Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Phát huy giá trị những công trình tôn giáo ở Nghệ An: Nhà thờ đá Bảo Nham và vị quản xứ tận tụy với đạo và đời (Bài 1)

Nguyễn Thanh - 12:33, 28/08/2022

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An có rất nhiều công trình tôn giáo với kiến trúc độc đáo đang là điểm hấp dẫn thu hút khách tham quan. Đặc biệt, nơi ấy có những giáo họ, giáo xứ đoàn kết giữ gìn sự bình yên, xây dựng cuộc sống mới, dưới sự dẫn dắt đầy trách nhiệm của các vị quản xứ hết lòng vì việc đạo và đời. Ghi nhận ở những điểm sáng như Nhà thờ đá Bảo Nham, xã Bảo Thành, huyện Yên Thành; tháp cổ Yên Hòa,huyện Kỳ Sơn; Nhà thờ giáo xứ An Hòa...

Mặt trước nhà thờ Bảo Nham
Mặt trước nhà thờ Bảo Nham

Độc đáo Tòa thánh đường bằng đá

Theo nhiều sử sách ghi lại, trước đây tại vùng đất Yên Thành (Nghệ An), có một vị linh mục người Pháp tên là Adolphe Klinglé tới để truyền đạo, và ông đã lựa chọn một vị trí có nhiều giáo dân để xây dựng nhà thờ Bảo Nham, đó là xã Bảo Thành.

Nhà thờ đá Bảo Nham được xây dựng theo mô hình nhà thờ Luoxo, với lối kiến trúc Gothic của Pháp. Chất liệu chủ yếu làm nên toà thánh đường, là đá được khai thác từ vùng núi Lam Sơn, Thanh Hóa.  Đây là công trình tôn giáo độc đáo được khởi công xây dựng từ năm 1888, đến năm 1904 thì chính thức hoàn thành. Điểm nhấn ở tòa thánh đường này còn là lèn đá tự nhiên được xây dựng, trang trí rất cầu kì, công phu. Từ đó, tòa thánh đường này trở thành một phần không thể thiếu của mảnh đất Yên Thành và cũng là nơi sinh hoạt tâm linh của hầu hết các giáo dân trong vùng.

Nhà thờ đá Bảo Nham có chiều dài 37m, rộng 14m, với điểm cao nhất trên đỉnh tháp chuông là 28m. Tổng thể nhà thờ có quy mô khá đồ sộ, với điểm nhấn là chiếc cột thu lôi có hình một con gà, được làm bằng chất liệu hợp kim antimon với khả năng xoay theo chiều gió. Phía trước nhà thờ là hai cổng chào, bên trên có đặt hai con sư tử bằng đá được chạm khắc tinh tế. Bên cạnh đó, trên phần gờ của các mái nhà thờ còn có 24 tháp nhỏ, được làm bằng bằng đá cao 2.5m.

Nhà thờ được thiết kế theo kiểu Gothic, lấy nguyên mẫu từ một nhà thờ của Pháp
Nhà thờ được thiết kế theo kiểu Gothic, lấy nguyên mẫu từ một nhà thờ của Pháp

Hệ thống tháp chuông của nhà thờ cũng rất đặc biệt với ba quả chuông được làm bằng đồng, có trọng lượng lần lượt là 800kg, 400kg và 180kg. Đây cũng chính là quà tặng mà em gái của linh mục Adolphe Klinglé tặng cho nhà thờ sau khi hoàn thành.

Không gian bên trong nhà thờ của Giáo xứ Bảo Nham rất hút khách, bởi vẻ đẹp trang nghiêm, tráng lệ với hình ảnh mái vòm nhọn hình bán viên. Còn ô cửa sổ bằng kính của tòa thánh đường được họa những bức tranh mang chủ đề tôn giáo, hình các thánh và tông đồ Thiên Chúa giáo, với nhiều màu sắc lung linh, huyền ảo dưới ánh mặt trời.

Bên cạnh tòa thành đường độc đáo này, còn là lèn đá Bảo Nham. Địa điểm lèn đá gắn liền với những câu chuyện cổ tích tín ngưỡng, được truyền tai nhau qua bao thế hệ giáo dân ở vùng đất này. Để có thể lên được đỉnh của Lèn đá Bảo Nham, cần phải di chuyển qua 171 bậc thang uốn nhẹ hình chữ S; có hình dáng như một chú rồng oai phong, đang vặn mình bám lấy khuôn viên lèn đá. Hệ thống bậc thang độc đáo này được cha Phêrô Nguyễn Văn Hanh thiết kế và xây dựng trong 3 năm từ 1947 đến 1950.

Cung đường đi xuống phía sau lèn đá cũng có hình dáng như một chiếc đuôi rồng, với tổng 137 bậc, được cha Phêrô Nguyễn Văn Duyệt thiết kế và xây dựng vào năm 2000.

