Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nghệ An: Tăng cường phối hợp, nỗ lực gỡ vướng để thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Nguyễn Thanh - 20:01, 09/10/2023

Việc giải ngân cũng như tiến độ thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) ở Nghệ An đang thấp và chậm; cá biệt có địa phương tiến độ giải ngân vốn sự nghiệp chỉ đạt 0%. Trước những khó khăn, vướng mắc do cơ chế, chính sách, quy định…, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đã và đang tiếp tục vào cuộc quyết liệt, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành liên quan để tham mưu, đề xuất giải pháp tháo gỡ, sớm thực hiện chính sách đến với đối tượng thụ hưởng

Người dân bản Xiềng Trên, xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn xây dựng đường giao thôn nội bản từ nguồn vốn Chương trình MTQG
Người dân bản Xiềng Trên, xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn xây dựng đường giao thôn nội bản từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719

Tỷ lệ giải ngân còn thấp 

Trong năm 2022 và 2023, tổng số vốn thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã được giao theo kế hoạch là 2.269,9 tỷ đồng; trong đó vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương là hơn 1.124 tỷ đồng, vốn sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương là hơn 1.143 tỷ đồng, vốn sự nghiệp nguồn ngân sách địa phương là 1,789 tỷ đồng.

Nguồn ngân sách trung ương cũng đã cấp bổ sung vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025, là hơn 17 tỷ đồng để thực hiện nội dung 2, tiểu dự án 2 thuộc Dự án 3 và tiểu dự án 2 thuộc Dự án 10.

Hiện tại, UBND tỉnh đã giao cho các đơn vị thực hiện hơn 947 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, đạt 84,2% kế hoạch. Còn lại hơn 177 tỷ đồng chưa giao, do có 2 công trình có tổng mức đầu tư được phê duyệt giảm so với kế hoạch vốn, là dự án nâng cấp công trình thủy lợi Na Mương, bản Na Loi, xã Na Loi (Kỳ Sơn) và xây dựng công trình nước sinh hoạt bản Kẻo Nam, xã Bắc Lý (Kỳ Sơn); có 4 công trình mới được phê duyệt, đang chờ UBND tỉnh giao vốn là: dự án bố trí sắp xếp ổn định dân cư bản Nam Tiến 2, xã Bảo Nam (Kỳ Sơn); công trình điện cho các bản chưa có điện ở Kỳ Sơn; khu tái định cư Khe Hộc, bản Huồi Pủng (Tương Dương), xây dựng đường giao thông vào trung tâm xã Nhôn Mai và Mai Sơn.

 Ngoài ra, còn có một công trình chưa hoàn thành phê duyệt dự án là xây dựng cầu cứng qua sông Nậm Mộ nối xã Hữu Kiệm đến xã Hữu Lập (Kỳ Sơn).

Tân Kỳ là một trong những đơn vị có tỷ lệ giải ngân vốn sự nghiệp đạt thấp (Trong ảnh: bản Thái Minh, xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ)
Tân Kỳ là một trong những đơn vị có tỷ lệ giải ngân vốn sự nghiệp đạt thấp (Trong ảnh: bản Thái Minh, xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ)

Tính đến 10/8/2023, toàn tỉnh đã giải ngân hơn 264,8 tỷ đồng, đạt 23,54% tổng kế hoạch (Năm 2022 đã giải ngân hơn 189 tỷ đồng, đạt 38,4% kế hoạch và năm 2023 giải ngân hơn 75,4 tỷ đồng, đạt 14,94% kế hoạch). Một số địa phương có kết quả giải ngân tốt như Nghĩa Đàn 70,2%, Quỳ Hợp 34,21%; kết quả giải ngân thấp là Tương Dương 2,6% và Quế Phong 6,4%.

Đối với nguồn vốn sự nghiệp, UBND tỉnh đã giao cho các đơn vị thực hiện hơn 1.145 tỷ đồng và đến 10/8/2023 đã giải ngân hơn 38,6 tỷ đồng, đạt 3,37% tổng kế hoạch. Nhiều đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp như Tân Kỳ 0%, Quỳnh Lưu 0%.

Qua rà soát, nắm bắt từ cơ sở, việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 ở Nghệ An đang gặp một số khó khăn. Cụ thể, đối với nguồn vốn đầu tư phát triển, do chưa có định mức giao đất ở, định mức bình quân đất sản xuất để thực hiện Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt nên chưa thể thực hiện để giải ngân. 

Mặt khác, một số công trình có kế hoạch vốn lớn, dự án phê duyệt chậm dẫn đến giao vốn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân chung. Đến nay, còn hơn 177 tỷ đồng chưa giao, chiếm 15,8% kế hoạch.

Kỳ Sơn đang là một trong nhiều địa phương ở Nghệ An còn gặp những khó khăn trong thực hiện các Chương trình MTQG 1719
Kỳ Sơn đang là một trong nhiều địa phương ở Nghệ An còn gặp những khó khăn trong thực hiện Chương trình MTQG 1719

Đối với nguồn vốn sự nghiệp, chưa có quy định về nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị sản xuất cộng đồng để thực hiện tiểu dự án 2, Dự án 3. Bên cạnh đó, đối tượng thụ hưởng của một số dự án chưa phù hợp với tình hình thực tế. Ngay như tiểu dự án 1, thuộc Dự án 3 về phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân, thì quy định thấp hơn nhiều so với số liệu khảo sát xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi. Do vậy, không có đối tượng chi trả theo quy định (khảo sát toàn bộ vùng DTTS, kể cả diện tích vườn quốc gia, khu bảo tồn, rừng đặc dụng… nhưng đối tượng quy định theo Chương trình MTQG 1719, thì chỉ có người dân thuộc 76 xã đặc biệt khó khăn được thụ hưởng).

