Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Đồng bào DTTS, MN với CTMTQG

Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong thực hiện chính sách dân tộc: Nâng cao hiệu quả đầu tư (Bài cuối)

Thúy Hồng - 17:44, 22/12/2022

Với vai trò giám sát, phát huy quyền làm chủ của các tầng lớp Nhân dân ở tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, đã góp phần thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc, từng bước cải thiện đời sống người dân, thay đổi tích cực diện mạo nông thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi và sự phát triển đất nước.

Nhờ phát huy quyền làm chủ của Nhân dân đã góp phần thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc, từng bước cải thiện, thay đổi tích cực diện mạo nông thôn vùng DTTS và miền núi và sự phát triển đất nước
Nhờ phát huy quyền làm chủ của Nhân dân đã góp phần thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc, từng bước cải thiện, thay đổi tích cực diện mạo nông thôn vùng DTTS và miền núi và sự phát triển đất nước

 Nhân dân thụ hưởng thành quả 

Tại nhiều vùng đồng bào DTTS, khái niệm “quy chế dân chủ ở cơ sở”, có lẽ không quen thuộc lắm với nhiều người, nhưng việc được cùng bàn bạc, kiểm tra, giám sát những công trình xây dựng trong thôn, bản thì họ đã khá quen thuộc.

Nhiều vùng đồng bào DTTS đã thực hiện công khai các chế độ, chính sách của Nhà nước liên quan trực tiếp đến Nhân dân, như: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán, quyết toán ngân sách hằng năm; phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quản lý và sử dụng các loại quỹ đất; các khoản huy động Nhân dân đóng góp; kết quả bình xét hộ nghèo… Có thể nói, quá trình thực hiện quy chế dân chủ trong vùng đồng bào DTTS, đã tạo được những chuyển biến rõ nét từ nhận thức đến hành động.

Minh chứng như tại xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, nhờ thực hiện tốt quy chế dân chủ, người dân trong xã đã nỗ lực vượt khó, góp phần đắc lực vào xây dựng nông thôn mới (NTM) của địa phương.

Ông Tô Văn Tuân - Chủ tịch UBND xã Xuất Lễ cho biết: Trong thực hiện quy chế dân chủ, các xã, phường, thị trấn luôn coi trọng và phát huy vai trò của các Ban Thanh tra Nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Trong năm 2020, xã đã bê tông hóa hơn 20 km đường giao thông nông thôn. Trong quá trình đó, người dân các thôn và thành viên Ban Giám sát đã theo dõi, phản ánh chất lượng, tiến độ công trình một số tuyến đường đến chính quyền xã. Trên cơ sở đó, chúng tôi kiến nghị cấp trên và giải quyết, xử lý kịp thời các vụ việc.

Quá trình thực hiện quy chế dân chủ trong vùng đồng bào DTTS đã tạo được những chuyển biến rõ nét từ nhận thức đến hành động
Quá trình thực hiện quy chế dân chủ, đã tạo được những chuyển biến mới trong người dân từ nhận thức đến hành động

Hay như tại xã Bàn Đạt, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên, thực hiện xây dựng NTM, cùng với nguồn vốn từ Trung ương, các dự án, ngân sách địa phương, chính quyền xã Bàn Đạt luôn chú trọng phát huy dân chủ cơ sở, công khai mọi chủ trương, chính sách và những phần việc cần làm ở mỗi giai đoạn để dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ. Qua 5 năm xây dựng NTM, xã đã vận động Nhân dân hiến trên 78.000 m2 đất, với tổng giá trị trên 9,9 tỷ đồng, đóng góp 57 tỷ đồng chiếm trên 36,3% tổng vốn đầu tư xây dựng NTM của xã…

Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trên địa bàn Thái Nguyên không chỉ là việc phát huy phương châm dân biết, dân bàn, dân làm mà các địa phương còn nêu cao vai trò của người dân trong việc giám sát, kiểm tra thực hiện các công trình, dự án. Hiện nay, toàn tỉnh Thái Nguyên có 178 Ban Thanh tra Nhân dân, 393 Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. 

