Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Pêtapot, thẳm sâu phía đại ngàn… Như hạt lúa nảy mầm trên đá (Bài 2)

Khánh Nguyên - 14:33, 15/09/2022

Riêng với người dân Pêtapot, tôi ví hành trình “lột xác” của họ như hạt lúa nảy mầm trên đá, đầy gian nan và khắc nghiệt. Đằng sau câu chuyện tưởng chừng “không có lối thoát” ấy là những mảnh ghép mới mẻ và thú vị đang dần hiện hữu, ở nơi này.

Y Khánh (bên phải) trong đợt về thăm quê
Y Khánh (bên phải) trong đợt về thăm quê

Nhưng, đó không phải là sự đổi thay về diện mạo. Pêtapot vẫn nghèo… như cũ với những dãy nhà tôn mái xập xệ. Mà sự “lột xác” đang đến từ những mầm xanh, với ước mơ con chữ được kỳ vọng sẽ làm đổi thay những ngày cũ, ở làng…

Chuyện của Y Khánh

Thật tình cờ, trên đường ngược núi vào Pêtapot, chúng tôi gặp Y Khánh, một cô gái trẻ người Giẻ Triêng vừa “bước chân ra khỏi làng”. Y Khánh là con của bà Y Kiêng, sau thời gian đi học đã lấy chồng ở thôn Xóm 10 (xã Đắc Tôi, huyện Nam Giang, Quảng Nam). Chồng chị là nhân viên bảo vệ rừng, thời gian không lên núi tuần tra, anh ở nhà phụ vợ bán thêm tạp hóa, quán cà phê nên cuộc sống khá ổn.

Ở Pêtapot, Y Khánh được xem như tấm gương vượt khó trong hành trình đi tìm con chữ. Cô gái 30 tuổi này, là người đầu tiên của làng có tấm bằng đại học. Đó là năm 2016, lúc Y Khánh mới tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm lịch sử (Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng). Còn bây giờ, Y Khánh đã là cán bộ Ban Tuyên giáo Huyện ủy, vừa đậu trong đợt thi tuyển công chức cách đây chưa lâu.

Tôi nhận tin vui của Y Khánh ngay thời điểm rời làng Pêtapot được ít ngày, nên càng khâm phục ý chí và nghị lực của chị. Hồi mới gặp Y Khánh tại làng, tôi ấn tượng ngay với cô gái có đôi mắt sáng và cách nói chuyện lôi cuốn khi kể về hành trình theo đuổi con chữ. Gian khó hơn cả cuộc di cư đói khát kéo dài suốt nhiều ngày đường đi bộ trong rừng sâu, khởi hành từ Kon Tum về định cư tại Pêtapot của người làng. Năm 1998, Kon Tum gọi họ về. Nhưng ở đâu được hơn 3 năm, thì quay trở lại chốn cũ. Không muốn dở dang việc học của con, ông Kring Thôi (cha Y Khánh) lúc đó đành gửi tạm con ở nhà người thân nhờ cậy trông nom chuyện học hành.

Bà Y Kiêng cùng đứa cháu ngoại bà chăm sóc từ nhỏ
Bà Y Kiêng cùng đứa cháu ngoại bà chăm sóc từ nhỏ

Năm 2006, khi Y Khánh học hết cấp 2, chị theo chân gia đình về Pêtapot. Hồ sơ, học bạ mang theo nhưng đến khi xin nhập học lớp 10 tại Nam Giang thì lại không được. Nhà trường nói chị chưa có hộ khẩu tại địa phương theo quy định. Vậy là đành gác lại chuyện học mất 1 năm. “Ở nhà, em khóc miết. Lúc đó, em nghĩ chắc mình hết cơ hội được đi học. Nên rất buồn” - Y Khánh nói. Đúng lúc bà Y Kiêng, mẹ Khánh bước ra từ dưới bếp. Nghe câu chuyện của con, bà góp lời: “Nó thích học lắm. Nên mỗi lần có cán bộ xã, huyện đến đây nó đều tâm sự, nhờ giúp đỡ”.

“Rồi làm sao được nhập học trở lại?”. “Phải mất 1 năm ở nhà. Em nhớ năm đó, có đoàn thanh niên đến làm chương trình tình nguyện. Em tâm sự ước nguyện của mình với anh Trần Ngọc Hùng, lúc đó là Phó Bí thư Huyện đoàn, nay là Trưởng phòng Văn hoá Thông tin huyện. Sau đó, chính anh Hùng đã giúp em làm hồ sơ nhập học” - Y Khánh chia sẻ. Rồi Y Khánh trúng tuyển đại học. Năm đó, Y Khánh cũng vừa lấy chồng và hạ sinh em bé. Không muốn bỏ học, chị gửi đứa con cho mẹ, rồi khăn gói xuống Đà Nẵng theo đuổi ước mơ. Chính sự quyết tâm và lòng ham học đã giúp Y Khánh vượt qua mọi gian khó nhất cuộc đời, trở thành người đầu tiên của cụm dân cư Pêtapot có tấm bằng đại học hệ chính quy.

Ngưỡng vọng của làng

Mưa dần ngớt. Sương chiều bảng lảng như tràn xuống vòm lá nhà sàn. Cả bà Y Kiêng, Y Khánh và đứa con trai ngồi quanh sạp nứa, chẻ từng khúc mía rẫy vừa ăn vừa chuyện trò. Tôi nhắc đến Y Khâu, em gái Y Khánh vì đã rất lâu không gặp khiến bà Y Kiêng bất ngờ. Nhiều năm trước, tôi biết Y Khâu lúc chị đang theo học tại Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật và du lịch Quảng Nam. Năm đó, Y Khâu cũng mới nhập trường, sau thời gian chăm cháu để chị gái đi học. “Ra trường trung cấp xong, nó học lên cao đẳng, rồi đại học. Bây giờ làm giáo viên mầm non. Lấy chồng ở Tiên Phước và dạy học ở đó luôn. Lâu lâu mới về thăm. Bên đó, gia đình cũng rất ổn” - Y Khánh nói về người em gái của mình với niềm tự hào.

