Còn nhiều bất cậpTốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp Quảng Ngãi những năm qua, luôn ở mức khá, bình quân 4,5%/năm. Song, chủ yếu là từ mở rộng diện tích, lạm dụng phân hóa học trong sản xuất, nên kém bền vững. Vì thế, dù sản lượng tăng, nhưng chất lượng sản phẩm không cao, giá trị gia tăng thấp. Nguyên nhân là do phân bổ nguồn vốn chưa tương xứng, không thu hút được các nhà đầu tư. Thực tế, đầu tư của xã hội cho nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng rất thấp. Đơn cử như, việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2015-2017, tổng nguồn vốn bố trí 781 tỷ đồng, chỉ đáp ứng 18% so với nhu cầu. Trong khi đó, nông nghiệp lại đóng góp 14-17% GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) toàn tỉnh.
Đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp không chỉ thấp, thiếu ổn định mà còn bất hợp lý. Đơn cử như lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Thay vì đầu tư liên kết theo chuỗi sản xuất-tiêu thụ, hoặc đầu tư vào lĩnh vực chế biến để nâng cao giá trị gia tăng, thì một số đơn vị chỉ tập trung vào việc khai thác tiềm năng, nguồn lực sẵn có về tài nguyên, hoặc kinh doanh thương mại. Do vậy, dù trên danh nghĩa là hợp tác làm ăn, nhưng một số doanh nghiệp không xem nông dân là đối tác, mà là đối tượng làm công nên nông dân không được hưởng lợi nhiều từ sự hợp tác này.
Để khắc phục những bất cập nêu trên, ông Dương Văn Tô, Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi cho rằng: Bên cạnh nguồn vốn thì diện tích đất sản xuất của ngành nông nghiệp cần phải được “quy về một mối”, tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư, áp dụng các công nghệ thâm canh và nuôi trồng hiện đại. Về phía người dân, cần phải thay đổi tư duy sản xuất, tiếp cận cách làm ăn hiện đại. Nhưng để làm được điều này, cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, ngành và cộng đồng xã hội”.
Tiếp cận nông nghiệp 4.0Lịch sử nông nghiệp 4.0 bắt đầu từ 1.0-nông nghiệp hữu cơ; 2.0-cách mạng xanh; 3.0-nông nghiệp chính xác và 4.0-nông nghiệp thông minh. Vì vậy, nếu như nông nghiệp công nghệ cao tập trung thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang hiện đại, thì nông nghiệp 4.0 chính là thay đổi phương thức quản lý, giúp nông dân kiểm soát và giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất.
Thực hiện mục tiêu trên, thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Ngãi và ngành nông nghiệp đã đẩy mạnh việc thu hút, lựa chọn doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Giai đoạn 2015-2017 đã có 19 dự án do doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, với tổng vốn đăng ký trên 1.000 tỷ đồng. Có 46 doanh nghiệp hợp đồng liên kết sản xuất với HTX và nông dân trên 2.600ha lúa.
Điểm nghẽn lớn nhất của sản xuất nông nghiệp hiện nay là chi phí cao, nhưng chất lượng kém. Vì vậy, đã đến lúc phải thay đổi tư duy “sản xuất lương thực” sang “nông nghiệp làm giàu”, với trọng tâm là giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất. Ngành nông nghiệp, chính quyền các cấp phải tìm lời giải cho đầu ra sản phẩm; làm gì để nông dân biết xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh và tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước? Làm gì để thu hút lao động có trình độ kỹ thuật cao vào nông nghiệp?...
Để nông nghiệp 4.0 trở thành “bệ đỡ” của nền kinh tế, tỉnh Quảng Ngãi cần quan tâm tạo điều kiện để thương mại hóa công nghệ; hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp, HTX tiếp nhận công nghệ, quảng bá sản phẩm. Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa thông qua việc hình thành các trang trại ở những vùng được chỉ định và có khả năng góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, khuyến khích hoạt động nông nghiệp theo hợp đồng, khắc phục tình trạng nông hộ nhỏ không tiếp cận được đầu vào và dịch vụ nông nghiệp, góp phần “chính thức hóa” mối liên hệ giữa nông hộ nhỏ với ngành chế biến thực phẩm.
THÀNH NHÂN