Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Phóng sự

Nữ đại biểu dân cử của đồng bào Thái ở Yên Khê

Nguyễn Thanh - 14:41, 01/03/2023

Từ Tổ trưởng Tổ du lịch cộng đồng bản Nưa đến Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng xã Yên Khê, Đại biểu HĐND huyện Con Cuông khóa XX nhiệm kỳ 2021 -2026, chị Lô Thị Hoa chưa bao giờ nguôi nhiệt huyết và trách nhiệm vì sự phát triển của bản làng, quê hương.

Chị Lô Thị Hoa sửa soạn đón khách lưu trú tại nhà
Chị Lô Thị Hoa tự tay sửa soạn các phòng để đón khách lưu trú tại nhà

“Du lịch đã thay đổi con người tôi”

Tâm sự với chúng tôi, chị Hoa bộc bạch: Du lịch đã làm thay đổi con người tôi, từ nhận thức và hành động. Du lịch cho tôi được mở mang kiến thức, được gặp gỡ nhiều người và du lịch còn cho tôi thu nhập.

Hành trình đến với du lịch của chị Hoa thật tình cờ. Ấy là năm 2011, khi huyện Con Cuông có chủ trương xây dựng thành Đô thị sinh thái du lịch. Ở thời điểm ấy, chị được giao nhiệm vụ là Tổ trưởng Tổ du lịch cộng đồng bản Nưa, xã Yên Khê.

Không thể hình dung hết những khó khăn trong buổi đầu như thế nào. Từ một người ít ra khỏi bản làng, lại bắt tay làm cái nghề mà “chưa có tiền lệ”, nên cả Tổ du lịch cộng đồng bản Nưa đầy băn khoăn, lo lắng.

Nhưng với quyết tâm cao để thoát nghèo, để có việc làm ổn định ngay chính trên bản làng, chị Hoa và các thành viên của Tổ đã không ngừng học hỏi. Từ những khóa tập huấn, tham quan đến sách báo… đã từng bước giúp các thành viên của Tổ vững tin hơn trên con đường làm du lịch của mình.

Du khách trải nghiệm gói bánh với đồng bào Thái ở bản Nưa
Du khách trải nghiệm gói bánh với đồng bào Thái ở bản Nưa

Vừa làm vừa học hỏi, nay điểm du lịch ở bản Nưa đã “ra tấm ra món”. Đến với bản Nưa, du khách không những được thưởng thức những món ăn truyền thống của người Thái, được tìm hiểu phong tục tập quán của họ, mà còn được thưởng thức các làn điệu dân ca Thái cùng với tiếng cồng chiêng, tiếng kèn ngân vang, được hòa mình trong các trò chơi dân gian như ném còn, nhảy sạp, múa Lăm vông... Ngoài ra, còn cùng với người dân địa phương trải nghiệm thực tế một số hoạt động, như tham quan bản làng người Thái, cấy lúa, gặt lúa, bắt cua, xúc cá…

Các chị “hút khách” về núi rừng bản Nưa thế nào? - Tôi hỏi, thì chị Hoa hồ hởi: Chúng tôi đã liên kết với các công ty du lịch trong nước và ngoài nước, kết hợp truyền thông, quảng bá du lịch trên các trang truyền hình, mạng xã hội. Chính vì điều ấy mà du lịch cộng đồng bản Nưa đã bắt đầu có tiếng, được nhiều người biết đến.

Mấy năm gần đây, bao tin vui cứ thế dồn dập đến với bà con bản Thái nơi đây. Năm 2018, điểm du lịch cộng đồng, sinh thái bản Nưa đã được UBND tỉnh Nghệ An công nhận điểm du lịch cấp tỉnh. Năm 2020, Tổ du lịch đã thành lập HTX, lấy tên là HTX Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng xã Yên Khê do chị Hoa làm Giám đốc. Đến năm 2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh công nhận sản phẩm “HTX Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng xã Yên Khê” đạt chuẩn OCOP 3 sao theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm.

Trải qua 12 năm đồng hành với nghề du lịch, đến nay HTX của chị Hoa đã thực sự là “chủ thể” của điểm du lịch cộng đồng, đã biến các khe suối, nhà sàn nơi núi rừng bản Nưa thành các cơ sở vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng khang trang với các hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc của người Thái ở Con Cuông. Chỉ tính riêng năm 2022, đã có hơn 3.000 lượt khách đến tham quan du lịch, cho tổng thu nhập trên 400 triệu đồng, hỗ trợ giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho hơn 30 người dân địa phương.

