Phát triển đảng viên trẻ để xây dựng đội ngũ kế cận là một trong những nhiệm quan trọng trong công tác đảng. Đặc biệt, với các trường đại học, nơi tập trung đội ngũ trí thức tinh hoa với hàng chục nghìn sinh viên, giảng viên, công tác phát triển đảng viên trẻ càng có vai trò quan trọng khi đây là nguồn nhân sự kế cận chất lượng cao, có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng.
Phát triển đảng viên trẻ là sinh viên được Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng đặc biệt chú trọng trong bồi dưỡng, phát triển vì hội tụ nhiều yếu tố: Tri thức, năng động, nhiệt huyết, sáng tạo và cũng là lực lượng cần sự định hướng đúng đắn để phát triển.
Xác định những ý nghĩa, mục tiêu quan trọng đó, Đảng ủy các trường đại học, cao đẳng đã thường xuyên quan tâm, chăm lo, chú trọng công tác phát triển đảng viên trẻ là sinh viên. Để đứng trong hàng ngũ của Đảng, các sinh viên được xem xét phải hội đủ hai yếu tố là có kết quả học tập tốt, hoạt động xã hội tích cực đồng thời có tư tưởng chính trị vững vàng, tình nguyện đứng trong hàng ngũ của Đảng. Với việc đẩy mạnh các hoạt động phong trào đoàn thanh niên, hội sinh viên, các phong trào học tập, giao nhiệm vụ… các nhà trường đã tạo điều kiện để các sinh viên có cơ hội rèn luyện, phát triển bản thân, từ đó có nguồn nhân lực xuất sắc để giới thiệu, đứng trong hàng ngũ của Đảng. Những đảng viên sinh viên vì thế đều là những hạt ngọc được lựa chọn và rèn giũa cẩn trọng giữa “rừng” tri thức.
Tuy nhiên, do thời gian đào tạo đại học chỉ kéo dài từ 4 đến 6 năm tùy theo từng loại hình đã dẫn tới nhiều đảng viên sinh viên gặp khó khăn trong công tác chuyển đảng sau khi ra trường. Đa số các em chưa thể ổn định công việc ngay, có em làm việc ở nơi chưa có tổ chức Đảng trong khi lại làm việc xa nhà, không thể chuyển đảng về quê hoặc thường xuyên chuyển chỗ ở trọ nên phức tạp trong chuyển Đảng về nơi tạm trú. Vì thế, nhiều trường hợp đảng viên trẻ đã bị xóa tên sau khi ra trường. Đó là sự thiệt thòi cho chính các em và thiệt thòi cho Đảng khi để “rơi” những “hạt giống đỏ.”
Để hiểu hơn về công tác phát triển đảng viên trẻ là sinh viên trong các trường đại học, mời độc giả theo dõi chùm bài Phát triển đảng viên trẻ trong trường đại học: Để không rơi hạt giống đỏ.
Bài 1: Tìm và rèn ‘ngọc’ giữa rừng tri thức
Một giờ sáng, văn phòng Hội sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội vẫn sáng đèn. Phó chủ tịch Hội Đỗ Đức Thắng cặm cụi bên chồng hồ sơ giấy tờ nhưng tâm trí rối bời bởi hàng núi công việc, hàng loạt trách nhiệm phải hoàn thành khiến cậu cảm thấy ngợp. Dự án về đào tạo kỹ năng cho cán bộ chủ chốt của Hội triển khai quá chậm đã không thể thực hiện như kế hoạch vì lịch thi đã cận kề.
“Em cảm thấy mình quá tải, không thể sắp xếp được mọi thứ, phải thức xuyên đêm ở văn phòng Hội nhưng vẫn không đạt hiệu quả công việc trong khi sáng hôm sau vẫn phải đi học trên lớp bình thường. Nhưng chính những ngày tháng đó đã tôi luyện để giúp em trưởng thành hơn, biết giao việc thay vì ôm đồm, biết khi nào phải quyết liệt tăng tốc,” Thắng chia sẻ khi nhớ về giai đoạn đầu tiên được bầu vào vị trí Phó Chủ tịch Hội Sinh viên.
Thắng là một trong những đảng viên trẻ của Đại học Bách khoa Hà Nội, ngôi trường kỹ thuật có thương hiệu và chất lượng đào tạo hàng đầu Việt Nam, cả ở đầu vào và đầu ra.
