Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Sớm hoàn thiện Luật Dầu khí (sửa đổi) và Luật Tần số vô tuyến điện

Hoàng Quý - 13:00, 03/06/2022

Sáng 3/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận tại Hội trường, nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Dầu khí (sửa đổi); Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

Quang cảnh phiên họp
Quang cảnh phiên họp

Còn nhiều rào cản trong lĩnh vực dầu khí

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết Luật Dầu khí hiện hành và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Dầu khí trong những năm qua đã tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành Dầu khí trong lĩnh vực tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.

Tuy nhiên, thời gian qua, hoạt động dầu khí cũng đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập tập trung vào các vấn đề như: Một số vấn đề thực tế phát sinh mang tính đặc thù của hoạt động dầu khí, nhưng chưa được quy định cụ thể bởi Luật Dầu khí và các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật, hoặc quy định chưa phù hợp với thực tiễn đã có những thay đổi; một số vấn đề được quy định trong Luật Dầu khí, nhưng chưa đồng bộ với các quy định pháp luật khác; một số vấn đề đang được quy định tại các văn bản dưới luật cần được quy định trong Luật Dầu khí, để nâng cao hiệu lực thi hành và bảo đảm tính đồng bộ, tương thích với các luật khác có liên quan.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trình bày Tờ trình của Chính phủ
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trình bày Tờ trình của Chính phủ

Theo đó, việc xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi) để thay thế Luật Dầu khí năm 1993, năm 2000, năm 2008 là hết sức cần thiết, nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.

Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) gồm 11 chương 64 điều. Theo đó, Luật Dầu khí (sửa đổi) kế thừa các điều khoản cơ bản của Luật Dầu khí hiện hành, bảo đảm tính ổn định, liên tục của các hợp đồng dầu khí, hiệp định đã ký kết; bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế. Nội dung của dự thảo Luật giải quyết 6 nhóm chính sách đã được Chính phủ trình Quốc hội thông qua (Nghị quyết số 17/2021/QH15).

Thẩm tra dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Dầu khí (sửa đổi) theo mục đích, quan điểm đã nêu tại Tờ trình của Chính phủ. Nội dung dự thảo Luật phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013; tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Hồ sơ dự án Luật cơ bản bảo đảm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Để bảo đảm hiệu lực thi hành của Luật sau khi được ban hành, Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát, hoàn thiện đồng bộ dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật và dự kiến danh mục các văn bản hướng dẫn khác cần ban hành.

Xây dựng hạ tầng số, đáp ứng yêu cầu phát triển số

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Chính phủ đã trình Quốc hội Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, kèm theo đầy đủ hồ sơ theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tờ trình Chính phủ gồm 4 phần: Sự cần thiết xây dựng Luật; Mục tiêu, quan điểm và yêu cầu xây dựng Luật; Quá trình xây dựng Luật; Bố cục và nội dung cơ bản của dự án Luật.

Mục tiêu của Luật là thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng về hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế thể kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh. Quan điểm của Luật là nhằm quản lý chặt chẽ, phân bổ hợp lý, hiệu quả quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông, thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông, góp phần tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trình bày Tờ trình
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trình bày Tờ trình

Bên cạnh đó là tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân trong việc sử dụng tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và hoạt động thông suốt của các hệ thống thông tin vô tuyến điện. Ngoài ra, dự án Luật còn nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý tần số vô tuyến điện, bảo đảm việc chấp hành và tuân thủ pháp luật của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng tần số vô tuyến điện.

Về phạm vi điều chỉnh, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, dự án Luật bảo đảm tính thống nhất với các Luật và Điều ước quốc tế có liên quan, trong đó bổ sung 3 điều, sửa đổi 15 điều, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số cụm từ tại một số điều để bảo đảm tính thống nhất trong toàn bộ dự án với những nội dung chủ yếu: Nhóm các vấn đề về quy hoạch băng tần, cấp giấy phép sử dụng tần số và chế tài xử lý vi phạm; nhóm vấn đề về khoản thu từ việc sử dụng tần số; sửa đổi quy định về đào tạo, cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên; nhóm vấn đề về kiểm tra, kiểm soát tần số vô tuyến điện, xử lý nhiễu có hại, đăng ký, phối hợp quốc tế về tần số, quỹ đạo vệ tinh và sử dụng tần số phục vụ mục đích quốc phòng an ninh; nhóm vấn đề về sửa đổi thẩm quyền quy định văn bản để phù hợp, thống nhất với các Luật có liên quan; Nhóm vấn đề về sửa các Luật có liên quan.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy nhấn mạnh: Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành với sự cần thiết ban hành và phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Ủy ban nhận thấy, hồ sơ dự án, tính hợp hiến, hợp pháp của dự án Luật về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định được sửa đổi, bổ sung, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật (như Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Xử lý vi phạm hành chính) và tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên (như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP).

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.