Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Phục hồi nghề dệt thổ cẩm cho người Cơ-tu

PV - 09:56, 05/08/2019

Làng Công Dồn, xã Duôih, huyện Nam Giang (Quảng Nam) là nơi lưu giữ di sản nghề dệt quý giá của vùng cao xứ Quảng. Tuy nhiên, những năm gần đây, nghề dệt của đồng bào gặp nhiều khó khăn do nguyên liệu dệt vải và cây thuốc nhuộm khan hiếm, thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa được mở rộng... Trước thực trạng đó, nhờ sáng kiến bảo tồn, phát huy làng nghề truyền thống của Vinpearl Nam Hội An, di sản quý giá của đồng bào được phục hồi, phục vụ khách thăm quan, du lịch.

 Phụ nữ Cơ-tu làng Công Dồn dệt vải thổ cẩm. Phụ nữ Cơ-tu làng Công Dồn dệt vải thổ cẩm.

Trong những năm gần đây, làng dệt Công Dồn (xã Duôih, huyện Nam Giang) chỉ còn một vài hộ duy trì nghề trồng bông, dệt vải theo lối cổ truyền. Giống bông bản địa, còn gọi là “bông cỏ” cũng bị mất giống vì không còn ai gieo trồng và giữ giống. Một vài nghệ nhân biết dệt vải thổ cẩm nhưng không có nguyên liệu bông vải để hành nghề. Cây thuốc nhuộm vải trong rừng dần dần cũng đi vào quên lãng.

Điều nghịch lý là nghề dệt của làng Công Dồn đã được vinh danh là “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” năm 2014, nhưng từ ngày được ghi nhận đến nay, bà con dân tộc Cơ-tu vẫn chưa nhận được sự quan tâm hỗ trợ, đầu tư của chính quyền và ngành chức năng để tiếp tục giữ gìn, phát huy di sản quý báu của dân tộc. Người thợ dệt Công Dồn luôn canh cánh nỗi lo di sản của dân tộc mình bị đánh mất.

Thợ dệt làng Công Dồn đang chế biến bông vải. Thợ dệt làng Công Dồn đang chế biến bông vải.

Nhưng một luồng gió mới đã được thổi đến làng Công Dồn khi một số thợ dệt của làng được mời đến khu du lịch sinh thái Vinpearl Nam Hội An để tham gia thực hành và trình diễn nghề dệt cho khách thăm quan. Tại đây, 4 thợ dệt người Cơ-tu là Pơ ling Muối, Zarâm Bằng, Tơngôl Ên và Thị Hiền đã hỗ trợ nhau về tay nghề, kinh nghiệm và cả bí quyết để gìn giữ di sản của chính dân tộc mình. Người dệt vải, người kéo sợi, người chế biến thuốc nhuộm, cùng với các nghệ nhân thuộc các ngành nghề khác, tạo nên làng nghề sôi động tại “Đảo văn hóa dân gian” Vinpearl Nam Hội An. Họ làm ra những sản phẩm đầu tiên mang hơi thở, sắc màu truyền thống.

Nhờ có nguồn bông vải tại chỗ, thuốc nhuộm màu, khung dệt truyền thống và những công cụ hỗ trợ như xa quay sợi, bật bông, tách hạt... nên các thợ dệt Cơ-tu đã thực hành một cách khéo léo, tự nhiên nghề dệt truyền thống của mình chứ không phải mang tính chất biểu diễn. Một số bí quyết nghề dệt, canh cửi cũng đã được phát huy tại đây, tiêu biểu là kỹ thuật nhuộm bao sợi (ikat). Điều đáng mừng là nhóm thợ dệt của làng đã phục hồi lại những sản phẩm thổ cẩm với họa tiết hoa văn gợn sóng đặc trưng, làm nên “thương hiệu” của làng dệt Công Dồn.

Người Cơ-tu trồng và thu hoạch bông vải. Người Cơ-tu trồng và thu hoạch bông vải.

Với lợi thế về vốn, đất đai và kỹ thuật, Vinpearl Nam Hội An đã hình thành một vùng cây nguyên liệu để có thể duy trì lâu dài nghề dệt vải truyền thống. Cây bông vải được phát triển với diện tích ban đầu là gần 2ha. Tuy trồng trên đất cát nhưng cây bông ở đây đã phát triển tốt. Mùa vụ đầu tiên của năm nay, vườn bông sai trái, quả bông được thu hái và bảo quản để làm nguyên liệu cho làng nghề. Hiện nay, đã có 10 hộ dân ở làng Công Dồn trồng lại vườn bông trên nương rẫy của mình để lấy nguyên liệu phục hồi nghề dệt, vừa thu hạt để nhân giống cho những mùa sau.

Ngoài cây bông vải, tại khu vườn trồng cây nguyên liệu thuộc quần thể công trình Vinpearl Nam Hội An còn trồng nhiều giống cây nguyên liệu khác, đặc biệt là các loại cây có thể khai thác để chiết xuất thành thuốc nhuộm vải như cây ta râm, cây a ngoăn mrớt, cây củ nâu... Đồng bào Cơ-tu ở làng Công Dồn khai thác cây ta râm và cây củ nâu cung cấp cho Vinpearl Nam Hội An để các thợ dệt làm nguyên liệu chế biến thuốc nhuộm vải.

Thợ dệt Thị Hiền đang dệt vải tại Vinpearl Hội An. Thợ dệt Thị Hiền đang dệt vải tại Vinpearl Hội An.

Những hoạt động bảo tồn, phát huy làng nghề nói chung, nghề dệt thổ cẩm nói riêng tại khu du lịch sinh thái Vinpearl Nam Hội An sẽ mở ra cơ hội cho việc phục hồi nghề dệt, tạo công ăn việc làm ổn định cho đồng bào DTTS và góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa xứ Quảng.

TẤN VỊNH

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.