Kim cương trong mỏ vàng
Ông Bùi Đức Hùng là Phó Bí thư thường trực – điều hành công tác của Đảng bộ, Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay việc giao các trọng trách cho đảng viên trẻ như Thắng là một trong những cách để rèn luyện, tạo điều kiện cho các đảng viên có cơ hội phát triển và hoàn thiện bản thân.
“Công tác phát triển đảng viên trẻ là sinh viên luôn được Đảng bộ nhà trường đặc biệt chú trọng vì đây là một nhiệm vụ then chốt để tạo nguồn nhân lực kế cận cho Đảng,” ông Hùng cho hay.
Cũng theo ông Hùng, Đại học Bách khoa Hà Nội có quy mô khoảng 30.000 sinh viên nhưng mỗi năm chỉ có khoảng 50 đến 70 sinh viên được kết nạp đảng, chiếm tỷ lệ khoảng 0,2% - một con số vô cùng thấp.
“Đảng bộ nhà trường cũng nhận thấy số sinh viên được kết nạp đảng là chưa tương xứng với tiềm lực khi nguồn sinh viên lớn nhưng cũng không thể hạ thấp tiêu chuẩn kết nạp,” ông Hùng chia sẻ.
Cụ thể, để được lựa chọn giới thiệu kết nạp đảng, sinh viên phải hội đủ hai yếu tố là có kết quả học tập tốt đồng thời tích cực tham gia các hoạt động xã hội như đoàn thanh niên, hội sinh viên, hoạt động thiện nguyện. Trong đó, điểm trung bình học tập phải đạt 2,5 điểm (trên thang 4 điểm) và không được nợ môn trong hai học kỳ liên tiếp.
“Điểm số 2,5 có thể không khó với khối xã hội nhưng ở khối kỹ thuật là rất khó, càng khó hơn khi ở Đại học Bách khoa Hà Nội. Nếu tập trung cho học tập thì lại giảm yếu tố hoạt động xã hội, hoạt động xã hội nhiều lại ảnh hưởng kết quả học tập. Trước khi kết nạp, Đảng bộ trường sẽ gặp gỡ từng em để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, em nào thực sự nhận thức được ý nghĩa của việc đứng trong hàng ngũ của đảng mới kết nạp. Vì thế, những sinh viên đỗ được vào Bách khoa Hà Nội đã là xuất sắc, những bạn được kết nạp vào đảng là cực kỳ xuất sắc, tinh hoa trong tinh hoa,” ông Hùng cho hay.
Tại Đại học Luật Hà Nội, số sinh viên được kết nạp đảng hàng năm khoảng 100 em trên tổng quy mô đào tạo hệ chính quy văn bằng một chưa đến 10.000 sinh viên. Thừa nhận việc đạt điểm số 2,5 ở một trường khối xã hội như Đại học Luật Hà Nội có thuận hơn so với trường khối kỹ thuật nhưng theo ông Chu Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy nhà trường, tiêu chí đặt ra với sinh viên để kết nạp đảng cũng cao hơn. Sinh viên không chỉ phải có thành tích học tập tốt, hoạt động xã hội tích cực mà còn phải tham gia nghiên cứu khoa học.
“Tiêu chí để kết nạp của Đảng bộ khối các trường đại học, cao đẳng đưa ra là sinh viên phải đạt kết quả học tập trung bình khá, nhưng ở Đại học Luật Hà Nội đặt ngưỡng cao hơn, các em phải đạt mức khá trở lên, có nghiên cứu khoa học mới được xem xét kết nạp. Mỗi năm, số hồ sơ xem xét kết nạp khoảng 300 đến 400 nhưng Đảng bộ trường chỉ chọn lọc khoảng 100 hồ sơ,” ông Hùng nói.
Ươm hạt giống đỏ
Đoàn thanh niên và Hội sinh viên là hai đơn vị quan trọng, hai “cánh tay đắc lực” ở các trường đại học trong việc giới thiệu các nhân tố điển hình cho Đảng. Đây cũng là môi trường để Đảng ủy trường ươm mầm, phát triển các đoàn viên, đảng viên trẻ thông qua việc giao các nhiệm vụ, trọng trách cho từng cá nhân để giúp các sinh viên từng bước trưởng thành.
