Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Phát huy lợi thế, đưa Khánh Hòa trở thành trung tâm kết nối vùng

Hoàng Thanh - 19:16, 21/12/2022

Khánh Hòa nằm ở trung tâm của vùng duyên hải Nam Trung Bộ, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước. Phát huy tiềm năng, lợi thế của mình, năm 2022, tỉnh Khánh Hòa đã có bước bứt phá ngoạn mục khi 15/16 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt mục tiêu đề ra. Đặc biệt, mức tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đứng đầu 63 tỉnh, thành phố.

 (CĐ Khánh Hòa) Phát huy lợi thế, đưa Khánh Hòa trở thành trung tâm kết nối vùng
KKT Vân Phong - động lực phát triển của tỉnh Khánh Hòa và khu vực Nam Trung Bộ.

Từ kết quả đầy ấn tượng sau một năm nỗ lực, đoàn kết hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra, Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa về những định hướng, các giải pháp của tỉnh trong việc phát huy tiềm năng, lợi thế tiếp tục đạt mục tiêu trong năm mới 2023 và những năm tiếp theo.

PV: Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 28/01/2022 đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Khánh Hòa phải là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên… Vậy tỉnh có những lợi thế gì trong quá trình thực hiện mục tiêu này, thưa ông?

Ông Nguyễn Tấn Tuân: Khánh Hòa nằm giữa hai trọng điểm phát triển kinh tế của cả nước là TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Điều này là lợi thế trong giao lưu kinh tế, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Với lợi thế về du lịch, đồng thời có nhiều nhà máy chế biến, Khánh Hòa là thị trường tiêu thụ lớn cho các sản phẩm nông, thủy sản sản xuất trong tỉnh và các tỉnh thuộc khu vực vùng duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Khánh Hòa cũng là nơi cung cấp các sản phẩm cho các địa phương lân cận và trong cả nước, đặc biệt là các sản phẩm có thế mạnh, sản lượng lớn của tỉnh như thủy sản nuôi, sầu riêng, bưởi da xanh, mía tím,…

Khánh Hòa cũng là một trong 07 khu vực trọng điểm ưu tiên phát triển du lịch quốc gia, là một địa bàn du lịch có vị trí quan trọng đặc biệt trong hệ thống tuyến, điểm du lịch vùng duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung; có vai trò là trung tâm du lịch của tiểu vùng du lịch phía Nam, đồng thời giữ vai trò trung tâm phụ trợ của vùng du lịch phía Bắc vùng duyên hải Nam Trung bộ.

Theo định hướng quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Khánh Hòa giữ vai trò là trung tâm kinh tế - xã hội, công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ; là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển vận tải trong nước và quốc tế.

 Đây là những lợi thế quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu đến năm 2030 Khánh Hòa là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước đề ra tại Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị.

 (CĐ Khánh Hòa) Phát huy lợi thế, đưa Khánh Hòa trở thành trung tâm kết nối vùng 1
Năm 2022, doanh thu du lịch của Khánh Hòa trong thời điểm kinh tế mới trải qua dịch bệnh nhưng tăng gấp 5,6 lần so với năm 2021, ước đạt 13.500 tỷ đồng.

PV: Khánh Hòa là “cửa ngõ” của Tây Nguyên, nhưng hiện việc thông thương vẫn chỉ thông qua Quốc lộ 26 đã xuống cấp. Ông kỳ vọng gì về dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và Khánh Hòa sẽ làm gì để dự án này sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng đúng tiến độ?

Ông Nguyễn Tấn Tuân: Khánh Hòa là tỉnh có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh và kinh tế, là cửa ngõ hướng biển, có vai trò kết nối vùng Tây Nguyên với Duyên hải Nam Trung bộ ra các vùng, miền trong cả nước và quốc tế. Với 3 vịnh lớn (Vịnh Nha Trang, Vịnh Vân Phong, Vịnh Cam Ranh) mang tầm quốc tế, trong đó Vịnh Nha Trang là một trong 29 vịnh đẹp nhất thế giới, Vịnh Cam Ranh, quần đảo Trường Sa có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng; khu vực Bắc Vân Phong (thuộc Khu kinh tế Vân Phong) từng là một trong 3 khu vực trong cả nước được đề xuất thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, có nhiều cảng biển nước sâu, thuận lợi trong kết nối và giao thương quốc tế.

