Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Myanmar - Xứ sở chùa tháp

Tấn Vịnh - 16:39, 30/08/2021

Myanmar nằm ở phía tây bán đảo Trung Nam có diện tích lớn nhất Đông Nam Á và gấp 3 lần diện tích của Việt Nam, gồm 7 bang rộng lớn. Dân số hơn 53 triệu người gồm 135 dân tộc, trong đó người Miến Điện (Burma) chiếm 65% dân số. Người dân Myanmar đa số sùng đạo Phật, tại bất kỳ thành phố nào, thị xã nào đều có ít nhất một ngôi chùa và một tu viện Phật giáo.

Chùa Vàng ở thành phố Yangon
Chùa Vàng ở thành phố Yangon

Đền tháp là nét kiến trúc Phật giáo nổi bật ở Myanmar, là một phần văn hóa đặc sắc của đất nước này. Đạo Phật có ảnh hưởng rất lớn đối với người dân Myanmar, cuộc sống của họ được gắn liền với các nghi lễ Phật giáo. Đạo Phật ở Myanmar theo dòng Theravada, là Phật giáo nguyên thủy “tức dòng Phật giáo Tiểu thừa” giáo phái Nam Tông. Sự tu hành của các sư cũng không có gì khác so với phật giáo ở Thái Lan, Lào, Sri Lanka, Campuchia, các sư không ở chùa mà ở thiền viện. Đất nước này có nhiều ngôi chùa nổi tiếng, thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan.

Bagan là một thành phố nằm ở miền Trung Myanmar. Bagan vốn là kinh đô của vương quốc Bagan- thủ đô của Vương quốc Anawrata thống nhất đầu tiên, tồn tại từ thế kỷ IX đến thế kỷ XIII ở khu vực này. Trong khoảng thời gian từ thế kỷ XI đến cuối thế kỷ XIII - thời kỳ hoàng kim của Vương quốc Bagan, đã có tới hơn 4.000 ngôi chùa, đền và tu viện được xây dựng. Dấu vết của các di tích này vẫn còn lại cho đến ngày nay với 2.200 ngôi đền còn tồn tại.

Đền Ananda ở thánh địa Bagan
Đền Ananda ở thánh địa Bagan

Trong hàng nghìn di tích kiến trúc, du khách đến Bagan ấn tượng nhất với những ngôi đền tháp quy mô, tiêu biểu, có giá trị lịch sử và nghệ thuật, trong đó tiêu biểu là đền Ananda. Đền Ananda do Kyansittha xây năm 1091 là ngôi đền đẹp và tôn nghiêm nhất Myanmar. Đền này biểu trưng cho sự uyên thâm vô bờ bến của Đức Phật. Ban đầu nó có tên Ananta sau thay đổi thành tên Ananda. Toàn bộ dinh thự là điện thờ linh thiêng vừa là một bảo tàng đồ sộ được trang hoàng bởi tượng thạch cao, đá, chạm khắc gỗ, kim loại, đất nung... Tổng số bức tượng bên trong ngôi đền lên đến 1424 bức. Tại các hốc tường ở hành lang hiện hữu những bức tượng minh họa Đức Phật từ lúc sinh ra đến Thời đại khai sáng. Trên tầng cao hơn tô điểm thêm 891 tấm bản tráng men miêu tả những câu chuyện Jataka.

Ngoài khu thánh địa Bagan, các địa phương khác đều có những ngôi chùa, đền thờ nổi tiếng, là biểu tượng văn hóa của vùng. Chùa Shwedagon ở Yangon còn gọi là Chùa Vàng. Đây là chùa tháp lớn nhất và đẹp nhất Myanmar, được hình thành từ 2.500 năm trước và được các triều đại phong kiến Myanmar tu bổ mở rộng dần. Chùa Shwedagon tọa lạc trên một quả đồi cao, rộng nằm giữa trung tâm thành phố. Shwedagon trong tiếng Myanmar nghĩa là tháp bằng vàng. Gọi là Chùa Vàng không chỉ bởi màu sắc vàng rực lung linh, đẹp mắt của ngôi chùa mà còn do khối lượng vàng quy mô dùng để dát vào tháp, ước tính lên tới 90 tấn do các đời vua và dân chúng Myanmar cúng dường.

Phật tử dâng hoa và tắm tượng Phật tại Chùa Vàng
Phật tử dâng hoa và tắm tượng Phật tại Chùa Vàng

Tòa tháp vàng khổng lồ cao tới 99 m, là kiệt tác nghệ thuật, thân tháp được phủ kín bằng 9.300 lá vàng với tổng khối lượng là 500 kg, đỉnh tháp tô điểm bằng 5.448 viên kim cương và 2.317 viên hồng ngọc, bích ngọc và vô số lục lạc vàng. Quần thể Chùa Vàng bao gồm 1.000 đơn thể chùa bao quanh tòa tháp trung tâm, trong đó có 72 ngôi chùa bằng đá có thờ tượng Phật bên trong.

Chùa Shwedagon hình tròn, khi tham quan người ta thường đi theo chiều kim đồng hồ. Trên vòng tròn ấy có 7 pho tượng Phật bằng đá cẩm thạch. Dưới chân tượng Phật luôn để bồn nước với những cái cốc bằng bạc để khách thập phương múc nước tắm cho Phật. Quanh các bồn nước không lúc nào ngớt các phật tử đến đeo hoa lan lên cổ và tắm cho tượng Phật. Và 7 bức tượng Phật xung quanh chùa lúc nào cũng chằng đầy các chuỗi hoa lan trên cổ.