Người dân Pêtapot rất hiếu khách, mang sản vật mình có đến tặng khách đến chơi
Người dân Pêtapot rất hiếu khách, mang sản vật mình có đến tặng khách đến chơi

Tôi nghe bà Y Kiêng kể, cũng phải mất 1 năm ở nhà, Y Khâu mới đi học trở lại. Khoảng thời gian đó, Khâu “nhường suất” cho chị, ở nhà thay chị chăm cháu. “Y Khâu cũng thích học lắm. Ở nhà lúc nào cũng thấy nó buồn. Biết chuyện nên sau đó, nin (mẹ) động viên Khâu làm hồ sơ học trung cấp, để cháu ở nhà cho nin chăm sóc” - bà Y Kiêng nói. Bà Y Kiêng có tất cả 4 người con, đều rất chăm học. Thời điểm cả 2 chị gái xuống phố học, vì hoàn cảnh quá khó khăn nên Y Khiến (con gái thứ 3 của bà Y Kiêng) phải nghỉ học, rồi lấy chồng. Hai vợ chồng dắt xíu nhau xuống tận nhà chị gái ở xã Đắc Tôi để có điều kiện cho con đến trường, cũng là để giúp Y Khánh phụ bán quán tạp hóa. Còn Kring Tran Khương (con trai út của bà Y Kiêng), sau khi tốt nghiệp THPT, xin làm nhân viên bảo vệ rừng, chăm lo cuộc sống cho mẹ.

Chồng mất năm 2009, một mình bà Y Kiêng phải làm lụng để nuôi cả 4 người con. Cũng đã hơn mười mấy năm trời. Bây giờ nhìn lại, bà Y Kiêng nói, mình đã làm xong bổn phận của một người mẹ nên không còn bận tâm điều gì nữa. Chỉ duy nhất bà trăn trở, là cuộc sống của người làng quá nhiều gian khó, điều kiện gần như trống không khiến trẻ em phải đi học xa nhà theo diện gửi nhờ nhà bà con tại trung tâm xã, khó khăn vô cùng. Trong niềm ước của bà Y Kiêng và cả dân làng Pêtapot, chỉ mong có đường, có điện và cả trường học. Bởi đó là ngưỡng vọng để thoát khỏi “bóng đen” mù chữ, tiếp nối tinh thần và nghị lực của Y Khánh, Y Khâu và nhiều người khác nữa đã “bước chân ra khỏi làng”, trở thành người có ích cho cộng đồng xã hội.

“Không để con khổ như mình”

Buổi sáng ngày cuối cùng ở làng, cô gái Giẻ Triêng tên Y Dược vội vã thu xếp tư trang, gạo và ít đồ ăn chuẩn bị xuống núi. Y Dược nói, hôm nay phải xuống trường xã để làm hồ sơ cho đứa con thứ 2 nhập học. Con đầu của chị, năm nay lên lớp 4, được gửi nhờ tại nhà người thân ở thôn 48 (xã Đắc Pring) để có điều kiện học tập.

Mẹ con Y Dược bên căn nhà sàn, trước lúc rời làng xuống trung tâm xã làm hồ sơ nhập học cho con
Mẹ con Y Dược trong căn nhà sàn, trước lúc rời làng xuống trung tâm xã làm hồ sơ nhập học cho con

Y Dược nói, chồng chị là Moong Văn Phúc, dân tộc Khơ Mú, quê ở huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Hai người gặp nhau trong một chuyến vào rừng kiếm mây, rồi ở lại luôn tại Pêtapot. Gần 2 năm nay, anh Phúc được nhận vào làm nhân viên bảo vệ rừng nên ít khi ở nhà. Công việc gia đình, vì thế dựa vào một tay chị gánh vác. Nhiều năm nay, gia đình nằm trong diện hộ nghèo nên con của Y Dược được nhà trường lo ăn từ thứ 2 đến thứ 6. Còn lại, gần như cuối tuần nào chị cũng phải xuống núi phụ con giặt giũ, nấu nướng, động viên con học tập.

“Đời mình đã khổ rồi, nên đời con cháu không thể khổ như mình được nữa. Vì thế, dù khó khăn đến mấy cũng phải ráng làm lụng, kiếm tiền để con được đi học, biết chữ sau này về giúp làng, giúp gia đình” - Y Dược cười hiền, rồi lật đật xin đi cùng xe máy của đoàn thiện nguyện sắp sửa rời làng. Trong ánh mắt của cô gái trạc tuổi 30 này, niềm vui lấp lánh hệt như ngày đứa con mang tấm giấy khen về, cách đây ít tháng…

Tin cùng chuyên mục
Ông Vi Văn Sơn, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An: Tăng cường công tác tham mưu quản lý, điều hành tổ chức hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Ông Vi Văn Sơn, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An: Tăng cường công tác tham mưu quản lý, điều hành tổ chức hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Thực hiện giai đoạn I: từ 2021-2025 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế-xã hội, cơ sở hạ tầng... Ông Vi Văn Sơn, Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển về thành quả, định hướng trong công tác điều hành, quản lý, tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình MTQG 1719 trong giai đoạn tiếp theo.