Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 80,56 triệu ca mắc và gần 973.000 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 4.400 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 27/2, nước này ghi nhận tổng cộng trên 42,9 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 513.700 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19.
Từ ngày 27/2, thủ đô New Delhi của Ấn Độ đã chấm dứt tất cả các biện pháp hạn chế được áp dụng để phòng chống dịch COVID-19. Động thái trên diễn ra sau khi dữ liệu của Chính phủ nước này cho thấy, làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron gần đây đã giảm. Nhà chức trách vùng thủ đô New Delhi đã quyết định dỡ bỏ lệnh giới nghiêm ban đêm và cho phép các quán ăn hoạt động hết công suất phục vụ. Các địa điểm tôn giáo cũng được phép mở cửa trở lại. Trường học sẽ áp dụng giảng dạy trực tiếp từ ngày 1/4 tới, trong khi mức phạt đối với người không đeo khẩu trang cũng được giảm xuống.
Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với gần 649.000 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 28,74 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất ( UAE) đã tuyên bố nới lỏng một số quy định phòng dịch trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 ở nước này giảm mạnh. Quy định đeo khẩu trang tại nơi công cộng ngoài trời và yêu cầu cách ly bắt buộc đối với các trường hợp tiếp xúc gần với ca mắc COVID-19 vừa được dỡ bỏ .
Theo quy định mới, du khách đã tiêm đủ mũi vaccine phòng COVID-19 sẽ không cần xét nghiệm PCR khi nhập cảnh vào UAE. Trong các lĩnh vực kinh tế và du lịch, quy định giữ khoảng cách cũng được bãi bỏ, nhưng người dân và du khách vẫn phải thực hiện đeo khẩu trang bắt buộc tại địa điểm công cộng trong nhà. Abu Dhabi cũng dỡ bỏ yêu cầu xét nghiệm PCR đối với những người đến từ các tiểu vương quốc khác.
Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Indonesia, ông Luhut Binsar Pandjaitan hôm 27/2 thông báo, bắt đầu từ ngày 14/3, Chính phủ Indonesia sẽ triển khai chương trình thí điểm miễn cách ly đối với du khách quốc tế đến hòn đảo nghỉ dưỡng Bali với một số điều kiện nhất định.
Phát biểu trong buổi họp báo trực tuyến, Bộ trưởng Panjaitan cho biết, chương trình thí điểm có thể được triển khai trước ngày 14/3 nếu Chính phủ Indonesia nhận thấy diễn biến tích cực trong tuần tới khi số ca mắc mới COVID-19 ở Bali tiếp tục giảm.
Theo ông Panjaitan, du khách nước ngoài sẽ phải xuất trình chứng nhận thanh toán tiền đặt phòng khách sạn trong ít nhất 4 ngày nếu muốn đến Bali, trong khi những người Indonesia từ nước ngoài đến Bali cần cung cấp bằng chứng về nơi ở trên hòn đảo này. Ngoài ra, du khách quốc tế muốn đến Bali cũng phải được tiêm chủng đầy đủ hoặc được tiêm mũi vaccine tăng cường, bên cạnh yêu cầu thực hiện xét nghiệm PCR khi nhập cảnh và chờ kết quả xét nghiệm âm tính tại khách sạn.
Singapore đã báo cáo 14.228 trường hợp COVID-19 mới được xác nhận vào ngày 27/2, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên gần 700.000. Trong số các trường hợp mắc mới, 2.364 người được phát hiện thông qua xét nghiệm PCR (phản ứng chuỗi polymerase) và 11.864 qua xét nghiệm ART (xét nghiệm nhanh kháng nguyên), theo thống kê của Bộ Y tế Singapore. Tổng số 1.553 ca bệnh hiện đang được điều trị tại bệnh viện, với 46 bệnh nhân ở khoa hồi sức tích cực.
Ngày 27/2, 8 người tử vong do COVID-19 đã được báo cáo tại quốc gia Đông Nam Á này, nâng số bệnh nhân qua đời lên 999 người.
Cùng ngày, Indonesia đã xác nhận 34.976 trường hợp COVID-19 mớ, nâng tổng số lên trên 5,53 ca. Số người tử vong vì COVID-19 đã tăng 229 ca trong ngày 27/2, tổng cộng 148.073 người đã thiệt mạng vì virus SARS-COV-2 tại nước này. Trong khi đó, thêm 39.384 người được báo cáo đã hồi phục sau đại dịch trong 24 giờ qua, nâng tổng số bệnh nhân được cứu chữa lên 4.817.423 người ở quốc gia Đông Nam Á này.
Chính phủ Indonesia đang đẩy nhanh các chương trình tiêm chủng quốc gia để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Hơn 190,67 triệu người trên cả nước đã được tiêm liều vaccine đầu tiên, trong khi hơn 143,77 triệu người đã tiêm mũi thứ hai. Indonesia bắt đầu tiêm chủng hàng loạt vaccine ngừa COVID-19 vào tháng 1/2021 sau khi các nhà chức trách nước này phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine Sinovac của Trung Quốc.
Cơ quan y tế của Nhật Bản cho biết đã có đầy đủ dữ liệu về hiệu quả và tính an toàn của vaccine ngừa COVID-19 đối với trẻ em từ 5 - 11 tuổi. Nước này đã bắt đầu triển khai tiêm vaccine cho trẻ em ở lứa tuổi này. Những trẻ em có bệnh lý nền như béo phì hay tim mạch được khuyến khích cần sớm tiêm phòng để ngăn chặn tình trạng chuyển biến nặng trong trường hợp mắc COVID-19.
