“Dân là gốc”
Điển hình như tại thôn Ngoàn, xã Nguyên Phúc, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn, vai trò của người dân luôn đề cao nhờ việc thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Trưởng thôn Ngoàn, Đinh Thị Sinh cho biết: Cuối năm 2021, thôn được hỗ trợ 150 triệu đồng từ Dự án “Cải thiện điều kiện sống cho các cộng đồng nghèo thông qua cách tiếp cận quản lý cộng đồng”, người dân trong thôn đã bàn bạc và thống nhất là dành số tiền này đầu tư xây dựng tuyến đường bê tông nhằm cải thiện điều kiện đi lại, vận chuyển nông - lâm sản cho bà con trong thôn. Nhờ đó, người dân trong thôn đã thống nhất ý kiến và hoàn thành xây dựng tuyến đường bê tông nội đồng dài 300 m.
Không chỉ tại Nguyên Phúc, các chương trình dự án, hay việc triển khai các phong trào phát động như: Việc đóng góp xây dựng đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa, xây dựng nông thôn mới... đều đã được các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Bạch Thông công khai, đưa ra dân bàn bạc và quyết định, trước khi thực hiện
Bà Đỗ Thị Hiền - Bí thư Huyện ủy Bạch Thông đánh giá, việc thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trên địa bàn huyện đã góp phần tích cực vào công tác xây dựng Đảng; làm chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức trách nhiệm đến phương pháp làm việc của cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể các cấp. Đồng thời, huy động được các nguồn lực, sức mạnh của cả hệ thống chính trị; cán bộ, công chức và quần chúng Nhân dân tham gia xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng - an ninh.
Tại xã Phú Tâm, huyện Châu Thành, Tiền Giang nhờ thực hiện quy chế dân chủ, đã phát huy được sức mạnh của Nhân dân trong xây dựng nông thôn mới. Anh Lý Sơn, ở ấp Phú Thành A, xã Phú Tâm, huyện Châu Thành cho biết: Trước đây đường sá trong ấp đi lại khó khăn, nên khi người dân nghe thông báo làm đường thì rất đồng tình. Khi công trình chuẩn bị khởi công, cán bộ xã đã đến tận nơi mời họp dân để vận động hiến đất mở lộ. Mọi công đoạn thi công, mức đầu tư của công trình, người dân đều được thông tin, người dân cũng hiểu được lợi ích của tuyến đường này là để phục vụ lợi ích chung nên đồng tình cao.
"Nhờ đó mà giờ đây, người dân mới có thể chạy xe máy bon bon trên con đường bê tông để về trung tâm xã”, anh Sơn chia sẻ.
Tăng cường sự giám sát, phản biện của Nhân dân
Với hàng loạt cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước, Nhân dân ngày càng quan tâm hơn đến hoạt động giám sát, thể hiện rõ trách nhiệm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong mọi lĩnh vực đời sống, từ kinh tế - xã hội đến xây dựng Đảng.
Gần đây nhất, để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Ban Chỉ đạo Chương trình đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức cho người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa và các nhiệm vụ nội dung của Chương trình Qua đó nâng cao trách nhiệm giám sát của cộng đồng đối với việc triển khai, thực hiện Chương trình.
Ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thông tin, để nâng cao hiệu quả thực thi chính sách này đến với Nhân dân, MTTQ các cấp đang phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; nội dung các văn bản triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Đồng thời, MTTQ các cấp tăng cường nắm chắc việc triển khai các chương trình, dự án đầu tư ở vùng đồng bào DTTS ở địa phương hằng năm, để chủ động xây dựng kế hoạch giám sát và tổ chức giám sát ngay từ khi bắt đầu triển khai; trong đó lựa chọn nội dung giám sát phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và tiến độ đầu tư; phát huy vai trò của người dân và cộng đồng trong giám sát thực hiện chương trình.
Theo ông Dũng, các địa phương cũng cần tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân để cấp ủy, chính quyền trả lời những vấn đề người dân bức xúc kiến nghị tại cộng đồng…
Tại Sóc Trăng, để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 đạt hiệu quả, địa phương này đã tổ chức các buổi tập huấn cho Người có uy tín và Trưởng ban Nhân dân ấp, khóm nhằm nâng cao năng lực, nhận thức của Người có uy tín, cán bộ làm công tác dân tộc về Chương trình để từ đó triển khai sâu rộng trong cộng đồng.
Theo ông Lý Rotha, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, tỉnh đã tập huấn một số kỹ năng nghiệp vụ và cách thức tuyên truyền, vận động đồng bào vùng DTTS và miền núi; vai trò Người có uy tín trong công tác vận động, tuyên truyền Nhân dân tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia; quan điểm của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc; khái quát về Đề án Tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Việc thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát đầu tư cộng đồng, sẽ góp phần thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và quyền làm chủ của Nhân dân bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quá trình đầu tư, phòng, chống tham nhũng, lãng phí…Từ phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát, thụ hưởng”, là động lực để khơi dậy sức mạnh và nguồn lực Nhân dân trong quá trình hiện thực hóa chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống.