Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Pêtapot, thẳm sâu phía đại ngàn… Gieo niềm tin nắng vàng (Bài cuối)

Khánh Nguyên - 16:36, 16/09/2022

Lần này, tôi trở lại Pêtapot theo chuyến đi thiện nguyện của cán bộ đoàn, cách lần đi trước chỉ chưa đầy một tháng. Anh Bùi Thế Anh - Bí thư Huyện đoàn Nam Giang (Quảng Nam) nói, đây là đợt tình nguyện lần thứ 5 được tổ chức tại Pêtapot trong khoảng 2 năm gần đây. Nhiều công trình được kết nối và vận động hỗ trợ, niềm tin như được gieo trong nắng vàng, giúp cụm dân cư này có thêm “màu sáng” của ngọn lửa yêu thương.

Nhiều chuyến tình nguyện của đoàn hướng về Pêtapot
Nhiều chuyến tình nguyện của đoàn hướng về Pêtapot

Căn nhà xây... lịch sử

Vẫn phải băng qua những đèo dốc hiểm trở. Nhưng lần này, khó khăn gấp nhiều lần so với chuyến đi trước. Hàng chục thanh niên địa phương rồng rắn nối tiếp bước chân ngược núi, về làng. Xe máy được ưu tiên thồ vật liệu. Nhưng qua các ngầm suối, công việc trung chuyển được giao cho các thành viên đoàn. Trên vai họ lúc này, là những bao gạch, bao xi măng, khung sắt và hàng chục tấm tôn được khuân vác, khiến bước đi trở nên khó nhọc.

Anh Kring Phiếu - Bí thư Xã đoàn Đắc Pring (Nam Giang) nói, gần như chuyến đi nào lên Pêtapot anh em đoàn viên, dân quân tự vệ của xã cũng đều có mặt. Khi thì cõng vật liệu xây dựng, lúc tham gia san đắp nền nhà, làm đường, đưa nước sinh hoạt về… Bởi thế, Pêtapot với họ, không còn quá xa như cách đây hơn chục năm trước.

Gần đến trưa, nắng hầm hập tràn khắp lưng đồi. Nhưng cả đoàn người và xe đều cố gắng hết… công suất để nhanh chóng đưa vật liệu tập kết tại vị trí an toàn, đề phòng trời mưa có thể khiến xi măng “bị chết”. Kring Phiếu động viên anh em gắng sức, hoàn thành kế hoạch chuyến đi trong ngày. “Đợt đi trước, anh em đã san xong mặt bằng để dựng nhà cho hộ Kring Gióng. Anh này neo đơn, vợ mất cách đây 2 năm, theo phong tục, Gióng không được phép đưa nhà cũ về dựng tại làng, nên phải ở tạm nhà rẫy” - Kring Phiếu kể.

Nền móng nhà xây đầu tiên tại Pêtapot hỗ trợ Kring Gióng đang dần hoàn thiện.
Nền móng nhà xây đầu tiên tại Pêtapot hỗ trợ Kring Gióng đang dần hoàn thiện.

Bí thư Huyện đoàn Nam Giang - Bùi Thế Anh ngồi bên cạnh tôi, xác nhận câu chuyện Phiếu vừa kể. Anh nói, đó là tập tục nên rất khó thay đổi trong một sớm một chiều. Vậy là tìm hướng khác. Cũng may, chuyến đi trước có nhà hảo tâm đi cùng. Nghe hết câu chuyện, nên đồng ý hỗ trợ tôn, cùng một vài vật liệu phụ khác. Rồi tiếp tục vận động, chỉ chưa đầy một tháng, Bùi Thế Anh và cộng sự đã có đủ điều kiện triển khai dựng nhà mới cho Kring Gióng.

