Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Phát triển cây dứa ở Đam Rông

PV - 15:43, 27/07/2021

Tận dụng lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, thời gian sinh trưởng ngắn, nhu cầu của thị trường lớn... nhiều nông dân trên địa bàn xã Rô Men, huyện Đam Rông (Lâm Đồng) đã và đang lựa chọn, mở rộng diện tích với cây dứa để thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển sản xuất và tăng thu nhập.

Cây dứa có nhiều tiềm năng phát triển ở Đam Rông
Cây dứa có nhiều tiềm năng phát triển ở Đam Rông

Ông Nguyễn Minh Thắng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Rô Men cho biết, dứa là cây dễ trồng, thích nghi với điều kiện về đất đai, khí hậu ở các khu vực miền núi, đất dốc. Đây cũng là cây gần như không có sâu bệnh hại, ít phải sử dụng phân bón cũng như thuốc bảo vệ thực vật.

Theo ông Thắng, cây dứa cho thu hoạch khoảng 6 tháng, nhưng rộ từ tháng 4 - 7 hằng năm. Thành viên Tổ hợp tác (THT) dứa Rô Men đa phần là người Ninh Bình, Thanh Hóa, đã có kinh nghiệm trồng quê nên quá trình sản xuất gặp nhiều thuận lợi. Bình quân hiện nay mỗi ha dứa trồng khoảng 20.000 cây, với trọng lượng 1,5 - 2kg/quả, năng suất sẽ đạt khoảng 30 - 40 tấn/ha. Như năm nay, giá dứa dao động ở mức 6.000 - 10.000 đồng/kg thì lợi nhuận trên 1 diện tích dứa cao hơn nhiều loại cây trồng khác ở địa phương.

"Hội Nông dân đang tuyên truyền, vận động bà con mở rộng diện tích, trước mắt là ở xã Rô Men, Liêng Srônh, sau đó là 3 xã Đầm Ròn để tận dụng diện tích đất đồi, đất dốc. Trồng dứa không đòi hỏi nhiều kỹ thuật nên phù hợp với trình độ canh tác của người dân địa phương, đặc biệt là bà con dân tộc thiểu số”.





Ông Nguyễn Thiện ChíChủ tịch Hội Nông dân huyện Đam Rông, Lâm Đồng

Là tổ viên có diện tích lớn nhất, ông Nguyễn Văn Thanh (Thôn 4, xã Rô Men) cho biết, sau nhiều năm tìm kiếm loại cây trồng hiệu quả kinh tế cao để thay thế cho cây cà phê truyền thống, ông đã mạnh dạn thử nghiệm với cây dứa. Thời điểm bắt đầu cách đây gần 10 năm, từ những gốc dứa bị người dân địa phương phá bỏ, ông mang về trồng quanh nhà với mục đích làm hàng rào, lấy quả ăn. Nhưng sau khi nhận thấy cây dứa phát triển tốt mà không cần chăm sóc nhiều, ông mạnh dạn trồng thử vào diện tích đất cà phê mới phá bỏ.

Theo ông Thanh, dứa dễ trồng, chỉ hơn 1 năm đã cho thu hoạch, trái mọng, bán được giá. Trồng dứa chi phí thấp, ít bón phân, không tốn nhiều nước, chủ yếu là tập trung công sức để trồng, làm cỏ, thu hoạch. Bên cạnh đó, có thể chủ động nhân giống từ các mầm của thân cây chính, tiết kiệm chi phí. Hơn 15 năm lập nghiệp ở mảnh đất Rô Men, ông Nguyễn Văn Thanh tự tin giới thiệu cây dứa với những người xung quanh. Hiện nay, đa phần các cơ sở tìm đến tận vườn nhà ông để thu mua, giá cả tuy có lên xuống theo từng năm, nhưng ông cũng hoàn toàn không lo ngại về đầu mối tiêu thụ bởi không chỉ trong tỉnh, trái dứa còn bán đi tại các thành phố, các tỉnh miền Tây.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Rô Men, diện tích cây dứa tăng nhanh từ năm 2018. Sau khi nhận thấy hiệu quả và tiềm năng từ cây dứa, Hội Nông dân cũng vận động bà con chuyển đổi từ diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng dứa. Từ tháng 5/2021, trên địa bàn đã thành lập THT dứa Rô Men gồm 15 thành viên với diện tích 22 ha, trong đó có 15,6 ha đã cho thu hoạch ổn định.

Là người trực tiếp đi khảo sát, chào hàng ở một số nơi, ông Nguyễn Minh Thắng tự tin khẳng định chất lượng trái dứa của địa phương mình: “Khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp nên trái to, chất lượng được đánh giá tốt hơn một số khu vực ở Đăk Lăk, Gia Lai. Chính một số người bán cũng nhận định như vậy. Chúng tôi cùng Hội Nông dân huyện cũng khảo sát thị trường của Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Ninh Bình) chi nhánh Gia Lai, thị trường rất rộng với nhu cầu rất lớn phục vụ chế biến.

Đã có khoảng 15 ha dứa được người dân đưa vào trồng tại các xã Rô Men, Đạ Rsal và Phi Liêng
Đã có khoảng 15 ha dứa được người dân đưa vào trồng tại các xã Rô Men, Đạ Rsal và Phi Liêng

Vấn đề quan trọng hiện nay đặt ra cần xây dựng được thương hiệu, cũng như chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Có như vậy, người nông dân mới yên tâm gắn bó và phát triển cây trồng này. Bởi hiện nay, sản phẩm đa phần được người nông dân tự tiêu thụ bằng cách bán tự do hay liên kết với một số vựa thu mua trên địa bàn cũng như tại Đà Lạt, Đức Trọng. Một số nông dân ở địa phương hiện nay cũng đã chủ động để dứa ra trái vụ, phục vụ nhu cầu Tết của người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Thiện Chí - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đam Rông cho biết, đã gửi mẫu dứa tại xã Rô Men đến Sở Công thương để đánh giá chất lượng, hoàn thiện hồ sơ xây dựng sản phẩm OCOP của địa phương trong năm nay. Đặc biệt vừa qua, Hội Nông dân cũng đã làm việc với đơn vị khảo sát để làm chứng nhận VietGAP cho sản phẩm.

“Hiện nay dứa được trồng rải rác ở nhiều nơi nhưng tập trung ở Rô Men. Nếu so sánh giá trị thu lại với chi phí chăm sóc, đầu tư thì cây dứa mang lại hiệu quả khá cao. Hội Nông dân đang tuyên truyền, vận động bà con mở rộng diện tích, trước mắt là ở xã Rô Men, Liêng Srônh, sau đó là 3 xã Đầm Ròn để tận dụng diện tích đất đồi, đất dốc. Trồng dứa không đòi hỏi nhiều kỹ thuật nên phù hợp với trình độ canh tác của người dân địa phương, đặc biệt là bà con dân tộc thiểu số”, ông Chí cho biết thêm./.

Tin cùng chuyên mục
Quyết sách giúp vùng đồng bào DTTS và miền núi Quảng Nam phát triển bền vững

Quyết sách giúp vùng đồng bào DTTS và miền núi Quảng Nam phát triển bền vững

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719) được xem là một quyết sách đặc biệt giúp Quảng Nam thực hiện mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện, đến nay, Chương trình đã bước đầu phát huy hiệu quả, làm đổi thay bộ mặt của vùng DTTS và miền núi của tỉnh.