Khi dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột được đầu tư xây dựng hoàn thành, đi vào khai thác sẽ tăng cường thêm 01 trục ngang quan trọng cùng với tuyến QL.26 kết nối tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông hình thành mạng lưới giao thông đường bộ hoàn chỉnh để phục vụ kết nối Khánh Hòa với Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ, sẽ tạo động lực phát triển mạnh cho tỉnh Khánh Hòa nói riêng và vùng Tây Nguyên - Duyên hải Nam Trung bộ nói chung.

 (CĐ Khánh Hòa) Phát huy lợi thế, đưa Khánh Hòa trở thành trung tâm kết nối vùng 2
Khánh Hòa đang nỗ lực hạn chế tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng - là thách thức lớn nhất của phát triển bền vững của tỉnh. (Khánh Hòa tổ chức trồng cây rừng ngập mặn ở đầm Thủy Triều, huyện Cam Lâm).

PV: Thế mạnh của Khánh Hòa là biển, với Khu kinh tế (KKT) Vân Phong là động lực phát triển của tỉnh và khu vực Nam Trung Bộ. Ông có thể chia sẻ thêm về những giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế này của tỉnh?

Ông Nguyễn Tấn Tuân: Khu kinh tế Vân Phong có vị trí địa lý thuận lợi, hội tụ nhiều yếu tố để phát triển đa ngành, đa lĩnh vực. Các cơ chế, chính sách đặc thù cho Khu kinh tế Vân Phong theo quy định tại Nghị quyết số 55-NQ/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội sẽ tạo điều kiện cho tỉnh Khánh Hòa có thể thu hút được sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược để tạo hiệu ứng “mỏ neo” giúp khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển của Khu kinh tế.

Để Khu kinh tế Vân Phong trở thành động lực phát triển kinh tế của tỉnh Khánh Hòa và khu vực Nam Trung Bộ, tỉnh sẽ khẩn trương lập quy hoạch phân khu xây dựng các khu chức năng quan trọng trong Khu kinh tế Vân Phong sau khi Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng được phê duyệt. Đồng thời công bố danh mục các dự án ưu tiên thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Vân Phong giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến 2030 sau khi các quy hoạch được phê duyệt để làm cơ sở thu hút đầu tư, đặc biệt là các dự án quy mô lớn.

 (CĐ Khánh Hòa) Phát huy lợi thế, đưa Khánh Hòa trở thành trung tâm kết nối vùng 3
Cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột được đầu tư xây dựng hoàn thành, đi vào khai thác sẽ gỡ nút thắt liên kết vùng với Tây Nguyên. (Trong ảnh: Đèo Phượng Hoàng trên tuyến quốc lộ 26 nối Khánh Hòa với Tây Nguyên)

UBND tỉnh đang chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai xúc tiến đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm, xác định các ngành, lĩnh vực phù hợp, bám sát nhu cầu thực tế và lợi thế so sánh của KKT. Trong đó, khu vực Bắc Vân Phong tập trung kêu gọi các dự án về lĩnh vực dịch vụ du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp cao cấp; đô thị cao cấp, cảng biển, sân bay...; khu vực Nam Vân Phong tập trung kêu gọi cảng tổng hợp, dịch vụ hậu cần cảng và logistic; tổ hợp công nghiệp, năng lượng...

