Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân xứ Nghệ: Thấy gì từ những mô hình kinh tế gắn với rừng (Bài 2)

Thanh Nguyễn - 12:07, 11/10/2023

Ngoài thu nhập từ bảo vệ rừng, từ lâm sản phụ… người dân các huyện miền núi Nghệ An đang hướng đến xây dựng các mô hình kinh tế gắn với rừng để nâng cao giá trị của rừng trên cùng đơn vị diện tích. Từ thực tế cũng đã chứng minh, có rất nhiều mô hình thực hiện hiệu qủa theo hướng này.

Nhờ phát triển kinh tế rừng mà nhiều hộ dân ở huyện Con Cuông đã thoát nghèo
Nhờ phát triển kinh tế rừng mà nhiều hộ dân ở huyện Con Cuông đã thoát nghèo

Từ những chuỗi giá trị…

Trong số những cây nguyên liệu trên đất lâm nghiệp ở Nghệ An, diện tích cây keo chiếm số lượng đáng kể. Hiện chưa có một thống kê cụ thể, nhưng tất cả các huyện miền núi ở Nghệ An đều có diện tích keo. Những huyện miền núi thấp, có độ dốc thấp như Thanh Chương, Anh Sơn, Tân Kỳ, Con Cuông, Quỳ Hợp, Quỳ Châu và một phần của Yên Thành… cây keo đang là cây lâm nghiệp chủ đạo.

Với diện tích rừng lớn, nhiều tiềm năng để phát triển cây nguyên liệu, nhiều doanh nghiệp đã tìm về Nghệ An đầu tư. Hiện nay, Nghệ An đã bắt đầu hình thành các chuỗi giá trị trong lĩnh vực phát triển kinh tế rừng. Cả tỉnh đang có trên 140 doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ, đặc biệt có những nhà máy lớn, hiện đại mới được đầu tư như nhà máy gỗ MDF của Tập đoàn TH ở Nghĩa Đàn; Nhà máy viên nén sinh khối của tập đoàn Thiên Minh Đức; Công ty Biomas Fuel Việt Nam; Công ty gỗ BVN Thanh Chương; Nhà máy chế biến gỗ Hoàng Thông…

Trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, thông qua dự án hỗ trợ kỹ thuật “Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học”, đã hình thành được chuỗi giá trị rừng trồng keo nguyên liệu tại địa bàn huyện Thanh Chương, Anh Sơn, Tân Kỳ giữa các hộ dân trồng rừng với Công ty Biomas Fuel Việt Nam và Công ty chế biến gỗ BVN Thanh Chương. 

Chăm sóc cây Keo tai tượng Úc ở Quế Phong
Chăm sóc cây Keo tai tượng Úc ở Quế Phong

Thông qua liên kết chuỗi đã có 9.089ha rừng trồng keo được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC. Dự kiến đến hết năm 2023, sẽ có thêm 9.300 ha rừng trồng keo được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (khoảng 4.800 ha tại địa bàn huyện Thanh Chương và khoảng 4.500 ha tại địa bàn các huyện Đô Lương, Tân Kỳ và Anh Sơn). 

Ông Lê Đình Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương hào hứng: Khi được cấp chứng chỉ FSC, chất lượng, giá trị từ rừng sẽ được nâng lên kéo theo đời sống của người dân cũng được nâng lên. Không những thế, tư duy phát triển kinh tế rừng mang tính bền vững cũng đã được người dân nhận ra và xem đó là hướng đi đúng đắn trong tương lai.

Ngoài ra, cũng thông qua dự án trên, một số chuỗi giá trị từ lâm sản ngoài gỗ như tre, nứa, mét, dược liệu đã và đang hình thành tại địa bàn huyện Con Cuông, Tương Dương, Quế Phong… mang lại thu nhập ổn định cho bà con nông dân. Điển hình trong số này là Hợp tác xã Trà Lân (Con Cuông) với các sản phẩm chủ đạo từ tre, mét. 

Hiện nay, tất cả các bộ phận cây tre, mét đều có thể trở thành nguyên liệu cho các sản phẩm: thân tre để làm cốc, ấm, bình đựng hoa, đồ trang trí; cành làm tay cầm, vòi nước; gốc tre để làm những ấm trà… Bên cạnh đó, là các sản phẩm theo chuỗi từ tre, mét của Hợp tác xã Mây tre đan Bản Diềm, xã Châu Khê (Con Cuông)

Bà Lang Thị Hoa, Chủ nhiệm Hợp tác xã Mây tre đan Bản Diềm vui vẻ: Các sản phẩm đã từng bước tìm đến các thị trường Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nhật, Đức, Pháp... với những mẫu mã, hoa văn họa tiết mới, màu sắc độc lạ trên các sản phẩm mây tre đan mỹ nghệ...;Thu nhập trung bình của hàng chục lao động là 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Hợp tác xã Mây tre đan Bản Diềm xã Châu Khê đang tạo việc làm ổn định cho nhiều hộ đồng bào DTTS ở Con Cuông
Hợp tác xã Mây tre đan Bản Diềm xã Châu Khê đang tạo việc làm ổn định cho nhiều hộ đồng bào DTTS ở Con Cuông

