Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nhà máy thủy điện Tiên Thuận gây sạt lở đất sản xuất: Cần được xử lý dứt điểm

Lê Phương - 09:50, 27/07/2020

Từ khi Nhà máy Thủy điện Tiên Thuận (thuộc Công ty CP Tiên Thuận) xả nước vận hành thì các hộ gia đình ở thôn Hòa Thuận, xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn (Bình Định) luôn phải sống trong thấp thỏm, âu lo; ruộng mất, vườn bị sụt lún. Người dân đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền đề nghị doanh nghiệp đền bù thiệt hại nhưng đơn vị này vẫn cố tình chây ì.

Nhà máy Thủy điện Tiên Thuận xả nước gây sạt lở nghiêm trọng đất nông nghiệp của người dân
Nhà máy Thủy điện Tiên Thuận xả nước gây sạt lở nghiêm trọng đất nông nghiệp của người dân

Mất đất vì thủy điện

Nhà máy Thủy điện Tiên Thuận được xây dựng trên dòng sông Côn, thuộc địa phận thôn Tiên Thuận, xã Tây Thuận (Tây Sơn). Theo thiết kế, Nhà máy không chỉ có nhiệm vụ cấp điện mà còn cung cấp nước tưới cho khoảng 1.000ha đất sản xuất nông nghiệp ở xã Tây Thuận. Thế nhưng, kể từ ngày đi vào vận hành (năm 2014) đến nay, hoạt động của nhà máy này đã ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. 

Bà Nguyễn Thị Đẹt (ở xóm 1, thôn Hòa Thuận) có gần 665m2 đất canh tác tại cánh đồng Soi Xum. Nhưng hiện đất sản xuất của gia đình bà đã bị Nhà máy Thủy điện xả nước cuốn trôi. 

“Trước khi Nhà máy xây dựng, vận hành thì gia đình tôi đều trồng đậu, ớt, bắp... tại mảnh đất này, mỗi năm thu về trên 60 triệu đồng. Bây giờ thì mất trắng đất, mất luôn cả sinh kế của gia đình”, bà Đẹt than thở.

Chung cảnh ngộ, gia đình bà Trần Thị Tuyết Sương có 600m2 đất sản xuất thì hiện đã mất hơn 300m2; diện tích còn lại cũng đang bị “gặm” từng ngày. 

“Cứ mỗi lần Nhà máy Thủy điện xả nước là từng mảng đất bị cuốn trôi. Gia đình đã viết đơn thư rất nhiều, gửi đến các cấp chính quyền, nhưng chỉ nhận lại sự im lặng của các cơ quan chức năng lẫn Ban Giám đốc Nhà máy”, bà Sương cho biết. 

Được biết, tháng 8/2019, người dân đã tiếp tục gửi đơn đến Ban Tiếp công dân tỉnh Bình Định. Nhưng xét theo thẩm quyền được giao, Ban Tiếp công dân tỉnh đã hướng dẫn người dân gửi đơn đến Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn để giải quyết. Tuy nhiên đến nay, vụ việc vẫn không có tiến triển.

Doanh nghiệp chây ì

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Chín, Chủ tịch UBND xã Tây Thuận xác nhận: Từ ngày Nhà máy Thủy điện Tiên Thuận đưa vào vận hành và khai thác, tình trạng sạt lở đất nông nghiệp, hoa màu của nhiều hộ dân tại thôn Hòa Thuận diễn ra ngày một nhiều hơn. Những năm qua, xã đã nhận được nhiều đơn thư khiếu nại của người dân. 

 “Chúng tôi đã đề nghị Công ty CP Tiên Thuận và các hộ dân phối hợp để đi thực tế đo đạc, kiểm đếm hoa màu bị thiệt hại. Công ty và người dân đã ký biên bản thỏa thuận thống nhất đền bù. Nhưng đến nay, không biết vì lý do gì mà Công ty vẫn chưa giải quyết, đền bù cho người dân”, ông Chín chia sẻ thêm.

Còn ông Trần Văn Lượng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tây Sơn cũng xác nhận, huyện đã nhận được báo cáo do UBND xã Tây Thuận gửi lên. Theo ông Lượng, Công ty CP Tiên Thuận đã có cam kết bồi thường, với tổng số tiền hơn 234 triệu đồng. Tới đây, huyện sẽ làm việc với doanh nghiệp, buộc họ phải chi trả tiền bồi thường cho người dân như đã cam kết.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, tỉnh chưa nhận được một kiến nghị nào của người dân về việc Nhà máy Thủy điện Tiên Thuận xả nước gây sạt lở đất nông nghiệp; UBND huyện Tây Sơn cũng chưa có báo cáo.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.