Tỉnh cũng sẽ nghiên cứu đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, đa dạng hóa các hình thức xúc tiến đầu tư để nâng cao hơn nữa hiệu quả xúc tiến đầu tư, trong đó chú trọng hình thức trực tiếp, tiếp xúc với các nhà tư vấn đầu tư chuyên nghiệp, các đối tác, doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới hoặc thông qua các cơ quan ngoại giao để tổ chức xúc tiến, thu hút các nhà đầu tư nhất là các nhà đầu tư nước ngoài vào KKT Vân Phong; Ưu tiên bố trí phù hợp các nguồn lực từ ngân sách nhà nước để dẫn dắt và thúc đẩy thu hút các nguồn lực ngoài nhà nước cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng trên địa bàn KKT Vân Phong.

PV: Đâu là thách thức trong liên kết vùng hiện nay của Khánh Hòa, thưa ông?

Ông Nguyễn Tấn Tuân: Phát triển nhanh, toàn diện và bền vững là thách thức lớn đối với các nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Khánh Hòa. Trong liên kết vùng hiện nay, việc huy động nguồn lực để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt hạ tầng khu kinh tế, cùng với việc ban hành các chính sách nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, là thách thức đối với Khánh Hòa.

Cùng với đó, tụt hậu về khoa học, công nghệ là nguy cơ hiện hữu, khiến sức cạnh tranh kinh tế của tỉnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khi không còn lợi thế về nguồn lao động dồi dào, chi phí thấp. Đại dịch Covid-19 cho thấy dịch bệnh có khả năng gây tổn hại. Ngoài ra, biến đổi khí hậu, nước biển dâng tiếp tục là thách thức lớn nhất của phát triển bền vững ảnh hưởng đến hầu hết các ngành, lĩnh vực, địa bàn, nhất là các tỉnh ven biển như Khánh Hòa.

 (CĐ Khánh Hòa) Phát huy lợi thế, đưa Khánh Hòa trở thành trung tâm kết nối vùng 4
Du lịch biển là một trong những lợi thế để Khánh Hòa trở thành trung tâm kết nối vùng

PV: Theo ông, Khánh Hòa sẽ phải làm gì để biến lợi thế thành nguồn lực, biến thách thức thành cơ hội?

Ông Nguyễn Tấn Tuân: Để biến lợi thế thành nguồn lực, biến thách thức thành cơ hội, yếu tố đầu tiên, là phải sự thống nhất cao về tư tưởng và nhận thức từ Trung ương tới địa phương, từ tỉnh đến cơ sở, từ doanh nghiệp đến người dân về vai trò, mục tiêu phát triển của tỉnh Khánh Hòa theo mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đồng thời, đẩy nhanh và thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch quy hoạch xây dựng các vùng kinh tế trọng điểm trên cơ sở phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế không chỉ của Khánh Hòa mà của cả vùng duyên hải miền Trung, Tây Nguyên.

Một giải pháp cũng được tỉnh chú trọng, là thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở đột phá về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư, tài chính và phân cấp quản lý đặc thù, phù hợp.

 Đồng thời, thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu; tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường hợp tác và hữu nghị với các địa phương các nước, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, thời gian tới, tỉnh sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp tạo nền tảng đưa Khánh Hòa trở thành một trong những trung tâm vùng duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên về giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu. Cùng với đó là phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; đưa Khánh Hòa trở thành một trong những trung tâm lớn về văn hóa và thể thao của vùng duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Trân trọng cảm ơn ông!

Năm 2022, trong bối cảnh chung tình hình thế giới và trong nước có những thách thức đáng kể, song với sự đoàn kết nhất trí cao của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa phục hồi rõ nét. So với năm 2021, GRDP năm 2022 ước tăng 20,7%, đứng đầu 63 tỉnh, thành phố; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 21,68%; tổng mức bán lẻ tăng 52,4%. Đặc biệt, doanh thu du lịch trong thời điểm kinh tế mới trải qua dịch bệnh nhưng tăng gấp 5,6 lần so với năm ngoái, ước đạt 13.500 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng gần 23%, ước đạt trên 1.600 triệu USD. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 16.016 tỷ đồng, vượt 33,3% dự toán và tăng 13,8% so với cùng kỳ.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.