Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Phá rừng để bán đất - thực trạng đáng báo động ở Tây Nguyên

Văn Yên - Lê Thuận - 19:42, 28/07/2022

Thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung, đã liên tiếp xảy ra các vụ phá rừng quy mô lớn, phức tạp, mục đích lấn chiếm đất sản xuất nông nghiệp hoặc rao bán nhằm thu lợi bất chính.

Thời gian qua, trên địa bàn Lâm Đồng liên tiếp xảy ra các vụ phá rừng
Thời gian qua, trên địa bàn Lâm Đồng liên tiếp xảy ra các vụ phá rừng

Nóng tình trạng phá rừng tràn lan

Trong bối cảnh thị trường bất động sản sôi động như hiện nay, hàng loạt vụ phá rừng, lấn chiếm đất xảy ra liên tiếp trên địa bàn TP. Đà Lạt và các huyện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Với phương thức thủ đoạn khác nhau như; dùng khoan vào thân cây rồi đổ thuốc trừ sâu, khiến cây chết dần, chết mòn. Ngoài ra, để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, các đối tượng phá rừng còn sử dụng cưa chạy bằng pin, lén lút cưa gần đứt gốc cây thông để cây vẫn đứng, khi gió lên cây mới đổ hàng loạt.

Theo tìm hiểu, đất tại các khu vực rừng thông TP. Đà Lạt và các vùng phụ cận có giá trị rất cao, mục đích của đối tượng phá rừng, không phải để lấy gỗ mà lấy đất để sản xuất nông nghiệp. Nếu không có nhu cầu về đất sản xuất, các đối tượng sẽ rao bán lại. Mỗi ha đất rừng bán trót lọt có thể thu lợi từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Vì vậy, nhiều cánh rừng ở Lâm Đồng trở thành miếng "mồi" béo bở cho cánh “lâm tặc”.

Một vụ phá rừng gây xôn xao dư luận vào cuối tháng 3/2022, xảy ra tại tiểu khu 613, xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng, thuộc lâm phần do Doanh nghiệp tư nhân Anh Hải quản lý. Diện tích rừng ở đây bị phá gần 2 ha; khối lượng lâm sản thiệt hại gần 95,2 m3. Sau khi triệt hạ cây rừng, các đối còn dùng xe múc san gạt đất, làm đường trái phép ngay trong rừng.

Sau khi phá rừng các đối tượng còn san gạt đất, mở đường ngay trong rừng
Sau khi phá rừng các đối tượng còn san gạt đất, mở đường ngay trong rừng

Liên quan đến vụ phá rừng trên, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh, kiểm điểm, xem xét trách nhiệm của các cấp chính quyền tại địa phương, các ban quản lý rừng phòng hộ, ban quản lý rừng đặc dụng, các công ty nông, lâm nghiệp, các cá nhân trong công tác quản lý rừng và đất rừng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, giữa tháng 4/2022, địa bàn Lâm Đồng liên tiếp phát hiện các vụ phá rừng như, vụ cưa hạ 38 cây thông tại Tiểu khu 270, thuộc đối tượng rừng sản xuất, địa giới hành chính thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, số lượng gỗ thông bị thiệt hại 11,6 m3 trên diện tích khoảng 1.300 m2. Tiếp đó, vụ phá rừng xảy ra tại khoảnh 1, tiểu khu 74, lâm phần do Ban quản lý rừng phòng hộ Sêrêpốk quản lý, thuộc xã Đạ Long, huyện Đam Rông; cơ quan chức năng xác định có 12 cây gỗ thuộc nhóm VI, đã bị triệt hạ nằm rải rác trên diện tích 810 m2, khối lượng lâm sản bị thiệt hại 6,3 m3.

Quan sát hiện trường cho thấy, các đối tượng đã sử dụng cưa máy để cắt hạ cây rừng nhằm chiếm đất để lập vườn sản xuất. Quanh khu vực này, nhiều khoảnh rừng cũng bị cưa hạ, cây rừng đang mục, phân huỷ nhưng vẫn còn ở hiện trường. Hai vụ phá rừng trên đang được Hạt kiểm lâm địa phương phối hợp với Cơ quan công an truy tìm đối tượng vi phạm.

