Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Phát huy vai trò của đội ngũ an toàn, vệ sinh viên trong phòng ngừa tai nạn lao động

Vân Khánh - 15:07, 03/06/2022

Trong sản xuất, dù làm công việc đơn giản hay phức tạp thì người lao động khó có thể lường trước những tai nạn bất ngờ có thể xảy ra. Vì vậy, cùng với việc đóng đầy đủ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ - BNN) cho người lao động, thì các doanh nghiệp cần phát huy vai trò của đội ngũ an toàn vệ sinh viên, từ đó phòng ngừa TNLĐ.

Các cấp ngành, địa phương thường xuyên quan tâm hỗ trợ động viên NLĐ khi xảy ra sự cố lao động. (Trong ảnh: Ngày 18/5/2022, Phòng LĐTB&XH Quận 10, TP. Hồ Chí Minh thăm hỏi và tặng quà ông Lý Triệu Hồng, dân tộc Hoa, bị TNLĐ về mắt-Ảnh TL)
Các cấp ngành, địa phương thường xuyên quan tâm hỗ trợ động viên NLĐ khi xảy ra sự cố lao động. (Trong ảnh: Ngày 18/5/2022, Phòng LĐTB&XH Quận 10, TP. Hồ Chí Minh thăm hỏi và tặng quà ông Lý Triệu Hồng, dân tộc Hoa, bị TNLĐ về mắt-Ảnh TL)

Chia sẻ rủi ro cùng người lao động

Vào tháng 5/2021, ông C., nhân viên của một công ty kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật ở thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk R’lấp (tỉnh Đăk Nông) không may bị té ngã trong lúc đi thăm vườn cà phê, ông phải nhập viện điều trị và trải qua nhiều đợt phẫu thuật chấn thương chỉnh hình.

Là nhân viên công ty nên sau khi bị tai nạn lao động, ông C. được công ty chi trả toàn bộ chi phí khám chữa bệnh, được trả tiền lương trong 7 tháng nằm viện điều trị. Sau 7 tháng điều trị, ông C trở về nhà, nhưng phải chịu nhiều di chứng để lại. Kết quả giám định thương tật, ông C. bị suy giảm hơn 50% khả năng lao động.

Ông C. tham gia bảo hiểm xã hội đã hơn 24 năm nay. Khi đang là nhân viên của công ty kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, công ty đã nộp bảo hiểm xã hội đầy đủ cho ông. Do đó, với tỷ lệ thương tật hơn 50%, mỗi tháng ông C. được hỗ trợ thêm hơn 1,3 triệu đồng từ Quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN.

Ông C. là một trong rất nhiều trường hợp lao động bị TNLĐ đã được chia sẻ bớt rủi ro từ việc doanh nghiệp chấp hành nghiêm các quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2015. Điều 38 - Luật ATVSLĐ năm 2015 nêu rõ, đối với người lao động (NLĐ) bị TNLĐ, người sử dụng lao động có trách nhiệm thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định: Phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả đối với người lao động tham gia BHYT; Phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5%; Toàn bộ chi phí y tế với người lao động không tham gia BHYT.

Đồng thời, người sử dụng lao động có trách nhiệm trả đủ tiền lương cho NLĐ phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động. Bồi thường cho người bị TNLĐ mà không hoàn toàn do lỗi của họ gây ra (ít nhất 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 5 - 10%; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11 - 80%; Ít nhất 30 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân NLĐ bị chết do TNLĐ); Trợ cấp cho người bị TNLĐ mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức nêu trên với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng; Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc.

Cần tăng cường tuyên truyền để phòng ngừa TNLĐ. (Ảnh minh họa)
Cần tăng cường tuyên truyền để phòng ngừa TNLĐ. (Ảnh minh họa)

Tăng cường kết nối phòng ngừa TNLĐ

Thực tế, không một ai mong muốn xảy ra TNLĐ, nhưng trong sản xuất, dù làm công việc đơn giản hay phức tạp, thì NLĐ khó có thể lường trước những tai nạn bất ngờ có thể xảy ra. Đặc biệt khi mà kiến thức, kỹ năng bảo ATLĐ của NLĐ vẫn còn nhiều hạn chế thỉ sự cố TNLĐ luôn tiềm ẩn.