Vài ngày trước, một nhóm thanh niên của xã Đắc Pring được huy động trở lại Pêtapot đào móng, xây nền nhà trên diện tích hơn 40m2. “Ít hôm nữa, Huyện đoàn sẽ tổ chức chuyến đi lần thứ 3 để hoàn tất các khâu còn lại. Phấn đấu hoàn thành căn nhà trước mùa mưa bão năm nay, giúp Kring Gióng có chỗ ở ổn định. Sau thời gian vận động và tuyên truyền, mới đây người làng cũng đã đồng ý cho di dời nhà cũ của Kring Gióng về. Sau khi hoàn thành nhà mới, sườn gỗ nhà cũ sẽ được tận dụng làm căn nhà bếp” - anh Bùi Thế Anh chia sẻ.

Nếu hoàn thành sớm, đây sẽ là ngôi nhà xây đầu tiên tại Pêtapot. Vì thế, suốt thời gian thợ đến xây nền, cả người làng đều đến xem, vẻ đầy thích thú. Kring Gióng cũng có mặt, nói trước giờ chưa nghĩ sẽ có ngày được ở trong căn nhà mới. Kể từ khi vợ qua đời, Kring Gióng ngày đêm làm bạn với rượu. Năm ngoái, từ sự động viên của chính quyền xã, Gióng đưa con xuống trọ học ở nhà người thân, nên đã bớt rượu chè. Lâu lâu kiếm được vài con cái, con chuột, Kring Gióng đều dành lại, cuối tuần nhờ ai đó gửi cho đứa con dưới trung tâm xã cải thiện bữa ăn.

Những năm gần đây, người dân được hỗ trợ nhu yếu phẩm, dụng cụ sản xuất, sinh hoạt... ổn định cuộc sống
Những năm gần đây, người dân được hỗ trợ nhu yếu phẩm, dụng cụ sản xuất, sinh hoạt... ổn định cuộc sống

Kring Gióng chỉ mới bước qua tuổi 36, nhưng gương mặt khắc khổ khiến nhiều người lầm tưởng anh đã ngoài 50 mùa rẫy. Cả đời chưa bước khỏi cổng làng, nên mọi thứ với anh đều rất mơ hồ. “Ngay cả nhà ở, nếu không có đoàn thanh niên hỗ trợ, thằng Gióng nó lấy gì mà làm” - bà Kring Ngớ, mẹ Gióng nói trong lúc chia tay đoàn tình nguyện. Trên gương mặt của mẹ con Kring Gióng, niềm vui đang dần hiện hữu.

“Thắp lửa” biên cương

Buổi sáng một ngày cuối tuần, Trưởng phòng Văn hoá Thông tin huyện Nam Giang Trần Ngọc Hùng gửi tôi bức hình chụp tại Pêtapot cách đây tròn 15 năm trước. Bức ảnh được chụp trong chuyến anh tham gia đoàn thiện nguyện vào năm 2007. Anh Hùng nói, đó là chuyến tình nguyện đầu tiên được tuổi trẻ địa phương phối hợp tổ chức, kể từ khi Pêtapot được… phát hiện. Khi ấy, anh đang là Bí thư Chi đoàn cơ quan Văn phòng Huyện ủy, góp mặt triển khai các hoạt động thắp sáng vùng biên.

Đợt đó, ngoài hỗ trợ xây dựng nhà ở, khai hoang ruộng lúa nước, đưa nước sạch về làng… đoàn tình nguyện còn tặng những chiếc máy tua-bin giúp Pêtapot có thêm năng lượng thắp sáng. Cũng chuyến đi này, cơ duyên Y Khánh gặp được anh Hùng. Mang niềm ước của cô gái trẻ, lúc về huyện, anh Hùng đã hỗ trợ làm giúp hồ sơ để Y Khánh được tiếp tục đến trường, trở thành cán bộ địa phương, như bây giờ.

