Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Phá rừng làm thủy điện - Cần xem xét thấu đáo

Thanh Huyền - 16:14, 18/11/2020

Mối quan hệ giữa thủy điện - phá rừng - sạt lở, lũ lụt…được các đại biểu phân tích, mổ xẻ tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV vừa qua. Vẫn còn rất nhiều ý kiến khác nhau, nhưng nhiều đại biểu thống nhất cho rằng, việc phá rừng làm thủy điện nhỏ cần được xem xét thấu đáo.

Phá rừng làm thủy điện - Cần xem xét thấu đáo
Công trình tủy điện có chức năng điều tiết lũ, nhưng khi mưa lớn, vùng hạ du đã ngập lụt, thủy điện vẫn buộc phải xả lũ về vùng thấp

Trong phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV mới đây, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đăk Lăk) kiến nghị đánh giá lại việc đầu tư các dự án thủy điện vừa và nhỏ tại các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung và cả các tỉnh miền núi phía Bắc. Việc phát triển ồ ạt các thủy điện vừa và nhỏ, trong đó có không ít các dự án kém hiệu quả, dẫn tới một số hậu quả như phá vỡ sinh kế và mất rừng.

Theo số liệu của Bộ Công thương, sau 8 năm liên tục (từ 2012-2019), Bộ đã phối hợp với UBND các tỉnh xem xét loại bỏ khỏi quy hoạch 8 dự án thủy điện bậc thang, 471 dự án thủy điện nhỏ và 213 vị trí tiềm năng thủy điện. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn cả nước vẫn còn 165 dự án đang thi công, với tổng công suất 3.348 MW; ngoài ra còn có 260 dự án với tổng công suất 3.050 MW đã được cấp phép nghiên cứu đầu tư…

“Trong thực tế, việc làm thủy điện vừa và nhỏ như vừa qua, là lợi bất cập hại, sông, suối cạn kiệt nước khi thủy điện tích nước và ngập úng khi xả nước. Nước sinh hoạt, nước phục vụ sản xuất đều thiếu. Các hồ thủy điện chưa phát huy được vai trò thủy lợi, điều tiết nước cho hạ lưu, trong khi rừng, cây rừng và các loại tài nguyên khác bị các chủ đầu tư khai thác triệt để. Nhiều cử tri cho rằng, thực chất của việc đầu tư thủy điện nhỏ là khai thác gỗ và tài nguyên một cách hợp pháp”, đại biểu Xuân nói.

Còn đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) cho rằng, nguy cơ sạt lở núi, bờ sông, bờ biển, lũ quét, lũ ống… một phần do diện tích rừng che phủ bị thu hẹp và đề nghị bố trí kinh phí hoặc có nghị quyết về di dời dân khỏi những nơi có nguy cơ ấy. Chính phủ cần thực hiện nghiêm túc việc đánh giá tác động môi trường, nhất là đối với các dự án liên quan đến việc thu hẹp, chuyển đổi đất rừng tự nhiên, đồng thời có giải pháp phù hợp, phải tính đến 30 năm, 50 năm để phục hồi và phát triển rừng tự nhiên.

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) đề nghị, phải quản lý, vận hành tốt hệ thống hồ, đập, kênh dẫn nước… ở các vùng khó khăn, vùng ngập lụt. Cụ thể, Chính phủ bố trí nguồn lực đầu tư công trung hạn kịp thời nâng cấp 1.200 hồ chứa, sửa chữa 200 hồ hư hỏng nghiêm trọng, có giải pháp phù hợp với 4.000 hồ do cấp huyện, xã đang quản lý.

Phá rừng làm thủy điện - Cần xem xét thấu đáo 1
Nhiều diện tích rừng tự nhiên sẽ biến mất khi xây dựng dự án nhà máy thủy điện

Trong khi đó, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) nhận định, nếu nói thủy điện là nguyên nhân của sự tàn phá trong đợt lũ lụt vừa rồi phải xem xét lại. Chính nhờ đập thủy điện sông Đà (Hòa Bình) điều tiết lũ nên Hà Nội tránh được các trận lụt lịch sử. Nhà máy thủy điện này cũng đã điều tiết nước rất tốt. Lũ lụt ở vùng Đồng bằng sông Hồng cơ bản được khắc phục, đó là mặt tốt của thủy điện.

Theo ông Vân, mặt trái của thủy điện là sự lạm dụng trong việc xây dựng các nhà máy thủy điện, lựa chọn địa điểm, quy trình, quy phạm kỹ thuật. Theo đại biểu Vân, nói đến thủy điện, các nhà chuyên môn phải nghĩ đến thủy công, thủy lực, tổ chức dòng chảy, phân nước để tránh thiệt hại cho nhân dân. Nhưng đáng tiếc một số chủ nhà máy thủy điện đã lạm dụng quy trình đấy để trục lợi thông qua phá rừng, nhằm lấy nguồn gỗ quý của rừng tự nhiên, đó là điều đáng lên án. Còn nếu như nói đến vai trò thủy điện, cộng với thủy lợi thì phải thấy được mặt tích cực của nó.

Giải thích về nguyên nhân gây nên mưa lũ và sạt lở đất ở miền Trung, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, hiện có nhiều ý kiến khác nhau; nhưng ông lưu ý đặc thù của địa chất khu vực này là kết cấu đất sét, mưa nhiều sẽ gây ra sạt lở. 

Thủ tướng nhấn mạnh, cần phải đánh giá đầy đủ toàn diện hơn để có biện pháp tối đa, thúc đẩy tăng trưởng xanh hơn, hạn chế tác động của con người, hạn chế lấy rừng, lấy đất. Đối với vấn đề phát triển thủy điện nhỏ, phải xem xét để hạn chế phá rừng, tới đây những công trình nào xây dựng liên quan đất rừng phải trình Quốc hội xin ý kiến.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.