Các Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã tổ chức giám sát các công trình xây dựng tại địa phương được 2.380 cuộc. Qua giám sát đã phát hiện và kiến nghị 215 vụ việc đến cơ quan có thẩm quyền và các chủ đầu tư, nhà thầu thi công để kịp thời kiến nghị, khắc phục những nội dung thực hiện chưa bảo đảm đúng kỹ thuật, thiết kế, chưa phù hợp với điều kiện thực tế, chưa bảo đảm tiến độ thi công…

Theo ông Phạm Thái Hanh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên, thông qua hoạt động giám sát của các Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng giúp cho việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở ngày càng hiệu quả; kịp thời phát hiện những sai phạm để kiến nghị với cấp có thẩm quyền xử lý, góp phần bảo đảm các chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương được thực hiện nghiêm túc.

Góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS 

Với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” được Nhân dân nắm bắt đầy đủ các chủ trương, chính sách, kế hoạch, từ đó, tham gia bàn thảo, đóng góp công sức chung tay thực hiện và thực hiện giám sát trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình chính sách… 

Thông qua thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đã góp phần làm chuyển biến phương thức điều hành và lề lối làm việc của chính quyền, giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Qua đó, tạo đồng thuận, khơi dậy sức dân trong huy động các nguồn lực đóng góp cho sự phát triển của xã hội.

Theo thống kê tính đến thời điểm hiện nay, 98,4% xã có đường ô tô đến trung tâm; trên 98% hộ DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% xã có trường lớp mầm non, trường tiểu học, THCS; 99,3% xã có trạm y tế; trên 90% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình; 100% xã có hạ tầng viễn thông và được phủ sóng di động đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân. 

Đời sống vật chất và tinh thần đồng bào các DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo của các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn giảm trung bình 3 - 4% năm… Đây là thành quả từ sự chung tay của cả hệ thống chính trị và sự vào cuộc kiểm tra, giám sát, phát huy vai trò dân chủ ở cơ sở của Nhân dân vùng DTTS và miền núi.

Nhờ phát huy quyền làm chủ của Nhân dân đã kịp thời phát hiện những sai phạm kiến nghị lên chính quyền để giải quyết
Nhờ phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, nhiều sai phạm trong đầu tư cơ sở hạ tầng đã kịp thời được phát hiện để kiến nghị lên các cấp chính quyền giải quyết (Ảnh MH)

Theo Báo cáo tổng kết thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở của Ban Chỉ đạo Trung ương, năm 2021, việc thực hiện quy chế dân chủ được phát huy, mở rộng trên các lĩnh vực ở cơ sở. Dân chủ ở xã, phường, thị trấn thực hiện nền nếp ở hầu hết các địa phương. Nhân dân tham gia thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân theo luật định. 

Theo ông Nguyễn Lam - Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đã góp phần nâng cao vai trò, vị thế, uy tín của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, tạo thành sức mạnh to lớn của Nhân dân tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Có thể nói, nhờ phát huy vai trò chủ thể của Nhân dân trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đã và đang góp phần thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc, tạo sự đồng lòng, nhất trí trong Nhân dân vùng đồng bào DTTS và miền núi nói riêng, đất nước nói chung, Từ đó, nâng cao ý thức và trách nhiệm của Nhân dân trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, tự lực vươn lên.

Tin cùng chuyên mục
Khởi động Dự án 6: Bảo đảm đúng phạm vi, đối tượng thụ hưởng

Khởi động Dự án 6: Bảo đảm đúng phạm vi, đối tượng thụ hưởng

“Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” thuộc Dự án 6 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Năm 2022, tỉnh Tuyên Quang đã khởi động Dự án 6 và đạt được nhiều kết quả quan trọng.