Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Bình an “làng chùa”

Uông Thái Biểu - Ngọc Ánh - 15:46, 03/08/2021

Nhìn từ quốc lộ 20, suốt dọc hai triền con sông nhỏ Đạ Nhim hiện lên hình ảnh những cổng tam quan, mái chùa cong và những tòa bảo tháp cao vút giữa vườn cà phê và cây ăn quả. Nhiều bóng áo cà sa thấp thoáng. Tiếng chuông chùa ngân vang, tiếng gõ mõ tụng kinh văng vẳng từ các triền đồi. Một không gian đậm chất thiền đã tạo cho mỗi người đến đây cảm giác thật thanh tịnh, an hòa.

     

Vẻ đẹp thanh tịnh, bình yên ở ngôi chùa Phương Liên Tịnh Xứ
Vẻ đẹp thanh tịnh, bình yên ở ngôi chùa Phương Liên Tịnh Xứ

Không biết đã có thể xác lập kỷ lục cho vùng quê này hay chưa, đó là kỷ lục về một vùng dân cư gọi tên chung là Đại Ninh, thuộc hai xã Ninh Gia và Phú Hội (Đức Trọng, Lâm Đồng) có mật độ cơ sở thờ tự Phật giáo được cho là nhiều nhất Việt Nam. Ủy ban nhân dân huyện Đức Trọng, cung cấp: Tại 15 xã, thị trấn của huyện, có tất cả 220 cơ sở thờ tự thì 2 xã trên đã chiếm gần một nửa. Và số lượng chức sắc, tăng ni đang hành đạo cũng chiếm một tỉ lệ rất lớn trên tổng số gần 1.346 vị trên địa bàn toàn huyện. Lãnh đạo huyện này cũng cho hay: Trước ngày đất nước thống nhất, vùng đất Đại Ninh còn rất hoang sơ, dân cư thưa thớt, chỉ có vài thiền thất ẩn mình giữa chốn rừng già. Càng về sau, dân tứ xứ kéo về đây lập cư, lập nghiệp, tạo thành một vùng quê sầm uất, các cơ sở thờ tự tôn giáo cũng từ đó ngày một nhiều thêm. Đến bây giờ, vùng quê này được mệnh danh là chốn “đất thiêng” của những người hành đạo Thích Ca mà người dân thì không biết từ bao giờ đã quen gọi “làng chùa”. Xã Ninh Gia ở phía tả ngạn sông có tới 31 thiền thất. Còn Phú Hội, chị Krajan Ka Suynh - Phó Chủ tịch UBND xã cung cấp cho chúng tôi con số: Toàn xã có 21.973 nhân khẩu thì đã có tới 3.617 người theo đạo Phật. Trên địa bàn xã có tới 18 cơ sở thờ tự Phật giáo; với 1.040 tăng, ni đang hoạt động tu hành…

                                                             * * *

Tham quan “làng chùa”, chúng tôi cảm nhận được nhiều nét độc đáo. Tại chùa tổ Hương Nghiêm có tháp mộ ba tầng của cố Hòa thượng Thích Thiện Tâm. Đến với Phương Liên Tịnh Xứ, ngoài ngôi chùa uy nghi, rộng lớn còn có bảo tháp bảy tầng đồ sộ tọa lạc trên đỉnh đồi cao. Ở Vĩnh Minh Tự Viện có cổng tam quan xếp bằng đá, bảo tháp xá lợi Minh Tích Ấn cao chín tầng cùng nhiều tượng Phật đặc sắc. Đây được coi là tòa phật đường nổi tiếng nhất ở “làng chùa”, được khởi dựng năm 1973 bởi Hòa thượng Thích Tâm Thanh, Vĩnh Minh Tự Viện tọa lạc trên một ngọn đồi cao rộng chừng 10ha, không gian rợp mát cây xanh, khoáng đạt và thanh tịnh. Theo các chư tăng ni và phật tử, từ khi Vĩnh Minh Tự Viện hình thành, cùng với tài thuyết giảng của cố hòa thượng Thích Tâm Thanh (nguyên Phó ban Trị sự, kiêm Trưởng ban Hoằng pháp Giáo hội Phật giáo Lâm Đồng), nơi đây đã trở thành điểm tựa tinh thần cho những người theo đạo Phật khắp các làng quê quanh vùng. Tiếng lành đồn xa, từ đó, không chỉ tăng ni, phật tử trong huyện Đức Trọng mà người tứ xứ đã tụ về đây để nghe thuyết giảng và thọ giáo quy y, tịnh xá, tịnh thất cũng từ đó mà mở mang nhiều thêm…