Ngoài ra, tiểu dự án 3 của Dự án 5 về phát triển giáo dục nghề nghiệp cho người lao động vùng DTTS&MN, đối tượng thụ hưởng cũng chưa phù hợp. Bởi theo báo cáo của các huyện, thì lực lượng trong độ tuổi lao động đa số đi làm cho các khu công nghiệp trong nước hoặc xuất khẩu lao động.

Từng bước gỡ khó

Trước tình hình còn nhiều khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến việc thực hiện cũng như giải ngân vốn thuộc Chương trình MTQG 1719, là cơ quan chủ trì, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đã phối hợp chặt chẽ, quyết liệt, trách nhiệm, cùng với các sở ngành liên quan để tìm hướng tháo gỡ.

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An và huyện Tương Dương trong chuyến công tác khảo sát để xây dựng dự án định canh định cư khe Hộc, bản Huồi Pủng, xã Hữu Khuông
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An và huyện Tương Dương trong chuyến công tác khảo sát để xây dựng dự án định canh định cư khe Hộc, bản Huồi Pủng, xã Hữu Khuông

Với những vướng mắc do chưa có quy định về định mức giao đất ở, định mức bình quân đất sản xuất để thực hiện, như Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; ngày 7/8/2023, Ban Dân tộc tỉnh đã có tờ trình số 610, gửi Chủ tịch UBND tỉnh về việc ban hành quyết định quy định định mức đất ở, định mức bình quân đất sản xuất.

Từ những căn cứ theo quy định của chính phủ, các bộ, ngành; Ban dân tộc tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh ban hành quy định về định mức đất ở với dân cư khu vực nông thôn không quá 400m2/hộ và đất bám các trục đường tỉnh lộ, quốc lộ không quá 250m2/hộ. 

Về định mức bình quân đất sản xuất, thì đất nông nghiệp là 0,3ha/hộ, đất rừng sản xuất 2,5ha/hộ; còn hộ thiếu đất sản xuất là hộ có tổng diện tích đất sản xuất nhỏ hơn 50% tổng diện tích của 1 hoặc 2 loại đất trên cộng lại. Đã có 3/3 sở ngành (Tư pháp, tài nguyên môi trường, Nông nghiệp và phát triển nông thôn), 12/12 huyện liên quan có văn bản góp ý; hoặc thống nhất với dự thảo quyết định quy định mức xác định hộ thiếu đất sản xuất.

Với những vướng mắc do chưa có quy định về nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất cộng đồng để thực hiện tiểu dự án 2, Dự án 3; ngày 14/8/2023, Ban Dân tộc tỉnh đã có tờ trình số 635 gửi UBND tỉnh đề nghị trình HĐND tỉnh bổ sung danh mục, ban hành Nghị quyết “Quy định nội dung, mức hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình MTQG 1719” với các nội dung cụ thể, rõ ràng.

Tỉnh Nghệ An đã thành lập các tổ công tác, thường xuyên đi kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương
Tỉnh Nghệ An đã thành lập các tổ công tác, thường xuyên đi kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương

Hai văn bản này, nếu được UBND tỉnh Nghệ An thông qua, là cơ sở pháp lý quan trọng tháo gỡ các vướng mắc nêu trên, để các địa phương bắt tay thực hiện chương trình MTQG 1719.

Để Chương trình MTQG 1719 triển khai có hiệu quả, Ban Dân tộc tỉnh cũng đề nghị, UBND tỉnh chỉ đạo, đôn đốc các sở ngành chủ trì các dự án như: Sở NN&PTNT (chủ trì tiểu dự án 1, Dự án 3), Sở LĐTB&XH (chủ trì tiểu dự án 3, Dự án 5), Sở Văn hóa thể thao, du lịch (chủ trì Dự án 6), Sở Y tế (chủ trì Dự án 7 và nội dung trồng cây dược liệu quý), Hội LHPN tỉnh (chủ trì Dự án 8), Sở Thông tin và Truyền thông (chủ trì nội dung ứng dụng công nghệ)… và các địa phương tiếp tục quan tâm đẩy mạnh việc giải ngân vốn.

 Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý cho biết: Tỉnh sẽ chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương khắc phục khó khăn, vướng mắc trong khâu tổ chức thực hiện thuộc thẩm quyền của tỉnh, với phương châm “nỗ lực lớn hơn, quyết tâm cao hơn, hành động quyết liệt hơn; sâu sát, hướng mạnh về cơ sở, để hướng dẫn, giúp đỡ cơ sở triển khai các Chương trình MTQG; phấn đấu đảm bảo và đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình  để người dân sớm được thụ hưởng chính sách và địa phương hoàn thành hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu...

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy-Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.