Di chuyển lên bậc thang thứ 90, hiện ra trước mắt du khách là hang đá bán lộ thiên được đặt tượng Đức Mẹ Lộ Đức. Bước xuống bậc thứ 69 là vườn thánh với khuôn viên có hồ nước và nhiều loại cây cối xanh tươi.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nhà thờ đá Bảo Nham ngày nay vẫn giữ được nét uy nghiêm, kiến trúc đồ sộ với nhiều giá trị lịch sử tín ngưỡng lâu đời.

Công trình đã được khởi công xây dựng vào năm 1888, đến năm 1904 hoàn thành
Công trình đã được khởi công xây dựng vào năm 1888, đến năm 1904 hoàn thành

Vị quản xứ hết lòng vì việc đạo và đời.

Đấy là lời nhận xét của Bí thư Đảng ủy xã Bảo Thành Hồ Xuân Văn. Ông Văn cho biết: Giáo xứ Bảo Nham có 800 hộ, có 7/8 xóm có đồng bào giáo dân sinh sống, chiếm tỉ lệ 42-44%. Đời sống đồng bào giáo dân ngày càng no ấm, phát triển. Hiện tại, tỉ lệ hộ nghèo ở Bảo Thành chưa đến 1%. Các loại thuế, quỹ của nhà nước được bà con giáo dân tự giác thực hiện nghiêm túc…

 Những năm qua, các phần việc mà chính quyền xã Bảo Thành triển khai, như dồn điền đổi thửa, mở rộng đường giao thông nông thôn, xây dựng các tiêu chí của NTM… rất được Linh mục Nguyễn Xuân Hoàng đồng tình, ủng hộ và vận động các giáo dân tham gia có trách nhiệm.

Trên đỉnh tháp có đặt một con gà được làm bằng hợp kim antimony có thể xoay theo chiều gió. Trong tháp có ba quả chuông được đúc bằng đồng, chuông nặng nhất 800kg, chuông thứ hai có trọng lượng 400kg và chuông thứ ba là 180kg
Trên đỉnh tháp có đặt một con gà được làm bằng hợp kim antimony có thể xoay theo chiều gió. Trong tháp có ba quả chuông được đúc bằng đồng, chuông nặng nhất 800kg, chuông thứ hai có trọng lượng 400kg và chuông thứ ba là 180kg

 Dưới sự quan tâm của Linh mục Nguyễn Xuân Hoàng, chính quyền xã Bảo Thành đã phối hợp với giáo xứ để thành lập 2 câu lạc bộ “gia đình trẻ chống tệ nạn xã hội, phát triển kinh tế”. Vào các ngày lễ như Tết độc lập, lễ Noel, Tết nguyên đán… Hội đồng mục vụ giáo xứ đã phối hợp tốt với chính quyền để đảm bảo an ninh trật tự cho bà con vui lễ, đón tết đầm ấm, an toàn.

Ông Hồ Xuân Văn, Bí thư Đảng ủy xã Bảo Thành nhấn mạnh: Linh mục quản xứ giáo xứ Bảo Nham Nguyễn Xuân Hoàng, rất có trách nhiệm với cộng đồng giáo dân, với những việc của làng, của xóm. Kể từ khi về làm quản xứ, cuộc sống bà con giáo dân ngày càng phát triển, đời sống tinh thần ngày càng được nâng lên. Đặc biệt, linh mục và hội đồng mục vụ giáo xứ đã phối hợp tốt, có trách nhiệm với chính quyền địa phương trong thực hiện các phần việc giữa đạo và đời.

Một số hình ảnh Nhà thờ đá Bảo Nham

Toàn cảnh nhà thờ Bảo Nham nhìn từ mặt hông
Toàn cảnh nhà thờ Bảo Nham nhìn từ mặt hông
Bên trong tòa thánh đường
Bên trong tòa thánh đường
Các ô kính màu lung linh huyền ảo khi ánh nắng chiếu vào
Các ô kính màu lung linh huyền ảo khi ánh nắng chiếu vào
Giữa lèn đá là một hang đá bán lộ thiên cao 6m, rộng 5.4m được người dân tôn tạo làm nơi thờ Đức Mẹ
Giữa lèn đá là một hang đá bán lộ thiên cao 6m, rộng 5.4m được người dân tôn tạo làm nơi thờ Đức Mẹ
(CHUYÊN ĐỀ DTTG) Những công trình tôn giáo độc đáo: Nhà thờ đá Bảo Nham (Bài 1) 8
Đường lên đỉnh lèn đi giữa những khối đá nhô ra với muôn hình kỳ thú
Đường lên đỉnh lèn đi giữa những khối đá nhô ra với muôn hình kỳ thú
Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.