Các vị sư nữ tại làng chùa trong một buổi lễ Phật
Các vị sư nữ tại làng chùa trong một buổi lễ Phật

Dọc theo hữu ngạn và tả ngạn sông Đa Nhim còn có hàng chục ngôi chùa, tịnh xá, tịnh thất, niệm phật đường. Mỗi thiền thất mỗi dáng vẻ kiến trúc khác nhau như tịnh xá Ngọc Thành, các chùa Hương Sen, Dược Sư, Đạo Tràng Long Châu. Đến với “làng chùa”, du khách còn có thể tiếp cận và đàm luận Phật học và trò chuyện nhân sinh với những bậc chân tu lão thành như sư Tràng, sư bà Hải Triều Am, thượng tọa Thích Tâm Mãn... Đại đức Thích Nguyên Tâm, chánh đại diện Phật giáo huyện Đức Trọng, cho biết: "Các tăng ni, phật tử trên địa bàn luôn ý thức sống tốt đời, đẹp đạo, chung sức chung lòng xây dựng quê hương giàu đẹp. Mỗi tháng hai lần các tăng, ni có hai buổi quy tụ về các chùa tổ Hương Nghiêm và Đạo Tràng Long Châu ở Đại Ninh để học giới luật, đây cũng là dịp để các tăng ni, phật tử biểu lộ tinh thần gắn kết cùng nhau xây dựng cuộc sống tốt đời, đẹp đạo. Là những tu sỹ chân chính, chúng tôi thấm nhuần, mình đã được hành đạo trong môi trường lý tưởng, được hưởng an lạc, thái bình, thì càng phải biết trân trọng và phát huy điều đó vào trong cuộc sống cộng đồng”…

                                                                           * * *
Hai xã Phú Hội và Ninh Gia ngày nay đã trở thành một vùng quê trù phú. Những cánh rừng, những rẫy cà phê tươi tốt phủ xanh đất này một mầu no ấm. Nơi đây đã trở thành một thị tứ mang dáng dấp nông thôn thời công nghiệp hóa với rất nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh. Thấp thoáng sau những tán rừng, những nương cà phê đang mùa trổ hoa, hình ảnh những ngôi thiền thất như càng tôn thêm dáng nét an lành của quê hương trong thời thanh bình. Rồi đây khi dự án du lịch sinh thái hồ Đại Ninh cách “làng chùa” chưa đầy cây số trở thành hiện thực thì vùng này sẽ trở thành một khu du lịch hấp dẫn. Nếu các công ty lữ hành biết kết hợp du lịch sinh thái với trải nghiệm “hành hương” thì sẽ biến vùng đất Đại Ninh thành địa chỉ thú vị, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tòa bảo tháp Minh Tích Ấn tại Vĩnh Minh Tự Viễn
Tòa bảo tháp Minh Tích Ấn tại Vĩnh Minh Tự Viễn

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân xã Phú Hội -Krajan Ka Suynh cho biết, vùng quê của chị ít có tệ nạn xã hội, an ninh trật tự luôn bảo đảm. Các tăng ni về đây an nghiệp tu hành đều tự lao động sản xuất, trồng cà phê, cây ăn trái để nuôi sống bản thân. Hầu hết các cơ sở thờ tự Phật giáo đều tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, gắn bó với chính quyền và các ngành tổ chức nhiều đợt khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người dân quanh vùng. Điều đặc biệt nữa là các chùa cũng luôn mở rộng vòng tay đón nhận trẻ em mồ côi, bất hạnh; các em đều được tạo điều kiện đến trường học hành, bên cạnh đó các tăng ni còn giáo dục nhân cách cho các em, giúp các em trưởng thành. Lúc sinh thời, Hòa thượng Thích Tâm Thanh đã vận động phật tử xa gần góp công quả thi công gần 4 km đường bê tông nhựa chạy dọc thôn Phú An, xây dựng chiếc cầu treo dài trên 200m bắc qua sông Đa Nhim giúp cư dân qua lại dễ dàng, thuận tiện, giảm bớt tai nạn giao thông vì không phải đi thuyền qua sông như trước…

Cũng theo dòng ghi nhận đó, Bí thư Huyện ủy Đức Trọng Nguyễn Ngọc Phúc, nói với chúng tôi: “Tăng, ni, phật tử ở vùng Đại Ninh nói riêng và toàn huyện nói chung đã tích cực hưởng ứng và thực hiện tốt các cuộc vận động của địa phương. Đặc biệt, họ đóng góp rất nhiều trong cuộc vận động Nhân dân xây dựng nông thôn mới, xây dựng các kết cấu hạ tầng nhằm tạo nên diện mạo đổi mới của quê hương…”

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.