Đến những mô hình dưới tán rừng

Giá trị từ rừng không chỉ dừng lại ở khai thác sản phẩm từ cây trồng, từ lâm sản phụ; ở Nghệ An, hiện đang có nhiều mô hình phát triển kinh tế rừng rất hiệu quả, như mô hình du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Pù Mát huyện Con Cuông; khu du lịch rừng săng lẻ huyện Tương Dương; mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng và vùng đệm tại địa bàn các huyện Kỳ Sơn, Con Cuông, Quỳ Hợp, Tương Dương…

Mới đây, dự án “Hỗ trợ cộng đồng các xã vùng đệm phát triển cây dược liệu dưới tán rừng nhằm tăng thu nhập và bảo tồn đa dạng sinh học ở khu dự trữ sinh quyển thế giới Tây Nghệ An” do Chương trình tài trợ các dự án nhỏ - Quỹ môi trường toàn cầu thuộc Chương trình phát triển Liên hợp quốc tài trợ, với tổng kinh phí hỗ trợ lên đến 5 tỷ đồng, cũng đã được khởi động ở huyện Tương Dương.

Dự án được tiến hành thực hiện từ tháng 6/2022 đến tháng 6/2024, trên địa bàn 6 bản, thuộc 2 xã nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, là xã Yên Hòa và xã Nga My của huyện Tương Dương. Từ dự án này, các loài cây dược liệu quý dưới tán rừng như Khôi Nhung, Trà Hoa Vàng, Ba Kích Tím, Sa nhân… sẽ được khôi phục và phát triển; đồng thời, nâng cao thu nhập và năng lực cho cộng đồng sống trong vùng đệm các khu rừng đặc dụng, giảm thiểu áp lực lên rừng, bảo tồn đa dạng sinh học ở khu dự trữ sinh quyển thế giới Tây Nghệ An.

Nhiều thanh niên ở huyện miền núi biên giới Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An có việc làm nhờ mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng của Công ty Cổ phần Dược liệu Mường Lống
Nhiều thanh niên ở huyện miền núi biên giới Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An có việc làm nhờ mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng của Công ty Cổ phần Dược liệu Mường Lống

Ngoài cương vị là Bí thư Đảng ủy xã Châu Kim (Quế Phong), anh Hà Minh Tuấn còn là ông chủ của vườn ươm và nhân giống cây trà hoa vàng đặc sản nức tiếng. Từng tốt nghiệp khoa Nông Lâm (trường ĐH Vinh), kỹ sư Hà Minh Tuấn đã tình nguyện tham gia đội trí thức trẻ phát triển KT-XH tại quê nhà huyện Quế phong. Từ sự trăn trở: Làm gì để bà con thoát nghèo? Anh Tuấn bắt đầu bằng việc tìm cách bảo tồn, nhân giống cây trà hoa vàng quý giá của rừng núi quê mình. Hiện nay, những người như anh Tuấn đang dần khôi phục lại cây trồng bản địa này dưới các tán rừng ở huyện Quế Phong.

Hay ở vùng Na Ngoi (Kỳ Sơn), Công ty CP Dược liệu Mường Lống đã trồng được trên 200.000 khóm lan thạch hộc tía, với phương thức gắn trên các cây rừng trên diện tích rừng 13,0ha; 5ha cây tam thất bắc; 1,3ha đẳng sâm; gần 1.000 cây chè hoa vàng được một năm tuổi dưới tán rừng thưa.

 Ngoài ra, công ty còn triển khai trồng một số cây dược liệu quý như: Sâm Fuxailaileng 1.000 cây, lan kim tuyến 5.000 cây, sâm bảy lá một hoa 500m2, đương quy nhật 500m2… dưới các tán rừng nơi đây.

Dây chuyền sản xuất gỗ ván thanh ở Nhà máy gỗ MDF Nghĩa Đàn
Dây chuyền sản xuất gỗ ván thanh ở Nhà máy gỗ MDF Nghĩa Đàn

Ông Nguyễn Trọng Cảnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP dược liệu Mường Lống cho biết: Tại Mường Lống đã có nhà máy chiết xuất chế biến để sản xuất ra các loại thảo dược hoàn toàn từ thiên nhiên. Trà linh chi, trà hoa cúc – lạc tiên, trà gừng, trà sâm và các loại dược liệu, tinh dầu khác đã dần được chế biến và đưa đến người tiêu dùng. Sản phẩm của công ty được chế biến theo tiêu chuẩn FDA của Mỹ là tiêu chuẩn cao nhất về an toàn sức khỏe.

Điều rất đặc biệt, các mô hình kinh tế theo chuỗi dưới tán rừng đều có sự tham gia bằng mồ hôi, công sức của người dân lao động địa phương. Ngay như ở Công ty Cổ phần Dược liệu Mường Lống, các lao động là người Mông đã đến cuốc đất, dọn cỏ, trồng cây dưới sự hướng dẫn của các kỹ sư của công ty, với mức thu nhập hàng tháng ổn định.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã có 3 dự án lớn được đầu tư phát triển theo hình thức liên doanh, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, với quy mô gần 2.000ha, trong đó, có nhiều loại cây dược liệu quý hiếm. 

Điều này, đang mở ra nhiều triển vọng trong việc nâng cao giá trị cây dược liệu, tạo sinh kế bền vững, định canh, định cư ổn định cho người dân dưới tán rừng và vùng đệm ở các huyện miền Tây của tỉnh.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.