Châu Âu là khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới (164.030.078 ca), tiếp theo là châu Á (124.453.028 ca), tiếp đến là Bắc Mỹ (95.630.385 ca) và Nam Mỹ (55.134.152 ca). Châu Phi (11.614.399 ca) và châu Đại Dương (4.117.134 ca) là 2 khu vực có số ca mắc ít nhất.
Tại châu Á, do sự lây lan nhanh của biến thể Omicron, số ca mắc COVID-19 theo ngày ở Trung Quốc đại lục trong tuần qua đã vượt mức 1.000 ca, lần đầu tiên kể từ khi bùng phát dịch năm 2020, đặc biệt đáng chú ý nếu so với mức chưa đến 100 ca/ngày của trước đó 3 tuần.
Trong khi đó, Ủy ban Quốc gia Lào về phòng, chống COVID-19 cùng ngày cho biết nước này đang phải đối mặt với làn sóng bùng phát dịch thứ 3 trong bối cảnh biến thể Omicron lan rộng. Theo ủy ban trên, mặc dù số ca mắc COVID-19 tại Lào trong thời gian qua ở mức khá thấp, đôi khi dưới 200 ca/ngày, tuy nhiên sự gia tăng số các ca nhiễm biến thể Omicron, đặc biệt là tại thủ đô Viêng Chăn, có thể khiến Lào phải đối mặt với làn sóng bùng phát dịch mới.
Từ ngày 21-31/3 tới, Thái Lan sẽ triển khai chiến dịch tiêm chủng cho người cao tuổi, với mục tiêu khoảng 70% người cao tuổi sẽ được tiêm vaccine ngừa COVID-19 trước dịp Tết cổ truyền Songkran. Số liệu của Bộ Y tế Thái Lan cho thấy nước này có 12 triệu người cao tuổi và chỉ 4 triệu người trong số đó, tương đương 31%, được tiêm liều vaccine thứ 3 tính đến ngày 9/3.
Tại châu Âu, Đức ghi nhận số ca nhiễm mới COVID-19 ở mức cao nhất với 245.342 ca, tiếp theo là Anh (72.828 ca), Pháp (72.399 ca),… Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach ngày 11/3 cảnh báo nước này đang rơi vào tình trạng “y tế nguy cấp” mới, khi số ca mắc COVID-19 theo ngày liên tiếp ghi nhận “kỷ lục buồn”. Trong khi đó, theo quy định phòng dịch mới, Pháp sẽ bãi bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang trong không gian kín, ngoại trừ trên các phương tiện giao thông công cộng và các cơ sở y tế. Hộ chiếu vaccine cũng được dỡ bỏ tại hầu hết các sự kiện công cộng trong không gian kín, trừ bệnh viện, nhà dưỡng lão.
Tại châu Mỹ, theo số liệu cập nhật mới nhất về mức độ lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố ngày 10/3, chỉ 2% dân số nước này, tương đương khoảng 7 triệu người, đang sinh sống ở những vùng mà CDC khuyến nghị đeo khẩu trang trong không gian kín. Trong khi đó, gần 73% dân số Mỹ được cho là sinh sống tại những vùng có tỉ lệ lây nhiễm thấp trong cộng đồng, những vùng mà CDC không đưa ra khuyến nghị về đeo khẩu trang. CDC cho biết dữ liệu này có thể giúp các vùng của Mỹ đưa ra quyết định và các biện pháp phù hợp trong phòng chống dịch COVID-19. Số liệu thống kê về mức độ lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng của CDC dựa trên 3 yếu tố gồm số ca nhập viện mới, số ca mắc mới và sức chứa của bệnh viện.
Tại châu Đại Dương, trong những ngày gần đây, số lượng ca nhiễm mới bệnh COVID-19 tại Australia đã tăng vọt lên tới vài chục nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày. Các chuyên gia Australia lo ngại, biến thể BA.2, hay còn gọi là "biến thể tàng hình", có khả năng lây nhiễm cao hơn so với bản gốc, cũng như sự đe dọa xuất hiện của các biến thể đáng lo ngại khác./.