Thực hiện Luật ATVSLĐ, các cấp, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, đã chú trọng triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro về ATLĐ. Nhờ đó, những năm gần đây, tần suất TNLĐ ở nước ta giảm trung bình gần 5% mỗi năm. Tuy nhiên, số vụ tai nạn lao động vẫn cao.

Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho thấy, riêng năm 2021, cả nước đã xảy ra 6.504 vụ TNLĐ, làm 6.658 người bị nạn, 786 người chết; tổng chi phí cho TNLĐ và thiệt hại tài sản gần 4.000 tỉ đồng và hơn 116.000 ngày công.

Đa số nạn nhân làm việc thời vụ hoặc làm công việc tự do, không có hợp đồng lao động. Có nhiều nguyên nhân được chỉ ra, trong đó lỗi chủ yếu thuộc về người sử dụng lao động, tiếp đến là lỗi của NLĐ, số còn lại do các nguyên nhân khách quan khác. 

Điều này cho thấy, việc cần làm bên cạnh tăng cường kiểm tra, giám sát sự tuân thủ quy định bảo đảm ATLĐ thì cũng cần kết nối phòng ngừa TNLĐ, trong đó cần chú trọng phát huy vai trò của đội ngũ an toàn, vệ sinh viên (ATVSV).

Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cả nước hiện nay có khoảng 190.000 ATVSV, chủ yếu tập trung ở những doanh nghiệp lớn, có nguy cơ cao về TNLĐ. Những doanh nghiệp này làm rất tốt công tác bảo hộ lao động, thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ nhận thức của NLĐ về những vấn đề liên quan đến sức khỏe, sự an toàn khi làm việc.

Tuy nhiên, như chia sẻ của bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện lực lượng ATVSV còn rất khiêm tốn. Số lượng doanh nghiệp chủ động xây dựng mạng lưới ATVSV chỉ chiếm khoảng 15-20%, còn lại đến 80% các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, doanh nghiệp làm dịch vụ hoặc là có ít LĐ, vẫn chưa quan tâm đến việc này.

Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, để đẩy lùi TNLĐ, đảm bảo ATVSLĐ, cần thiết phải phát triển cả về số lượng và chất lượng mạng lưới ATVSV ở trong doanh nghiệp. Do đó, cần tăng cường công tác giám sát, kiểm tra và yêu cầu các doanh nghiệp chưa có ATVSV phải thành lập đội ngũ này ngay để điều kiện làm việc tại nơi đó được tốt hơn; đồng thời phải có cơ chế xử phạt các doanh nghiệp nếu không xây dựng mạng lưới ATVSV.

Năm 2021, ngành BHXH Việt Nam đã giải quyết hưởng mới trợ cấp TNLĐ, BNN hằng tháng đối với 2.378 người; giải quyết hưởng trợ cấp TNLĐ, BNN một lần đối với 4.737 người. Trung bình mỗi tháng giải quyết đối với gần 200 người hưởng trợ cấp TNLĐ, BNN hằng tháng và giải quyết đối với gần 400 người hưởng trợ cấp TNLĐ, BNN một lần. Tổng số tiền giải quyết hưởng mới trợ cấp TNLĐ, BNN một lần năm 2021 là 180 tỷ đồng; tổng số tiền giải quyết hưởng trợ cấp TNLĐ, BNN hằng tháng tính đến hết năm 2021 là 697 tỷ đồng; tổng số tiền hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro, chi hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp là 1,1 tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2020.

Tin cùng chuyên mục
Cà Mau: Chú trọng thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Cà Mau: Chú trọng thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) đã và đang phát huy hiệu quả trên nhiều lĩnh vực về đời sống kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS tỉnh Cà Mau. Minh chứng như việc triển khai hiệu quả Dự án 1 của Chương trình, đã góp phần giải quyết cơ bản việc thiếu đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt trong vùng đồng bào DTTS ở địa bàn khó khăn.