Ngang nhiên phá rừng chiếm đất
Vượt gần 100 cây số, ngày 15/4 chúng tôi có mặt tại Tiểu khu 1391, thuộc lâm phần quản lý của Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai - chi nhánh Đắk Lắk (Công ty Tân Mai). Giữa trưa nắng như đổ lửa, hàng chục người vẫn chặt cây, dọn dẹp, đốt cháy biến đất rừng thành nương rẫy, một số diện tích cây cà phê, điều đã thay thế cây rừng. Bên cạnh những khoảnh đất bị chặt phá, đốt nham nhở là rừng lồ ô, cây bụi thuộc dự án trồng rừng sản xuất.
Đang dùng máy phát dọn tại một vị trí thuộc tiểu khu 1391, anh Y.T.L trú buôn Jie Juk, xã Đắk Phơi, huyện Lắk thản nhiên nói: “gia đình không có đất sản xuất nên vào đây mượn ít sào phát đốt để trồng khoai mì (cây sắn)”. Nhưng chúng tôi hỏi tên người cho mượn đất, thì anh Y.T.L lại nói không biết người cho mượn đất tên gì, ở đâu.
Đi sâu vào rừng đến tiểu khu 1392, chúng tôi bắt gặp một nhóm gần chục người, người chặt những cây còn sót lại, người gom những cây đã chặt châm lửa đốt để chuẩn bị gieo trồng. Tại đây, nhóm cán bộ bảo vệ rừng của Công ty Tân Mai cũng có mặt, họ cố gắng vận động nhóm người dân nói trên dừng việc phá rừng, vì đây là đất rừng nhà nước giao cho công ty quản lý phục vụ trồng rừng.
Không những không dừng tay, nhóm người dân còn trả lời đối phó “mình không có tên”, rồi đáp trả, “cán bộ đi làm thì có nhà nước trả lương chứ dân không phá rừng thì lấy gì ăn”. Phớt lờ cán bộ bảo vệ rừng, nhóm người này tiếp tục di chuyển lên ngọn đồi đã bị phá trước đó tiếp tục dọn dẹp, đốt.
Bà H’Binh Liêng, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Phơi nhận định, nhiều khả năng mục đích của việc phá rừng nói trên để lấy đất sản xuất. Toàn xã có tới hơn 85% dân số là người đồng bào DTTS tại chỗ. Tập quán của đồng bào xưa nay là phát rừng làm nương rẫy.
“Những năm qua, xã thường xuyên tuyên truyền, phát động, ký cam kết hàng năm với người dân về việc bảo vệ rừng. Nhưng do không có đất canh tác, đặc biệt sau khi đại dịch Covid-19 xảy ra, người lao động ở các tỉnh trở về quê, không có thu nhập nên mới xảy ra tình trạng phá rừng như vậy. Điều này cũng dẫn đến công tác quản lý, bảo vệ rừng của địa phương gặp rất nhiều khó khăn", bà H’Binh Liêng cho biết thêm.
Chủ rừng ... bất lực
Ngoài diện tích rừng thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai - chi nhánh Đắk Lắk quản lý, hàng chục héc ta rừng thuộc quản lý của UBND Đắk Phơi cũng bị phá, lấn chiếm làm nương rẫy.
Ngày 6/4, đoàn kiểm tra của Cục Kiểm lâm đã phối hợp với Chi cục kiểm lâm Đắk Lắk, Hạt Kiểm lâm huyện Lắk, UBND xã Đắk Phơi và Công ty Tân Mai, đã lập biên bản kiểm tra tình trạng phá rừng trái pháp luật trên địa bàn xã Đắk Phơi, huyện Lắk.
