Tại buổi lễ, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết trong những năm qua, do tác động trực tiếp của tình hình tội phạm ma túy trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là khu vực "Tam giác vàng", tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy ở Việt Nam diễn biến rất phức tạp, nhất là trên các tuyến, địa bàn trọng điểm.
Phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, nhất là gia tăng sử dụng công nghệ cao, mạng xã hội và các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để thực hiện hành vi phạm tội.
Đáng chú ý, tội phạm ma túy hoạt động xuyên quốc gia có dấu hiệu phức tạp trở lại sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội do dịch COVID-19.
Công tác phòng, chống ma túy đã chú trọng vào các tuyến, địa bàn trọng điểm, nhất là tuyến Tây Bắc, Bắc Miền Trung, biên giới Tây Nam, các sân bay quốc tế, cảng biển; qua đó, làm giảm các điểm, tụ điểm, địa bàn trọng điểm phức tạp; từng bước làm chuyển biến tình hình ở một số "điểm nóng" về ma túy.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng Công an nhân dân, chủ công là lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã khám phá thành công 13.417 vụ, bắt 20.048 đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật về ma túy, thu giữ 466 kg heroin, 926 kg, 2.568.944 viên ma túy tổng hợp, 137 kg cần sa, cùng nhiều vật chứng liên quan; triệt xóa 204 điểm, 20 tụ điểm phức tạp về ma túy; phát hiện, triệt phá nhiều đường dây mua bán ma túy xuyên quốc gia, bắt giữ được các đối tượng cầm đầu, thu giữ số lượng ma túy rất lớn.
Tình hình người nghiện ma túy, sử dụng trái phép chất ma túy diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trên cả nước. Theo thống kê, hiện nay toàn quốc có trên 217.059 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý; 59.537 người sử dụng trái phép chất ma túy. Đây là "nguồn cầu" tiêu thụ ma túy rất lớn và có xu hướng gia tăng qua từng năm, là nguy cơ tiềm ẩn gây mất an ninh trật tự, bức xúc trong nhân dân.
Công tác cai nghiện, phục hồi và quản lý sau cai tiếp tục được quan tâm chỉ đạo; một số địa phương đã có nhiều sáng kiến khắc phục những khó khăn trong việc lập hồ sơ đưa người nghiện vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc. Trong 6 tháng đầu năm, các cơ sở cai nghiện ma túy trên cả nước đã điều trị, cai nghiện cho gần 42.000 người, trong đó tiếp nhận mới gần 4.500 người theo quy định mới của Luật Phòng, chống ma túy 2021; 100% các địa phương tổ chức quản lý sau cai nghiện tại cộng đồng; đã tổ chức nghiên cứu, triển khai thí điểm một số mô hình cai nghiện ma túy hoạt động hiệu quả theo Đề án đổi mới công tác cai nghiện của Chính phủ.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy còn diễn biến phức tạp và là một nguy cơ an ninh phi truyền thống mang tính xuyên quốc gia; lượng ma túy từ nước ngoài vận chuyển vào nước ta còn nhiều; số người nghiện vẫn ở mức cao; hiệu quả công tác cai nghiện chưa được phát huy; tỉ lệ tái nghiện cao; tình trạng người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy vi phạm pháp luật và phạm tội nghiêm trọng gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân…
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận, biểu dương Bộ Công an, Bộ LĐ-TB&XH, các bộ, ngành, đoàn thể, người dân và gửi lời cám ơn tới các tổ chức quốc tế, các quốc gia bè bạn đã cùng với Việt Nam và thế giới kiểm soát mức độ nhất định tệ nạn ma túy. Bởi các số liệu nghiên cứu quốc tế cho thấy, từ nay đến năm 2030, mỗi năm trên thế giới có thêm 3 triệu người nghiện ma túy. Ở Việt Nam, dù số liệu chưa đầy đủ nhưng mỗi năm thêm có khoảng 10.000 người nghiện mới.
Ở vị trí rất nhạy cảm về ma túy nhưng các lực lượng phòng, chống ma túy, các bộ, ngành, địa phương, người dân… đã nỗ lực phấn đấu để Việt Nam không trở thành điểm trung chuyển. Mặc dù cả nước có khoảng 270.000 người nghiện ma túy nhưng tỉ lệ người nghiện trên 100 người dân ở Việt Nam chỉ bằng 1/3 mức trung bình của khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng nhấn mạnh không thể thỏa mãn và buông lỏng khi hằng ngày, hằng giờ ma túy vẫn rình rập, đe dọa tất cả mọi người, nhất là độ tuổi người bị ảnh hưởng bởi ma túy ngày càng trẻ.
Người nghiện không chỉ hủy hoại sức khỏe bản thân, cuộc sống của bản thân mà ảnh hưởng đến cả người thân, gia đình. Người nghiện ma túy rất dễ liên quan đến tội phạm ma túy, nhất là khi bị ảo giác do ma túy thậm chí có thể gây ra những tội ác không tưởng tượng nổi.
"Công cuộc phòng, chống ma túy phải làm liên tục, quanh năm, không kể ngày đêm", Phó Thủ tướng nói và trân trọng ghi nhận sự phấn đấu, hy sinh của các lực lượng phòng, chống ma tuý.
Phó Thủ tướng khẳng định yêu cầu cấp thiết trong tăng cường trang bị cho các lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy. Công tác cai nghiện, trợ giúp người nghiện phải được đẩy mạnh hơn nữa trên tinh thần "không chỉ là trách nhiệm của ngành LĐ-TB&XH mà cả hệ thống chính trị, nhất là sự vào cuộc của các đoàn thể, toàn thể nhân dân".
Theo Phó Thủ tướng, cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể… cần tích cực triển khai "đi từng ngõ gõ từng nhà, rà từng người", không chỉ phát hiện người có liên quan đến mà túy mà còn kết hợp tuyên truyền, vận động về tác hại khôn lường của ma túy. Đây là công tác rất quan trọng và ngày càng khó khi ma túy, dưới các dạng như ma túy đá khiến nhiều người trẻ không cảnh giác cao độ, không biết đây là con đường ngắn dẫn đến nghiện ngập nên thì rất dễ sa vào, bị rủ rê sử dụng ma túy.
"Chỉ thị 36-CT/TW 2019 của Bộ Chính trị, Luật Phòng, chống ma túy 2021, Chiến lược quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy, các kế hoạch, chương trình hành động, chỉ thị, công điện của Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban quốc gia… đều thể hiện tinh thần nhất thiết phải hành động thường xuyên, liên tục. Các cấp chính quyền, đoàn thể dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng và toàn dân cùng tiếp tục hành động quyết liệt hơn nữa để bảo vệ cuộc sống an toàn của từng người, từng gia đình và toàn xã hội", Phó Thủ tướng nói./.