Sáng 21/7, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành- Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (PCTT), Chủ tịch Uỷ ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai - dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra công tác phòng chống thiên tai, bảo đảm an toàn và vận hành xả lũ tại Thủy điện Hòa Bình và an toàn đê điều tại TP. Hà Nội.
Cuộc kiểm tra nhằm nắm tình hình, đánh giá công tác chuẩn bị, khả năng sẵn sàng ứng phó trước mùa mưa bão, không để tình trạng “nước đến chân mới nhảy” khi mà thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường.
Chủ động ứng phó
Sau khi đi kiểm tra công tác bảo đảm an toàn và vận hành xả lũ của Thủy điện Hòa Bình (kiểm tra tại đỉnh đập và hầm nhà máy), Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã có cuộc làm việc với một số bộ, ngành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nghe báo cáo chung về tình hình và công tác bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước cũng như tình hình nhà máy Thủy điện Hòa Bình, trong đó có dự án mở rộng nhà máy.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, các tháng còn lại của năm 2021 có khả năng xuất hiện khoảng 9-11 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông, trong đó 3-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Đỉnh lũ trên các trên các lưu vực sông khu vực Bắc Bộ phổ biến ở mức báo động 1-2. Do đó, công tác dự báo, kiểm tra, rà soát để chủ động ứng phó với thiên tai là rất quan trọng; đặc biệt với hệ thống đê điều, công trình thủy lợi.
Theo Báo cáo của Bộ NN&PTNT, hiện nay, cả nước có tới trên 7.000 hồ chứa nước lớn nhỏ với tổng dung tích trữ của các hồ khoảng trên 70 tỷ m3, trong đó có 466 hồ chứa thủy điện với tổng dung tích khoảng 56 tỷ m3 (tổng công suất lắp máy 19.681 MW), còn lại là hồ, đập thủy lợi.
Các hồ đập thủy điện và phần lớn các hồ đập thủy lợi đều bảo đảm an toàn phòng, chống lũ. Tuy nhiên, đến nay cả nước vẫn còn trên 1.100 hồ đập thủy lợi đã được xây dựng khoảng trên 40 năm trước, chưa được duy tu bảo dưỡng thường xuyên.
Ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, năm nay lũ về muộn. Bình thường mọi năm là tháng 6, nhưng năm nay đến giữa tháng 7 nước lớn chưa về sông Đà, nên mực nước lòng hồ thủy điện Hòa Bình còn rất thấp.
Hằng năm, trước mùa mưa bão, EVN đều có các đoàn công tác đi kiểm tra an toàn và vận hành xả lũ công trình thủy điện trên bậc thang sông Đà.
Năm 2021, dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng Tập đoàn đã cử các đoàn kiểm tra; qua đó thấy rằng các đơn vị, trong đó có hồ thủy điện Hòa Bình thực hiện nghiêm túc công tác vận hành và chuẩn bị ứng phó trước mùa mưa bão.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho rằng hệ thống đo lường, cảnh báo có vai trò rất quan trọng. Như về trạm đo mưa tự động, mật độ theo tiêu chuẩn quốc tế là 40 km2 phải có 1 trạm đo mưa, tuy nhiên mật độ trạm của Việt Nam hiện chưa đủ dày, chưa hợp lý, đặc biệt là thiếu ở những vùng thường xuyên xảy ra thiên tai.
Do đó, Bộ TN&MT kiến nghị, trong các dự án đầu tư về hệ thống đo lường, cảnh báo khí tượng thủy văn cần bổ sung thêm những trạm đo mưa tự động và nghiên cứu bổ sung các trạm radar thời tiết.
Vận hành an toàn tuyệt đối, đạt hiệu quả kinh tế, tránh thiệt hại cho dân
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao, biểu dương Bộ NN&PTNT, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, EVN và Công ty Thủy điện Hòa Bình đã phối hợp nhịp nhàng, khoa học và hiệu quả trong vận hành công trình Thủy điện Hòa Bình bảo đảm an toàn, mang lại hiệu quả cao trên cả 3 nhiệm vụ: Phát điện phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt và điều tiết lũ cho hạ du.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phải bảo đảm tuyệt đối an toàn hồ đập, thực hiện thật nghiêm các quy định, nghị định của Chính phủ về việc bảo đảm an toàn hồ đập, điều này mang yếu tố sống còn. Nếu không điều hành kịp thời, để xảy ra sự cố thì thiệt hại vô cùng lớn cho các địa phương đồng bằng Bắc Bộ và Thủ đô Hà Nội.