Từ ngày 26/2, Nhật Bản đã bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi, vaccine được sử dụng là vaccine Pfizer, mỗi người sẽ tiêm 2 mũi cách nhau 3 tuần. Để tránh nhầm lần, các lọ vaccine tiêm cho trẻ trong lứa tuổi này sẽ có nắp màu cam, phân biệt với lọ có nắp màu tím tiêm cho người từ 12 tuổi trở lên. Đối với trẻ em lứa tuổi này, các chuyên gia y tế cho rằng, nếu bị các bệnh lý nền như béo phì, hen suyễn hay tim mạch thì càng nên tiêm sớm, tránh tình trạng bệnh chuyển biến nặng trong trường hợp mắc COVID-19.
Làn sóng dịch COVID-19 thứ 5 tại đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) đang rất nghiêm trọng. Ngày 27/2, hòn đảo này ghi nhận 26.026 ca nhiễm COVID-19 mới, mức cao chưa từng thấy từ khi dịch bùng phát, và 83 người tử vong. Trước đó, ngày 26/2, Hong Kong báo cáo 17.063 ca mắc mới. Cục trưởng Cục Thực phẩm và Y tế Trần Triệu Thủy cho biết, dịch bệnh vẫn chưa lên đỉnh điểm, quy mô của làn sóng lần này là "chưa từng có" và cảnh báo, số ca nhiễm sẽ tăng theo cấp số nhân trong thời gian tới.
Số ca mắc tăng nhanh do biến thể Omicron đã gây sức ép lên các cơ sở y tế và cần đến sự trợ giúp từ Trung Quốc đại lục. Nhà chức trách Hong Kong đã kêu gọi người dân hạn chế ra đường, không tụ tập đông người để giảm lây lan. Trước đó, đặc khu hành chính này đã siết chặt các biện pháp kiểm soát như phát hành giấy thông hành vaccine, yêu cầu người dân đeo khẩu trang khi tập thể dục ngoài trời, không được bỏ khẩu trang để ăn uống trên các phương tiện giao thông công cộng.
Do nguy cơ lây nhiễm cao ở Hong Kong, chính quyền đặc khu đã cho phép những người xét nghiệm nhanh dương tính với virus SARS-CoV-2 đưa kết quả lên hệ thống trực tuyến mà không cần xác nhận bằng xét nghiệm PCR. Ngoài ra, nhà chức trách cũng cho phép sử dụng kết quả xét nghiệm nhanh để rút ngắn thời gian cách ly đối với những người tiếp xúc gần với người mắc COVID-19. Cụ thể, người đã tiêm ít nhất 2 mũi vaccine, có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính vào ngày thứ 6 và thứ 7 liên tục có thể được rời khỏi cơ sở cách ly.
Theo ông Khổng Phồn Nghị, thành viên của Ủy ban chuyên gia về vaccine ngừa COVID-19 của Hong Kong, làn sóng dịch bệnh thứ 5 có thể đạt đỉnh vào đầu hoặc giữa tháng 3, với số ca nhiễm khoảng 20.000 - 30.000 ca/ngày. Ông cho biết, 90% số ca tử vong hiện nay là người chưa tiêm vaccine, đặc biệt là người cao tuổi, đồng thời nhấn mạnh, chìa khóa để chống virus là tiêm vaccine mũi thứ 3 để tạo ra nhiều kháng thể hơn và giảm nguy cơ bệnh chuyển nặng.
Trong khi dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron, còn gọi là "Omicron tàng hình", tiếp tục lây lan nhanh tại nhiều nước, các nhà khoa học đã tập trung nghiên cứu nhiều hơn về dòng phụ này và mối liên hệ với dòng chính (đầu tiên) BA.1. Mới đây, chuyên trang khoa học Nature.com dẫn một nghiên cứu cho rằng, việc nhiễm biến thể Omicron dòng chính BA.1 sẽ cung cấp miễn dịch trước dòng phụ BA.2.
Theo nghiên cứu này, khi đã nhiễm dòng BA.1 của biến thể Omicron, khả năng miễn nhiễm trước dòng phụ BA.2 của biến thể này cũng rất cao. Dòng phụ BA.2 đang ngày càng lây lan rộng. Các kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, BA.2 khó có thể gây ra một làn sóng dịch bệnh lớn trong những cộng đồng cư dân đã trải qua làn sóng dịch do dòng BA.1 gây ra. Nghiên cứu được đăng trên medRxiv và chưa qua đánh giá chéo.
Kể từ khi biến thể Omicron được phát hiện từ tháng 11/2021, dòng BA.1 đã nhanh chóng trở thành biến thể gây bệnh chủ đạo ở hầu hết các khu vực trên thế giới. Tuy nhiên, trong vài tuần trở lại đây, số lượng các ca mắc mới do nhiễm dòng phụ BA.2 bắt đầu tăng. Cả hai dòng này đều được cho là đã hình thành từ khoảng 1 năm trước, tức là vài tháng trước khi được các nhà khoa học phát hiện ra.
Do hai dòng này có những khác biệt gene đáng kể nên các nhà khoa học bắt đầu nghiên cứu liệu việc nhiễm BA.1 có giúp tăng khả năng miễn dịch trước BA.2 hay không. Hồi đầu tháng 2 này, các nhà nghiên cứu cũng đã phát hiện ra BA.2 lây lan nhanh hơn BA.1 và nghiên cứu ở chuột cho thấy, dòng này có thể gây bệnh nặng hơn BA.1, làm dấy lên lo ngại về làn sóng dịch bệnh tiếp theo./.