Đắm say trong nhữngtiết mục ca múa mang đậm bản sắc người Thái
Những cô gái Thái nhịp nhàng, uyển chuyển trong những điệu múa mang đậm bản sắc truyền thống

Nữ đại biểu của đồng bào Thái

Chúng tôi đã đi qua nhiều bất ngờ, khi tìm hiểu về mô hình du lịch cộng đồng ở bản Nưa. Một trong những bất ngờ lớn ấy là câu chuyện của nữ đại biểu dân cử Lô Thị Hoa. Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026, chị Lô Thị Hoa được Nhân dân tin tưởng bầu làm đại biểu HĐND huyện Con Cuông khóa XX, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Sẻ chia về lý do làm người đại biểu dân cử, chị Hoa nhỏ nhẹ: Mình muốn đem tiếng nói, ý kiến đại diện của đồng bào DTTS đến với các cơ quan chức năng thôi. Mà những ý kiến phản ánh, tâm tư ấy chính là quyền lợi của bà con bản Nưa đấy.

Để xứng đáng với niềm tin của Nhân dân và cũng là trách nhiệm của người đại biểu, chị Hoa đã tích cực tham gia các hoạt động của Hội đồng Nhân dân tại nơi bầu cử, tham dự đầy đủ các cuộc tiếp xúc cử tri, các cuộc giám sát; tích cực phát biểu trong các phiên thảo luận, chất vấn tại các kỳ họp HĐND huyện, kịp thời phản ánh những tâm tư, nguyện vọng của cử tri đến các cơ quan có thẩm quyền.

Chị Hoa bộc bạch: Tôi thấy đường nội bản và nội đồng ở bản Nưa chưa đẹp, vẫn còn trâu bò phóng uế và cỏ ven đường mọc lung tung. Với trách nhiệm của một người dân và của người đại biểu, tôi đã kiến nghị tỉnh hỗ trợ xi măng để người dân xây dựng. Đích thân đồng chí Chủ tịch tỉnh khi về thăm, đã hứa hỗ trợ bà con xi măng để làm đường. Ai cũng phấn khởi lắm.

Nghề dệt thổ cẩm ở bản Nưa
Phụ nữ bản Nưa đã ý thức việc giữ gìn nghề dệt thổ cẩm truyền thống, qua đó thu hút khách du lịch trải nghiệm

Rồi chị nói tiếp: Để làm du lịch hiệu quả cũng như gìn giữ bản sắc văn hóa đồng bào, tôi đã kiến nghị phục dựng nghề mây tre đan và dệt thổ cẩm của đồng bào Thái đấy. Những sản phẩm này, đã được liên kết để bao tiêu và thành điểm tham quan du lịch khiến bà con rất hào hứng.

Mô hình du lịch cộng đồng bản Nưa đã được một chuyên gia Nhật Bản dịch sang tiếng Nhật làm tài liệu quảng bá du lịch tại Nhật và ứng dụng cho mô hình các tỉnh, thành khác tại Việt Nam cách đây mấy năm. Cùng với sự tâm huyết, trách nhiệm của “người đứng mũi” Lô Thị Hoa, thì đó sẽ là cơ hội rất tốt để quảng bá hình ảnh du lịch Nghệ An ra với thế giới. Để một tương lai không xa, cùng với các điểm du lịch cộng đồng khác, Con Cuông sẽ xây dựng thành công đô thị sinh thái du lịch.

Tin cùng chuyên mục
Gian nan cuộc chiến chống mối cho cây chè Suối Giàng

Gian nan cuộc chiến chống mối cho cây chè Suối Giàng

Dù đã có những nỗ lực được triển khai trong hàng chục năm qua, những cây chè shan tuyết cổ thụ tại xã Suối Giàng (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) vẫn đang phải oằn mình chống chịu sự tấn công ngày một mạnh mẽ của loài mối. Không ít cây đã bị tàn phá đến mức chết khô dù cho tuổi đời đã lên tới hàng trăm năm. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới sinh kế của bà con đồng bào dân tộc thiểu số đang sống dựa vào cây chè, mà còn đe dọa sự tồn vong của một trong những vùng chè hiếm có bậc nhất của cả nước.