Trước đó, nhiều vụ phá rừng nhỏ, lẻ xảy ra trên địa bàn Tp.Đà Lạt, các huyện trên địa bàn Lâm Đồng. Các đối tượng khi bị bắt quả tang tại hiện trường đều khai nhận, phá rừng nhằm mục đích lấn chiếm đất sản xuất nông nghiệp. Đến nay, có vụ chưa tìm ra được thủ phạm.

Giáp Lâm Đồng là tỉnh Đắk Lắk cũng “nóng” về tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất, đặc biệt mới đây vụ phá hơn 380 ha tại tiểu khu 205, thuộc xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp (Đắk Lắk) gây thiệt hại hơn 1.000 m3 gỗ. Hiện Công an tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định khởi tố vụ án điều tra xác minh các đối tượng phá rừng và làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm. Gia Lai cũng vừa khởi tố vụ án hình sự vụ phá hơn 5.800 m2 rừng ở tiểu khu 275 thuộc xã Ia Bă, huyện Ia Grai.

Cây rừng bị đốt cháy đen tại hiện trường nhằm phi tang
Cây rừng bị đốt cháy đen tại hiện trường nhằm phi tang

Đóng cửa nhưng rừng vẫn mất

Thời gian qua, rất nhiều văn bản của Chính phủ chỉ đạo về công tác quản lý, bảo vệ rừng của các tỉnh Tây Nguyên đã được ban hành; nhiều giải pháp bảo vệ rừng đã được đặt ra. Tuy nhiên, nhiều cánh rừng ở 5 tỉnh Tây Nguyên vẫn bị “cọc trọc” không thương tiếc.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã chỉ đạo UBND tỉnh Lâm Đồng, đã thành lập Ban Chuyên án tập trung điều tra các đối tượng đầu nậu, băng đảng chuyên tổ chức phá rừng, lấn chiếm đất rừng, mua bán, sang nhượng đất rừng trái phép tại các địa phương; đồng thời làm rõ hành vi để xử lý nghiêm cán bộ cấu kết, tiếp tay cho vi phạm.

UBND tỉnh Lâm Đồng cũng chỉ đạo UBND các huyện, xã tiến hành giải tỏa các khu vực rừng bị lấn chiếm để trồng lại rừng trong thời gian sớm nhất. Dù vậy, các vụ phá rừng vẫn tiếp diễn.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, tổng số vụ vi phạm về rừng trong quý I/2022 là 51 vụ, trong đó 37 vụ đã xác định được đối tượng vi phạm và 14 vụ chưa xác định đối tượng vi phạm. Diện tích rừng bị phá là 2,79 ha, thiệt hại 239,3 m3 lâm sản. Đã xử lý 47 vụ, trong đó xử lý hành chính 44 vụ, xử lý hình sự 3 vụ, tịch thu 84,4 m3 gỗ tròn/xẻ các loại.

Riêng trong tháng 4/2022, địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã phát 36 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, trong đó 30 vụ đã xác định đối tượng vi phạm và 6 vụ chưa xác định đối tượng vi phạm; diện tích rừng bị phá 10,01 ha (tăng 488% so với tháng 3/2022), lâm sản thiệt hại 182,2. Tổng số vụ đã xử lý 18 vụ; trong đó: xử lý hành chính 14 vụ, chuyển xử lý hình sự 4 vụ; tịch thu 12,21 m3 gỗ tròn/xẻ các loại.

Các đối tượng ngang nhiên treo bảng bán đất rừng ở Lâm Đồng
Các đối tượng ngang nhiên treo bảng bán đất rừng ở Lâm Đồng

Từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã có chủ trương đóng cửa rừng. Tuy nhiên, trên thực tế là, càng đóng, rừng lại càng mất. Ðây là một nghịch lý đang diễn ra trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Điều khiến dư luận băn khoăn là, những năm gần đây rừng bị phá nhiều, tăng cả tính chất, quy mô và thủ đoạn,nhưng đáng lo ngại hơn, ngoài những đối tượng phá rừng là bọn đầu nậu, thì vẫn có những cá nhân, đơn vị vốn được Nhà nước giao trách nhiệm bảo vệ, phát triển rừng lại tham gia phá rừng.


Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.