Nụ cười của một cụ bà Giẻ Triêng ở làng Pêtapot khi có khách ghé thăm
Nụ cười của một cụ bà Giẻ Triêng ở làng Pêtapot khi có khách ghé thăm

Anh Hùng nói, nhiều năm trở lại đây, Pêtapot luôn là địa chỉ ưu tiên của địa phương trong việc kết nối, kêu gọi hỗ trợ các chương trình thiện nguyện. Con em ở làng cũng được quan tâm, tạo điều kiện đến trường học tập. Duy chỉ có điều, vị trí của làng quá xa, nên đường mới chưa được mở, đồng nghĩa với việc Pêtapot vẫn còn nhiều khó khăn. “Nhưng thật may, ở Pêtapot vẫn còn có nhiều đứa trẻ ham học. Nhiều em sau khi bước chân ra khỏi làng đã trở thành cán bộ nhà nước, làm giáo viên, nhân viên bảo vệ rừng. Đó là điểm sáng, mà anh em chúng tôi hay nói đùa rằng sẽ mở ra cơ hội… đổi đời cho người dân Pêtapot. Thật mong vậy!” - anh Hùng bộc bạch.

Tôi vừa trở ra từ Pêtapot, nhưng vẫn không thể quên cảm giác dội nước suối lúc vừa đặt chân đến làng. Một nguồn nước sạch vừa được kéo về, từ hỗ trợ của các nhà hảo tâm. Một luống rau được trồng bên cạnh, hình ảnh ấy rất lạ trong ký ức của nhiều người khi đến với ngôi làng giữa thung lũng mù sương giáp biên giới Việt - Lào cách đây hơn chục năm trước. Và, bất ngờ hơn, cũng trong đêm đầu tiên ở lại, khi ánh đèn điện rực sáng, lấp lánh trong màn sương phủ mờ. Kring Dưỡng - một thanh niên ở làng nói với tôi, đó là ánh sáng được tự động phát ra từ những chiếc đèn năng lượng mặt trời. Gần một năm trước, những chiếc đèn năng lượng này được lắp đặt từ chương trình thiện nguyện tuổi trẻ địa phương.

Nhưng, nhiều hơn cả, với người làng chính là tháng ngày được “khai trí” bằng lớp học và những con chữ đầu tiên được truyền đạt bởi chiến sĩ biên phòng. Miệt mài cắm bản, nhiều lớp trẻ được nuôi dưỡng, tạo điều kiện chắp cánh ước mơ, mang niềm tin cho cộng đồng về những đổi thay đang đợi chờ phía trước.

Mùa thu hoạch đậu, người dân Pêtapot dành dụm tiền để lo cuộc sống và cho con ăn học
Mùa thu hoạch đậu, người dân Pêtapot dành dụm tiền để lo cuộc sống và cho con ăn học

Sáng sớm hôm sau, chúng tôi thức giấc bởi tiếng lao xao của người làng. Thì ra, một nhóm phụ nữ ngồi sàng rổ đậu đen, kịp gửi nhờ người mang xuống trung tâm xã để bán. Họ nói, cả làng vừa mới thu hoạch xong mùa đậu, số tiền bán được sẽ dành cho đứa con nhập học. Chừng như tất cả niềm tin của người dân Pêtapot đều được gửi gắm vào những đứa-con-của-thần-rừng. Khi những “viên thuốc của bộ đội” được mang đến và chữa lành bệnh cho dân làng, những đợt cúng ma rừng đã không còn xuất hiện. Một Pêtapot xa xôi, cách trở nhưng thật bình yên giữa trời mây của dải biên cương xanh thắm…

Tin cùng chuyên mục
Ông Vi Văn Sơn, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An: Tăng cường công tác tham mưu quản lý, điều hành tổ chức hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Ông Vi Văn Sơn, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An: Tăng cường công tác tham mưu quản lý, điều hành tổ chức hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Thực hiện giai đoạn I: từ 2021-2025 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế-xã hội, cơ sở hạ tầng... Ông Vi Văn Sơn, Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển về thành quả, định hướng trong công tác điều hành, quản lý, tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình MTQG 1719 trong giai đoạn tiếp theo.