Tháp vàng Shwedagon là nơi tôn nghiêm cung kính nhất. Đáng chú ý là trên đỉnh tháp cao chót vót luôn lấp lánh vào ban ngày do phản chiếu ánh sáng mặt trời và rực sáng vào ban đêm bởi viên kim cương 76 carat bắt ánh đèn chiếu vào ngọn tháp. Trong chùa còn lưu giữ 4 vật thiêng liêng nhất của Phật Giáo, đó là cây gậy của Phật Câu Lưu Tôn, lọc nước của Phật Câu Na Hàm, 1 mảnh áo của Phật Ca Diếp và 8 sợi tóc của Phật Thích Ca. Xá lợi tóc Phật này đã được vinh danh là bảo vật quốc gia của Myanmar. Nơi đây được xem là thánh địa Phật giáo của người Myanmar nên ai cũng có ước nguyện được một lần trong đời viếng thăm Chùa Vàng. Chùa Shwedagon xứng đáng là niềm tự hào, là trái tim của Yangon.

Một ngôi chùa với hàng trăm ngôi tháp ở tiểu bang Shan
Một ngôi chùa với hàng trăm ngôi tháp ở tiểu bang Shan

Chùa Kyaiktiyo ở Tiểu bang Mon tọa lạc trên đỉnh núi Kyaiktiyo ở độ cao 1.100m so với mực nước biển, cách thành phố Yangon 200km. Ngôi chùa xứng đáng gọi là kiệt tác bởi vì sự hòa quyện không tưởng giữa thiên nhiên và những điều bí ẩn của thế giới Phật giáo. Nét độc đáo nhất là do sự xếp đặt lạ lùng của tự nhiên. Tảng đá vàng hình quả trứng nằm chênh vênh trên một sườn núi mà vẫn đứng vững qua hơn 2.000 năm vì người dân tin rằng trong bảo tháp có xá lợi tóc của Đức Phật, nếu trong đời 3 lần đảnh lễ tại ngôi chùa này, mọi ước muốn trong cuộc đời sẽ được toại nguyện.

Thành phố Mandalay là trung tâm thương mại nhộn nhịp và một kho lưu trữ văn hóa Myanmar cổ đại. Chùa Kuthodaw nằm yên bình dưới chân núi Myanma là ngôi chùa cổ kính nổi tiếng. Kuthodaw được xây dựng từ thời vua Mindon. Đây là một quần thể bao gồm ngôi chùa chính và nhiều đền tháp nhỏ xung quanh. Điểm đặc biệt thu hút đông khách du lịch tới chùa là sự tồn tại của cuốn sách đá lớn nhất thế giới. Cuốn sách này có 1.460 trang được tạo nên bởi nhiều viên đá quý nhỏ ở các hang động. Để đọc hết và thông hiểu bộ sách này người ta dự tính mất 3.600 giờ tương đương khoảng 150 ngày nếu miệt mài không ngưng nghỉ.

Các vị sư tịnh dưỡng ở một ngôi chùa
Các vị sư tịnh dưỡng ở một ngôi chùa

Tại thành phố Mandalay còn có chùa Hsinbyume là ngôi chùa trắng khổng lồ tại làng Mingun. Chùa được xây dựng vào năm 1816, bởi vua Bagyidaw để tưởng nhớ hoàng hậu quá cố của ông đã mất khi sinh con. Ngôi chùa cũng bị hư hỏng nặng trong trận động đất năm 1838, nhưng sau đó được vua Mindon khôi phục năm 1874. Đến hôm nay, phần lớn kiến trúc của ngôi chùa này vẫn được giữ nguyên vẹn và có vẻ đẹp cực kỳ độc đáo. Từ bên ngoài nhìn vào phía ngôi đền đều mang màu trắng tinh khôi, tạo nên vẻ đẹp đặc sắc có một không hai. Trong chùa có bảy dãy hành lang lớn bao bọc, tượng trưng cho bảy dãy núi chung quanh đền Meru trong truyền thuyết.

Đền chùa cổ là di sản nổi bật nhất của đất nước Myanmar- “Đất nước của những ngôi chùa”. Nó phản ánh quá khứ vàng son của các vương triều phong kiến của đất nước rộng lớn ở vùng Đông Nam Á này. Các ngôi chùa ở Myanmar được bảo tồn, gìn giữ nguyên vẹn. Đặc biệt, Chùa Vàng ở Yangon là ngôi chùa bề thế bậc nhất trên thế giới, trước thời điểm xảy ra dịch bệnh Covid-19, ngày nào chùa cũng tấp nập tín đồ đi lễ Phật và nhộn nhịp du khách tham quan. Du khách đến Myanmar không chỉ ngắm vẻ đẹp kiến trúc của các tòa tháp, đền chùa mà còn khám phá chiều sâu trong tâm hồn con người ở đất nước Phật giáo này. 

Chùa Trắng Hsinbyume ở cố đô Mandalay
Chùa Trắng Hsinbyume ở cố đô Mandalay
Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.