Già làng Cơlâu B’lao (75 tuổi) thôn Voòng, xã Tr’Hy, huyện Tây Giang, Quảng Nam cho biết: Từ xa xưa, Rơ ving cũng có những quy định mang tính truyền thống về ngày công lao động, số lượng người tham gia lao động và thời gian trên cơ sở bàn bạc, thống nhất rõ ràng. Những ngày công lao động sẽ được đổi bằng những ngày công lao động tương ứng. Người Cơ-tu đổi ngày công lao động của mỗi người cho nhau để tồn tại và phát triển, đó cũng là phương pháp hữu hiệu nhất để hoàn thành một công việc, tiết kiệm thời gian và công sức của mỗi người.
Rơ ving không chỉ diễn ra trong lao động sản xuất, mà còn được người Cơ-tu vận dụng trong các hoạt động sinh hoạt hằng ngày vào việc làm nhà mới, sửa Gươl làng, cưới hỏi, đến nhà chủ hộ trong làng có người già đau ốm, tang ma,... Nhờ đó, cộng đồng người Cơ -tu luôn có tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn. Nhờ vậy, các công việc chung của làng dù nặng nhọc đến mấy cũng được triển khai chặt chẽ, đồng bộ và hiệu quả.
Già làng Cơlâu B’lao chia sẻ, hiện nay, trước tác động của cơ chế thị trường, sự giao lưu văn hóa mạnh mẽ giữa các vùng miền đã làm thay đổi một số tập tục đẹp, trong đó có tục Rơ ving. Tại một số thôn, cụm dân cư, các xã có người Cơ-tu sinh sống, bà con tham gia ngày công lao động thường phải trả bằng tiền. Một số gia đình khá giả, có điều kiện thì dùng tiền để thuê nhân công lao động làm cho nhà mình thay vì hình thức Rơ ving như trước kia. Bây giờ, người dân chỉ tham gia Rơ ving khi có việc chung của làng, còn ở quy mô gia đình thì khó thực hiện hơn.
Để giữ gìn và bảo tồn tập tục Rơ ving, các cán bộ làm công tác văn hóa cần phối hợp với già làng tuyên truyền về ý nghĩa nhân văn, tốt đẹp của tập tục này, từ đó củng cố tinh thần đoàn kết trong cộng đồng, phát huy sức mạnh tập thể để xây dựng thôn làng ấm no, phát triển.