Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) từng được đưa ra thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật.
Không để trở thành luật “độc tôn”
Theo đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị: giữ nguyên tên gọi dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) thay vì điều chỉnh nhằm bảo đảm tính kế thừa, ổn định liên tục của pháp luật về dầu khí; đặt ra các quy định riêng về hoạt động dầu khí thượng nguồn tại Luật chuyên ngành, thiết lập “chuỗi giá trị dầu khí” bảo đảm tính tổng thể từ tìm kiếm, thăm dò đến chế biến, đồng thời nhằm tránh nhầm lẫn giữa “chuỗi giá trị dầu khí” và “chuỗi đồng bộ hoạt động dầu khí thượng nguồn”.
Về việc áp dụng Luật Dầu khí, các luật có liên quan, pháp luật nước ngoài, thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quy định rõ nội dung nào áp dụng Luật Dầu khí, nội dung nào áp dụng và nguyên tắc áp dụng các luật khác có liên quan.
Thảo luận tại phiên làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định và một số ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cần đưa ra hướng đi cụ thể, tránh việc Luật Dầu khí (sửa đổi) sau khi ban hành trở thành luật “độc tôn” do có quá nhiều quy định được ưu tiên, dán nhãn “đặc thù”.
Cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng để phát triển mạnh mẽ những nội dung đặc thù, bảo đảm thu hút đầu tư, phát triển kinh tế về lĩnh vực dầu khí, đồng thời xác định các nội dung khác cần triển khai theo quy định chung của pháp luật.
Đối với vấn đề nêu trên, nhằm bảo đảm tính đặc thù trong điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí thượng nguồn theo quy định của Luật Dầu khí, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội theo hướng: các trường hợp khác nhau giữa Luật Dầu khí và luật khác về cùng một vấn đề cụ thể liên quan đến điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí sẽ được áp dụng Luật Dầu khí; bổ sung quy định về trường hợp luật khác ban hành sau ngày Luật Dầu khí có hiệu lực thi hành.
Tách bạch vai trò, tư cách của PVN
Một trong những nội dung thu hút sự quan tâm của các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên làm việc là vấn đề chức năng, quyền và nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trong điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí.
Theo đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường và một số đại biểu cho rằng, cần tách bạch rõ việc xem PVN là doanh nghiệp hay cơ quan quản lý Nhà nước theo đúng Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Liên quan đến nội dung trên, Ủy ban Kinh tế cũng đã tiếp thu một số ý kiến từ đại biểu Quốc hội đề nghị phân định rõ hai tư cách của PVN là nhà thầu độc lập và thực hiện nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao. Từ đó, chỉnh sửa dự án Luật theo hướng quy định cụ thể các chức năng, quyền, nghĩa vụ của PVN cũng như công tác phê duyệt việc sử dụng vốn của PVN và doanh nghiệp 100% vốn của PVN trong hoạt động dầu khí.
Đối với các ý kiến đề nghị làm rõ, phân nhiều quyền hơn cho Bộ Công thương là cơ quan quản lý chuyên ngành, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã rà soát, chỉnh sửa quy định về trách nhiệm quản lý Nhà nước về điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí; quy định về thẩm quyền của Bộ Công thương phê duyệt kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí theo hướng thống nhất với quy định về Bộ Công thương phê duyệt kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí, kế hoạch phát triển mỏ dầu khí.
Phát biểu ý kiến tại phiên làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: PVN là chủ lực, chủ công trong các vấn đề liên quan đến dầu khí, hoạt động dầu khí thượng nguồn. Vì vậy, cần rà soát, đánh giá thật kỹ lưỡng nhằm tránh phát sinh bất cập liên quan sau này, tránh rơi vào tình trạng “vướng mắc cũ chưa hết, đã lại có vướng mắc mới xuất hiện”.
Đánh giá cao công tác xây dựng, kỹ thuật lập pháp thể hiện qua dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo cần phối hợp các bên liên quan tăng cường các quy định về quản lý tổng hợp để khắc phục thực trạng cát cứ giữa các chủ thể như chủ mỏ tài nguyên; gắn kết chặt chẽ khu vực công-tư, liên ngành; đặt ra chiến lược, kế hoạch theo yêu cầu phát triển quốc gia gắn với sự chỉ đạo tập trung, thống nhất./.