người Dao một cách thấu đáo sẽ hiểu ý nghĩa sâu xa của quan niệm nhân sinh nhất quán của họ. Người Dao không phân biệt đối xử và không trọng nam, khinh nữ và ngược lại. Khi gia đình nào có được chàng rể hiền lành, tháo vát đến ở thì được xem là có phúc thêm người, thêm của. Nếu chàng trai cảm kích thâm tình của nhà vợ thì ở lại luôn, quyết định làm lễ cấp sắc và đổi họ luôn sang họ của bố vợ. Rất nhiều trường hợp người quản lý nhân khẩu ở địa phương lúng túng vì các thanh niên sau khi lấy vợ bỗng nhiên đổi họ, sai lệch hồ sơ nhân thân. Khi làm thủ tục hành chính thì tìm mãi không ra người, khi lập hồ sơ để phát triển đảng viên thì sau khi làm hồ sơ xong, thanh niên lấy vợ đổi họ làm người làm hồ sơ đi tìm không thấy có ai tên như trong hồ sơ.
Xét về tính cố kết và hương ước dòng tộc nhiều đời của các dân tộc thiểu số có thể thấy tục ở rể đã từng là cứu cánh của rất nhiều chàng trai mồ côi, nghèo khó, neo đơn. Nếu không chọn cách ở rể thì có những người không thể lập gia đình do tục lệ thách cưới bằng lễ vật, tiền bạc số lượng lớn. Những lễ vật này là đồ cúng tổ tiên, hồi môn cho gia đình nhà gái và cũng là quà tặng chia cho các gia đình trong dòng họ nên không thể thiếu được. Bên cạnh đó, việc ở rể cũng là niềm vui, sự kéo dài tính trường tồn của những gia đình chỉ có con gái. Lẽ tất nhiên là nếu chàng trai ở rể hoàn toàn gia nhập gia đình vợ thì phải đổi họ. Việc này liên quan đến quyền thừa kế, trách nhiệm thờ cúng tổ tiên nhà vợ và con cái cũng phải mang họ vợ để dòng họ truyền nhiều đời.
Người Dao chỉ làm lễ cấp sắc một lần cho thanh niên khi lớn lên và được coi là lễ trưởng thành nên thường thì các gia đình nghèo không có đủ tiền làm lễ quan trọng này. Khi chàng trai đi lấy vợ ở rể cả đời thì bên vợ cấp sắc và nhận người vào họ luôn. Chàng trai đi lấy vợ xác định ở rể thì đó cũng là lễ tiễn người và “cắt khẩu”. Đó là tục lệ nhân văn nhằm nhân lên thanh thế các dòng tộc và tăng cường tính cố kết cộng đồng.
Các dân tộc khác không có lễ cấp sắc như người Dao thì đều có những hình thức cam kết khác đối với chàng trai ở rể. Đối với người Dao, các bài thuốc dân gian bí truyền của họ thường chỉ truyền cho con gái và dù chàng trai ở rể được coi như con cái trong gia đình nhưng bài thuốc không bao giờ truyền cho con rể. Một vài dân tộc khác có nghề thủ công mỹ nghệ cũng truyền cho con gái, lý giải vì sao những trang sức quý giá đều được truyền đời từ mẹ sang con gái và chỉ vài đời sau là những trang sức này mất dấu, không biết lưu lạc ở đâu, hoặc thất thoát không tìm lại được.
Tục ở rể là phong tục nhiều tầng ý nghĩa và là điều đáng lưu ý đối với việc quản lý nhân khẩu cũng như hoạch định chiến lược phát triển kinh tế địa phương.