Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nước sạch chỉ để dự phòng - Chuyện khó tin ở Quảng Ninh

Thiên An - 21:05, 12/10/2021

Hiện nay, ở một số địa bàn của tỉnh Quảng Ninh vẫn còn rất nhiều hộ dân chưa mặn mà với việc sử dụng nguồn nước máy và giữ thói quen sử dụng nước giếng khoan, nước khe… Trên thực tế, không ít nguồn nước ngầm đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ gây hại đến sức khỏe của con người.

Dù lắp đặt đường ống dẫn nước sạch từ năm 2016, nhưng đến nay hộ bà Hà Thị Ninh vẫn giữ thói quen dùng nước mưa và giếng khoan
Dù lắp đặt đường ống dẫn nước sạch từ năm 2016, nhưng đến nay hộ bà Hà Thị Ninh vẫn giữ thói quen dùng nước mưa và giếng khoan

Dân chưa mặn mà với nguồn nước sạch!

Hơn 9 tháng nay, kể từ khi lắp đặt ống dẫn nước sạch về tận nhà, gia đình bà Phạm Thị Liên, thôn Trại Mới A, xã Bình Khê, thị xã Đông Triều chỉ sử dụng khoảng 4 khối nước sạch. Bà Liên cho biết, khi nước máy kéo về thôn, gia đình bà và các hộ trong thôn đều đăng ký lắp đặt đồng hồ. phòng khi nguồn nước giếng bị cạn kiệt thì mới dùng nước sạch.

Tương tự, gia đình bà Hà Thị Ninh ở thôn 3, xã Cẩm Hải, TP. Cảm Phả, đã lắp đặt đường ống dẫn nước sạch từ năm 2016, nhưng đến nay mới chỉ dùng hết vài số (khối) nước; 3 tháng gần đây (tháng 6 - 8/2021) gần như gia đình không dùng. Giải thích về lý do không dùng nước máy, bà Ninh cho rằng: “Nhiều năm nay, gia đình tôi cũng như hàng xóm sử dụng nước giếng khoan và nước mưa thấy vẫn ổn, không ảnh hưởng gì về sức khỏe. Nguồn nước máy chúng tôi để dự trữ, khi nào hết nước mưa thì mới chuyển sang dùng nước máy để tiết kiệm chi phí”.

Theo thống kê của Xí nghiệp Nước Cẩm Phả (Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh), từ tháng 1 - 8/2021, xã Cẩm Hải, mỗi tháng có 130 - 200 khách hàng không sử dụng nước máy; xã Cộng Hòa, mỗi tháng có 30 - 50 khách hàng không sử dụng nước máy.

Ở xã Bình Khê, thị xã Đông Triều cũng trong tình trạng tương tự. Năm 2020, Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh đầu tư hơn 4,2 tỷ đồng, kéo hơn 6.000m ống dẫn nước sạch đến 141 hộ dân ở 3 thôn: Đông Sơn, Trại Mới A, Trại Thông. 

Trước khi đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, phần lớn người dân xã đã đầu tư bể lắng, máy lọc, hệ thống thu gom, lọc nước mưa… phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày. Sau này, do thói quen sinh hoạt, nhiều hộ dân ở đây vẫn sử dụng song song nước giếng khoan và nước máy, dẫn đến tỷ lệ đấu nối sử dụng nước sạch cao, nhưng thực tế sản lượng tiêu thụ nước sạch lại rất thấp.

Trạm cấp nước sạch xã Bình Khê, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh
Trạm cấp nước sạch xã Bình Khê, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh

Cần thay đổi thói quen dùng nước giếng

Cuối tháng 8/2021, Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh phối hợp với một số Trạm Y tế xã, phường ở Uông Bí, Đông Triều tiến hành kiểm tra, phân tích chất lượng nguồn nước đang sử dụng trong sinh hoạt và ăn uống của các hộ dân ở đây. 

Kết quả, hầu hết các mẫu xét nghiệm, các chỉ số về chất lượng nước đều không đạt. Như ở xã Bình Khê (thị xã Đồng Triều), có 9/9 mẫu không đạt về chỉ tiêu hàm lượng mangan, chỉ tiêu hàm lượng Clo dư. Các chuyên gia khuyến cáo sử dụng nguồn nước bị nhiễm mangan lâu dài sẽ gây nhiễm độc, giảm trí nhớ, giảm khả năng vận động tay và mắt…

Để thay đổi nhận thức, thói quen của người dân, nâng cao tỷ lệ sử dụng nước sạch, tháng 4/2021, Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh đã yêu cầu các xí nghiệp nước rà soát hiện trạng, bằng cách "đi từng ngõ, gõ từng nhà" thu thập thông tin khách hàng, rà soát nhu cầu, tuyên truyền vận động người dân đấu nối sử dụng nước sạch.

Theo thống kê của Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh, hiện tỷ lệ cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh đối với khu vực đô thị đạt 92%, khu vực nông thôn đạt 65,7%. Dự kiến năm 2021, Công ty tiếp tục đầu tư gần 383 tỷ đồng nâng cao công suất cấp nước tại một số nhà máy nước trên địa bàn.

Các công trình cấp nước sạch có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhất là đối với khu vực nông thôn, miền núi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, điều kiện KT-XH còn nhiều khó khăn so với các đô thị. Nước sạch không chỉ đáp ứng cho nhu cầu của các hộ gia đình, mà còn cung ứng kịp thời cho các trường học, trạm y tế, các cơ sở công cộng... Tuy nhiên, việc người dân chưa mặn mà với sử dụng nước sạch, không chỉ khiến nguồn lực đầu tư bị lãng phí, mà về lâu dài sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.

Ông Trần Mạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh, cho biết: Chiến lược phát triển kinh doanh của Công ty luôn hướng tới mục tiêu, đưa nước sạch đến nhiều vùng nông thôn để cấp nguồn nước bảo đảm chất lượng, song song với lợi nhuận doanh thu. Các công trình nước sạch nông thôn hiện vốn đầu tư 100% của Công ty. 

"Thực tế, một số công trình nước sạch nông thôn khi đưa vào hoạt động chưa phát huy hết công suất, hiệu quả sau đầu tư. Lãng phí nhất, là tình trạng người dân được gắn đồng hồ nước nhưng không sử dụng hoặc dùng rất ít", ông Mạnh chia sẻ.

Để nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thay đổi thói quen dùng nước giếng, chuyển sang dùng nước sạch, để bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng sống.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.