Từng là một đoàn viên năng động ở bậc trung học phổ thông nhưng Đỗ Đức Thắng cho hay hoạt động đoàn ở bậc đại học là một thử thách lớn bởi phong trào ở hai nơi là hai tầm khác nhau. Ở phổ thông, các thầy cô là đầu mối các công việc nhưng ở bậc đại học, sinh viên vừa là người thực hiện, vừa là người tổ chức. Quy mô đoàn viên quá lớn, không tính bằng nghìn mà là hàng chục nghìn người.
Cũng theo Thắng, các anh chị đoàn viên đi trước luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với các đoàn viên mới nhưng trong môi trường lớn đó, bản thân đoàn viên phải tự mình xông pha vào các hoạt động thì các anh chị mới có cơ hội, điều kiện để truyền kinh nghiệm cho mình. “Điều đó giúp em hiểu rằng muốn phát triển phải chủ động thay vì ngồi yên đợi người khác đến khích lệ, động viên. Chủ động hoạt động, chủ động học hỏi, từ đó hình thành nên người đoàn viên sinh viên năng nổ với nhiều kỹ năng,” Thắng cho hay.
Từ một đoàn viên năng nổ, Thắng được giao nhiều trọng trách lớn hơn như Phó ban chuyên môn, Phó Chủ tịch Hội sinh viên trường. Mỗi nhiệm vụ là một thử thách giúp em trưởng thành hơn. Mới đảm nhận vị trí Phó Chủ tịch Hội sinh viên, cậu “sốc” với vai trò mới. Thắng bảo em bị ngợp ngay lập tức vì khối lượng công việc quá lớn, phải biết bao quát, ít nhất phải nắm được thông tin, chưa nói đến triển khai công việc. Từ đó dẫn tới khủng hoảng trách nhiệm vì Phó chủ tịch Hội thì phải chịu trách nhiệm trước nhiều người như Chủ tịch Hội, thậm chí cả Ban giám hiệu. Đó là những ngày cậu phải làm xuyên đêm ở văn phòng hội vì chưa quen vai trò lãnh đạo, chưa biết phân công công việc.
Nhưng nhờ những ngày khủng hoảng đó, Thắng dần hoàn thiện kỹ năng lãnh đạo, biết tổ chức công việc, phân bổ công việc và tìm người phù hợp với công việc đó để giao phó. “Giao việc phù hợp năng lực, kiểm tra giám sát, đôn đốc tiến độ thực hiện sẽ tránh sự quá tải cho người cán bộ chủ chốt. Quan trọng là kiểm tra tiến độ, giám sát chặt để tránh tình trạng khi mình không hài lòng với kết quả công việc thì không còn thời gian để chỉnh sửa nữa,” Thắng cho hay.
Cũng theo Thắng, một áp lực khác với những cán bộ đoàn, hội như em là phải cân bằng việc học. Từng trải qua khủng hoảng khi quá chú tâm đến hoạt động đoàn, hội mà lơ là việc học, Thắng có được bài học là phải biết phân bổ thời gian hợp lý và đặc biệt là tập trung lắng nghe thầy cô giảng bài để nắm vững kiến thức ngay trên lớp.
Với sự nỗ lực, trưởng thành trong cả hoạt động hội và học tập, Thắng đã được Đảng ủy Đại học Bách khoa kết nạp. Cậu sinh viên Bắc Ninh vẫn nhớ như in niềm vui vỡ òa khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Đi xe máy 90 cây số về quê để hoàn thành hồ sơ lý lịch mà lòng vẫn lâng lâng. “Đó là niềm vinh dự, tự hào rất lớn cho em và cả gia đình,” Thắng hạnh phúc nói.
Theo Bí thư Đảng ủy Đại học Bách khoa Hà Nội, ông Bùi Đức Hùng, để đứng trong hàng ngũ của Đảng với mỗi sinh viên là cả quá trình phấn đấu gian nan. “Trường cũng tạo điều kiện tối đa cho các em thể hiện mình bằng việc triển khai nhiều hoạt động đoàn, hội. Đảng ủy trường tổ chức các buổi đối thoại với sinh viên để tuyên truyền về công tác đảng, giải đáp các thắc mắc của các em để từ đó, sinh viên hiểu hơn và có ý thức phấn đấu vào Đảng, đứng trong hàng ngũ của Đảng. Những Đảng viên sinh viên theo đó cũng là những em thực sự xứng đáng,” ông Hùng nói./.
Được ươm mầm từ các trường đại học, các đảng viên trẻ sinh viên đã không ngừng phát triển, phấn đấu, cống hiến và trở thành cánh tay đắc lực cho Đảng.