Ngày 2/6, Nhận được tin báo của người dân, Phóng viên (PV) đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường rừng khộp bị cắt hạ. Theo ghi nhận của PV, các cây rừng bị cưa hạ này phần lớn đã bị đưa đi khỏi hiện trường. Số cây còn lại có vết cắt khá mới và được cắt thành từng đoạn để chuẩn bị đưa đi khỏi rừng theo con đường mòn mới được mở.
Nơi xảy ra vụ phá rừng cách trụ sở UBND xã Ia Mơ khoảng 7km về hướng Đông Nam, phạm vị cây rừng bị cưa hạ khoảng 2 - 3ha. Các cây bị cưa đa phần là cây gỗ dầu có đường kính từ 20 đến 35cm, chiều cao khoảng 5 - 6m, số gốc cây vừa bị cưa hạ còn nằm tại rừng có khoảng 100 gốc.
Tìm hiểu về công tác quản lý, bảo về rừng tại địa phương, trao đổi với PV, ông Ngô Ngọc Tiến - Chủ tịch UBND xã Ia Mơ, cho biết: Tôi đang đi học, trên địa bàn thời gian qua không xảy ra vụ phá rừng nào(?)
Bảo vệ rừng tại khu vực biên giới ngoài lực lượng chính là kiểm lâm, biên phòng cùng các lực lượng khác đứng chân trên địa bàn đóng vai trò quan trọng. Vì vậy, việc rừng khộp bị phá nát thì lực lượng chức năng ở đâu? Khu vực rừng vừa bị chặt phá tại xã biên giới Ia Mơ đang do ai quản lý, số lượng cây rừng bị phá là bao nhiêu, tổ chức hay cá nhân nào liên quan đến vụ phá rừng này?
PV Báo Dân tộc và Phát triển sẽ tiếp tục tìm hiểu để thông tin đến bạn đọc.