Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Tăng cường đấu tranh ngăn chặn tình trạng nhập lậu và sử dụng tiền chất không đúng mục đích

Như Khánh - 11:13, 26/12/2021

Lượng tiền chất, nguyên liệu làm thuốc nhập khẩu ngày một lớn, đặt ra nhiều thách thức với cơ quan chức năng trong phòng, chống tội phạm ma túy, khi việc sử dụng tiền chất để điều chế ma túy tổng hợp ngày càng phức tạp.

 Lực lượng Hải quan nơi có hàng nhập khẩu, xuất khẩu có trách nhiệm kiểm tra, giám sát hàng nhập khẩu, xuất khẩu theo quy định của pháp luật. (Ảnh minh họa)
Lực lượng Hải quan nơi có hàng nhập khẩu, xuất khẩu có trách nhiệm kiểm tra, giám sát hàng nhập khẩu, xuất khẩu theo quy định của pháp luật. (Ảnh minh họa)

Tại Hội nghị cung cấp thông tin về Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 được tổ chức sáng 24/12/2021, đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04), Bộ Công an cho biết, cả nước có gần 1.000 đơn vị sản xuất, kinh doanh (nhập khẩu, xuất khẩu) tiền chất công nghiệp, thuốc và nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần và tiền chất dùng làm thuốc. Số lượng nhập khẩu hàng năm tăng khoảng 10% so với năm trước.

Năm 2021, khối lượng tiền chất công nghiệp nhập khẩu khoảng 640 nghìn tấn, thuốc và nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần và tiền chất dùng làm thuốc khoảng 15 tấn. Trong khi đó, công tác kiểm soát tiền chất, thuốc hướng thần, thuốc gây nghiện, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất trong hoạt động mua bán đến sản phẩm cuối cùng còn nhiều khó khăn.

Theo đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), thời gian qua, cơ quan Hải quan đã phát hiện, bắt giữ, xử lý một số doanh nghiệp (DN) nhập khẩu tiền chất không có giấy phép. Trong đó, có trường hợp DN nhập khẩu tiền chất, khi cơ quan Hải quan phát hiện, bắt giữ, DN mới xin cấp phép bổ sung.

Trên thực tế, cơ quan Hải quan đã phát hiện và cảnh báo tình trạng xuất, nhập khẩu thuốc thú y chứa ma túy, tiền chất không có giấy phép của cơ quan chuyên ngành. Đơn cử như trong năm 2020, Cục Điều tra chống buôn lậu đã phát hiện 2 vụ buôn lậu tiền chất, trong đó 1 vụ đã ra 7 quyết định xử phạt thu nộp ngân sách hơn 2 tỷ đồng.

Để công tác đấu tranh với nhập lậu và sử dụng tiền chất không đúng mục đích, thậm chí phục vụ sản xuất ma túy, cơ quan Hải quan đã kiến nghị, cơ quan quản lý chuyên ngành nâng cao hiệu quả quản lý từ khâu cấp phép đến khâu hậu kiểm. Các bộ, ngành, cơ quan chức năng cần phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả, hiệu lực Nghị định 105/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma túy của Chính phủ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.

Bởi Nghị định đã quy định vai trò, trách nhiệm của cơ quan Hải quan và các bộ, ngành liên quan giúp cho việc kiểm tra, giám sát hàng nhập khẩu, xuất khẩu theo quy định của pháp luật đối với chất ma túy, tiền chất, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất được chặt chẽ, hiệu quả hơn hiện nay.

 Theo Nghị định, cơ quan Hải quan nơi có hàng nhập khẩu, xuất khẩu có trách nhiệm làm đầy đủ thủ tục hải quan, thực hiện chế độ kiểm tra, giám sát hàng nhập khẩu, xuất khẩu theo quy định của pháp luật.

Trường hợp phát hiện hàng nhập khẩu, xuất khẩu không đúng với nội dung giấy phép, lực lượng Hải quan cửa khẩu có thể tạm dừng làm thủ tục nhập khẩu, xuất khẩu, lập biên bản, xử lý theo thẩm quyền; Đồng thời trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ khi phát hiện sai phạm thông báo ngay cho các cơ quan cấp phép và Bộ Công an để phối hợp tăng cường công tác quản lý, kiểm soát và xử lý.