Phải rà soát, kiểm tra, giám sát về quy trình, dự báo, bảo đảm yêu cầu làm sao tránh thiệt hại cho người dân. Muốn vậy, cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, các ngành, địa phương và nhà máy. Cần thông tin, thông báo trước cho người dân và xác định lưu lượng xả nước phù hợp; tránh trường hợp “xả ào một cái sau khi công bố mấy tiếng đồng hồ, người dân không kịp di tản”.
Bên cạnh nhiệm vụ phát điện, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc quan tâm phục vụ yêu cầu sản xuất nông nghiệp của đồng bằng Bắc Bộ, do đó, việc vận hành hồ chứa cần thực hiện chính xác, phối hợp nhịp nhàng, đáp ứng cả yêu cầu sản xuất nông nghiệp và sản xuất điện.
Trong thời gian tới, tập trung rà soát lại, đầu tư thêm thiết bị dự báo khí tượng thủy văn, để nâng cao năng lực công tác dự báo, cảnh báo thiên tai.
Thường xuyên kiểm tra, đánh giá an toàn hệ thống, bảo dưỡng các thiết bị công trình liên quan đến vận hành cửa van xả lũ, hệ thống đập, hệ thống phát điện dự phòng,…để chủ động các phương án khi có mưa lũ lớn xảy ra.
Đánh giá nhu cầu sử dụng điện của miền Bắc rất lớn, tuy nhiên, tốc độ phát triển nguồn điện chưa tương xứng, Phó Thủ tướng yêu cầu tập trung triển khai thi công dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng, bao gồm hai tổ máy, mỗi tổ công suất 240 MW và dự kiến sản lượng phát điện bình quân hằng năm khoảng 488,3 triệu kWh/năm. Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành, EVN cần quan tâm, giải quyết mọi khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án để làm sao có thể phát điện vào năm 2024 như đã mục tiêu đề ra.
Đề cao cảnh giác, chủ động tu bổ, bảo vệ an toàn đê điều
Sau khi kết thúc chuyến kiểm tra tại Hòa Bình, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và đoàn công tác đã đi kiểm tra công trình Đập Đáy, đây là công trình phân lũ sông Đáy của Hà Nội.
Hà Nội là một trong những địa phương có hệ thống đê điều lớn nhất cả nước với trên 750 km đê, trong đó trên 620 km đã được phân cấp trải rộng trên địa bàn của 26/30 quận, huyện. Chiều dài đê của Hà Nội chỉ đứng sau Thanh Hóa (trên 1.000 km đê), nhưng Hà Nội lại có nhiều tuyến đê quy mô lớn, trong đó có tuyến đê cấp đặc biệt bảo vệ cho Thủ đô Hà Nội, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước.
Trong nhiều năm qua, hệ thống đê của Hà Nội, trong đó có tuyến đê Sông Hồng không được thử thách qua các trận lũ lớn, do đó tiềm ẩn nguy cơ xuống cấp, hư hại… mà chưa được khảo sát khắc phục, dễ dẫn đến sự cố không lường được trước. Trong khi đó, theo dự báo, thời tiết, khí hậu, thiên tai, mưa lũ diễn biến ngày càng bất thường, cực đoan, phức tạp và khó lường.
Sau khi đi kiểm tra công trình, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành lưu ý, tuyệt đối không được chủ quan, luôn đề cao cảnh giác để thường xuyên kiểm tra, kịp thời tu bổ, gia cố, nâng cấp hệ thống đê điều, nhất là các điểm xung yếu, chuẩn bị tinh thần chủ động, sẵn sàng ứng phó khi lũ lớn xảy ra. Phải kiên quyết thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ an toàn đê điều.
Đối với các điểm, các công trình xung yếu đã phát hiện, đã đầu tư thì phải tranh thủ thời gian, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành. Đối với các điểm, các công trình xung yếu đang triển khai thủ tục đầu tư cần đẩy nhanh tiến độ đấu thầu, bố trí vốn, khởi công công trình.
TP. Hà Nội và các địa phương khẩn trương rà soát, báo cáo các điểm xung yếu chưa được đề xuất, chưa có kế hoạch triển khai tu bổ để chuẩn bị sẵn phương án gia cố, sẵn sàng vật tư, thiết bị và nhân lực để chủ động bảo vệ, tránh xảy ra sự cố mất an toàn./.