Theo đó, đoàn kiểm tra xác định, diện tích rừng bị phá là 74,6 ha, thuộc lâm phần do Công ty Tân Mai và UBND xã Đắk Phơi quản lý, thuộc địa giới hành chính xã Đắk Phơi. Trong đó, lâm phần do Công ty Tân Mai quản lý bị phá tổng diện tích 63,7ha, trạng thái rừng tự nhiên le, lồ ô xen một vài cây thân gỗ, thuộc quy hoạch rừng sản xuất. Diện tích rừng bị phá này thuộc các tiểu khu 1391, 1392 và 1400.
Tại thời điểm kiểm tra, Công ty Tân Mai cung cấp 44 biên bản kiểm tra tình trạng lấn chiếm đất từ ngày 13/2/2022 đến 27/3/2022, với diện tích đã kiểm tra là 62,9ha tại các tiểu khu 1392, 1400. Đồng thời, xác định ban đầu được một số đối tượng liên quan, công ty đã báo cáo và bàn giao hồ sơ cho UBND xã. Theo đoàn kiểm tra, các biên bản kiểm tra chưa xác định được ranh giới diện tích, hiện trạng cụ thể nên cần thiết lập hồ sơ, điều tra xác định đối tượng vi phạm, để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Tân Mai, Chi nhánh Đắk Lắk cho biết, từ đầu tháng 2/2022 đến nay, lực lượng bảo vệ của Công ty Tân Mai nhiều lần phát hiện người dân địa phương, tổ chức theo nhóm từ 10-25 người vào rừng được giao của Công ty Tân Mai chặt phá, phát dọn, chiếm đất làm nương rẫy. Công ty Tân Mai đã nhiều lần phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức họp tuyên truyền, vận động người dân nhưng không hiệu quả.
Lực lượng bảo vệ của Công ty Tân Mai cũng nhiều lần lập biên bản hiện trường, lập các hồ sơ báo cáo, có danh sách một số đối tượng chặt phá, lấn chiếm đất gửi UBND xã, Công an xã và các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, đến nay chưa có vụ việc nào được xử lý dứt điểm nên tình trạng dân phá rừng, chiếm đất vẫn diễn ra và ngày càng phức tạp.
Điển hình, năm 2021 công ty vừa trồng xong 6,3ha rừng, người dân kéo nhau lên nhổ hết. Biết công ty chuẩn bị trồng rừng, tập kết 100.000 cây giống keo lai ở bờ suối, người dân kéo 60-70 người phá toàn bộ cây giống, đập phá Trạm bảo vệ rừng của công ty.
Giải quyết từ gốc
“Chúng tôi không muốn xảy ra xô xát với người dân, nên mỗi khi phát hiện các vụ việc vi phạm, lực lượng bảo vệ rừng của công ty lập hồ sơ báo cáo UBND, Công an xã hỗ trợ, đồng thời báo cáo UBND huyện, Hạt Kiểm lâm, Công an huyện xử lý theo quy định. Điệp khúc, lực lượng chức năng đến thì dân rút về, khi lực lượng chức năng về người dân lại quay lại đốt, phá rừng, lấn chiếm đất lặp đi lặp lại”, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết.
Ông Tuấn cho rằng, một mình đơn vị chủ rừng không thể bảo vệ được rừng, mà cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trước hết, lực lượng chức năng, địa phương cần làm rõ vấn đề người dân thiếu đất sản xuất, giải quyết được câu chuyện đất sản xuất cho người dân để họ đảm bảo cuộc sống. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền vận động, phổ biến về Luật Lâm nghiệp, Luật Đất đai, giữ đất giữ rừng cho người dân.
Liên quan đến vụ phá rừng trên địa bàn, ông Nay Y Phú, Chủ tịch UBND huyện Lắk cho biết, sau khi nắm được thông tin, UBND huyện đã và đang chỉ đạo cho các phòng, ban, cơ quan liên quan phối hợp với Công an huyện, UBND xã Đắk Phơi và đơn vị chủ rừng tiến hành kiểm tra, rà soát, đánh giá đúng tình hình việc phá rừng. Sau đó, báo cáo UBND huyện để có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.