Chú trọng an toàn lao động
Bắt đầu từ tháng 1/2019, Phân xưởng hầm lò của Chi nhánh mỏ tuyển đồng Sin Quyền Lào Cai được thành lập. Lĩnh vực khai thác hầm lò đối với nhiều địa phương thì không còn mới, nhưng đối với tỉnh vùng cao Lào Cai nói chung và Chi nhánh mỏ tuyển đồng Sin Quyền là một ngành nghề mới mẻ, lần đầu tiên được đưa vào vận hành.
Theo anh Lý Minh Viễn, Tổ phó Tổ bốc xúc, anh và nhiều anh em công nhân, là lớp cán bộ mới được công ty cử đi đào tạo đầu tiên về kỹ thuật khai thác hầm lò. Vì vậy, anh em cũng nhận thức sâu sắc, đối với môi trường lao động đặc thù luôn phải đặt an toàn lên hàng đầu. "Trong quá trình lao động, cán bộ trực ca, lãnh đạo phân xưởng cũng thường xuyên nhắc nhở, quán triệt và kiểm tra việc chấp hành các biện pháp ATLĐ từ đầu ca đến cuối ca”, anh Viễn cho biết.
Phân xưởng khai thác hầm lò, là một trong 6 phân xưởng của Chi nhánh mỏ tuyển đồng Sin Quyền Lào Cai. Hiện phân xưởng có 160 lao động, với điều kiện lao động trong lòng đất, độc hại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATLĐ.
Để phòng, chống TNLĐ xảy ra, công ty đã xây dựng và triển khai các phương án an toàn. Cụ thể, biên soạn giáo trình thực hiện huấn luyện an toàn cho người lao động theo điều kiện thực tế của phân xưởng. Chú trọng công tác huấn luyện ATLĐ trước khi tiếp nhận công việc. Đây là nội dung quan trọng nhằm nâng cao ý thức của người lao động trong vấn đề tự chủ an toàn ngay từ những ngày đầu làm việc trong hầm lò. Cung cấp đầy đủ bảo hộ lao động cho cán bộ, công nhân làm việc tại phân xưởng, thường xuyên kiểm tra việc chấp hành các quy định về ATLĐ, đặc biệt là đối với lao động hầm lò.
Theo ông Vũ Đình Hưng, Phó Giám đốc Công ty mỏ tuyển đồng Sin Quyền, để làm chủ công nghệ, Công ty đã phối hợp với các trường như trường Đại học Mỏ địa chất, Đại học Thái Nguyên,... đào tạo, huấn luyện cán bộ, công nhân viên. Cùng với đó, đơn vị đã cử cán bộ kỹ thuật, công nhân vận hành thiết bị, công nhân khai thác đi học tập trong thời gian 3 tháng tại một số đợn vị khai thác than như mỏ than Mạo Khê, Quảng Ninh…
"Nhờ đó, đến thời điểm này, chúng tôi đã có đội ngũ công nhân lành nghề, có thể độc lập vận hành, khai thác các thiết bị hầm lò”, ông Hưng cho biết.
Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai, toàn tỉnh hiện có trên 2 nghìn doanh nghiệp hoạt động, sử dụng gần 70 nghìn lao động. Trong đó có 24 doanh nghiệp nhà nước, 20 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, còn lại là doanh nghiệp dân doanh.
Tăng cường giám sát
Không riêng Công ty mỏ tuyển đồng Sin Quyền, theo ghi nhận, hiện nay 100% doanh nghiệp nhà nước và nhiều doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh Lào Cai, đã thành lập Hội đồng ATVSLĐ, bố trí cán bộ làm công tác ATVSLĐ; xây dựng nội quy, quy trình, biện pháp làm việc an toàn, phòng chống cháy nổ;...
Đồng thời, các doanh nghiệp đã tổ chức huấn luyện ATVSLĐ và khám sức khoẻ định kỳ và khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động; nhiều doanh nghiệp đã trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân, thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động, quan tâm đầu tư cải thiện điều kiện lao động, sử dụng thiết bị, công nghệ mới vào sản xuất góp phần nâng cao năng suất lao động và bảo đảm an toàn cho người lao động.
Được biết, để tăng cường công tác đảm bảo ATLĐ trên địa bàn tỉnh, năm 2020, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai cũng đã phối hợp với các cơ quan, ban ngành, địa phương tổ chức hàng chục cuộc thanh tra tại 88 đơn vị, doanh nghiệp. Việc thanh, kiểm tra tập trung tại các đơn vị có nhiều yếu tố lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm như các nhà máy hóa chất, luyện kim và đặc biệt là khai thác mỏ, khai thác hầm lò.
Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện một số đơn vị, doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật ATVSLĐ; chế độ, quyền lợi của người lao động chưa được bảo đảm; chưa quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động và phòng chống cháy nổ... qua đó, đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với 76 đơn vị, với tổng số tiền là 273 triệu đồng.