Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Phát huy vai trò cô đỡ thôn bản

Minh Thu - 15:18, 24/06/2024

Trong những năm qua, dù chế độ trợ cấp ít ỏi, thậm chí không có, nhưng đội ngũ cô đỡ thôn bản vẫn tận tụy với công việc chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em vùng DTTS và miền núi. Họ được xem là “cánh tay nối dài” của ngành Y tế, với những cống hiến lặng thầm.

Cô đỡ thôn bản góp phần quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em vùng đồng bào DTTS
Cô đỡ thôn bản góp phần quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em vùng đồng bào DTTS

Hơn 8 năm gắn bó với công việc làm cô đỡ thôn bản (CĐTB), chị Lâu Thị Cho, dân tộc Mông ở bản Ón, xã Tam Chung, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa đã không quản ngại vất vả, băng rừng, lội suối đến từng nhà có phụ nữ mang thai để hỏi han, dặn dò và tuyên truyền kiến thức cho các bà mẹ.

Chị Cho có một cuốn sổ nhỏ ghi lại từng chi tiết, dấu hiệu của các bà mẹ mang thai và các em bé. Khi thấy có biểu hiện bất thường, chị tư vấn cho các mẹ cách chăm sóc sức khỏe phù hợp với từng đối tượng, nếu biểu hiện nặng thì sẽ khuyên các gia đình nên đưa mẹ và bé đi bệnh viện để được khám chữa kịp thời.

Mẹ nào gần đến ngày sinh đẻ, chị Cho đến tận nhà để vận động bà mẹ đến trạm xá để được đảm bảo sinh nở an toàn. Trường hợp không kịp đến trạm y tế, chị cũng đến nhà giúp các bà mẹ đỡ đẻ.

Ở huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum, 8 năm nay, CĐTB Y Ngọc, dân tộc Xơ Đăng, ở thôn Kạch lớn II, xã Đăk Sao vẫn ngày đêm lặn lội, cặm cụi để chăm sóc sức khỏe cho người dân nơi đây.

Bình quân mỗi năm, Y Ngọc đỡ đẻ tại nhà an toàn cho khoảng 10 bà mẹ. Đồng thời, cô vẫn tham gia đỡ cho 2 - 4 bà mẹ đẻ tại trạm. Trong quá trình theo dõi chuyển dạ, Y Ngọc cũng phát hiện các bất thường, xử trí và chuyển tuyến kịp thời nên không có trường hợp tai biến nào xảy ra cho bà mẹ và trẻ sơ sinh.

Lâu Thị Cho và Y Ngọc là 2 trong khoảng 1.549 CĐTB đã và đang lặng thầm cống hiến tại các thôn bản vùng cao. Nhờ có kiến thức cơ bản, các CĐTB đã đóng góp rất lớn trong việc tư vấn chăm sóc sức khỏe cho các bà mẹ vùng đồng bào DTTS, tránh được những rủi ro, góp phần giảm tỷ lệ tử vong ở mẹ và trẻ sơ sinh.

Vai trò của CĐTB đã được ngành Y tế cũng như cộng đồng địa phương ghi nhận. Đội ngũ CĐTB chính là “cánh tay nối dài” không thể thiếu của trạm y tế xã ở các vùng khó khăn, đặc biệt là trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em.

Mặc dù, mạng lưới CĐTB đã giúp nhiều thai phụ có cơ hội tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế, giảm đáng kể tỷ lệ tử vong ở mẹ và trẻ em, nhưng việc phát triển mạng lưới CĐTB vẫn gặp phải không ít khó khăn. Theo báo cáo của các địa phương, cả nước hiện có 5.111 thôn bản có khó khăn về chăm sóc sức khỏe sinh sản, cần bố trí 1 CĐTB. Trong khi đó, hiện cả nước chỉ còn 1.549 CĐTB đang hoạt động.

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan về điều kiện địa lý, mức độ phát triển kinh tế - xã hội, các phong tục tập quán của đồng bào DTTS, còn có nguyên nhân chủ quan khác là các địa phương chưa phát huy hết vai trò, vị trí của CĐTB trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và bé.

Đáng chú ý, hiện tại, số CĐTB được hưởng phụ cấp đã giảm xuống còn 911 người, trong đó có 732 kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ của nhân viên y tế thôn bản. Một số địa phương đã cho dừng hoạt động đội ngũ CĐTB vì thiếu kinh phí.

Phát biểu tại Hội nghị "Cùng chung tay thực hiện chính sách hỗ trợ CĐTB vì sức khỏe bà mẹ, trẻ em vùng DTTS và miền núi", Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông đề nghị: “Cấp ủy Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị cơ sở các cấp vùng DTTS và miền núi xác định rõ vai trò, vị trí của CĐTB; quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là thực hiện đúng, đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với CĐTB. Ngoài ra, cần tích cực tuyên truyền, vận động các chức sắc, già làng, trưởng bản, các doanh nghiệp, cộng đồng, cá nhân, tổ chức quốc tế... nhằm huy động nguồn lực, điều kiện vật chất và tinh thần để động viên, phát huy vai trò của đội ngũ CĐTB”.