Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Nữ cán bộ đoàn tích cực vận động đồng bào DTTS thay đổi nếp nghĩ cách làm

Thanh Phong - Nguyễn Phú - 06:12, 12/11/2023

Là những nữ cán bộ Đoàn ở các xã vùng sâu, vùng xa, bằng nhiệt huyết, sức trẻ, khát khao được cống hiến, có tinh thần trách nhiệm, Lô Thị Đài Trang, dân tộc Thái, Bí thư Đoàn xã Yên Hòa, huyện Tương Dương, Nghệ An và Cháng Thị Sen, dân tộc Nùng, Phó Bí thư Đoàn xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang đã có nhiều đóng góp cho cộng đồng, góp sức xây dựng quê hương.

Lô Thị Đài Trang trao quà cho các em nhỏ điểm trường Tiểu học ở bản Yên Hương
Lô Thị Đài Trang trao quà cho các em nhỏ điểm trường Tiểu học ở bản Yên Hương, xã Yên Hòa

Phát triển du lịch cộng đồng gắn với giảm nghèo

Thuộc thế hệ 9X, Lô Thị Đài Trang là một trong những nữ cán bộ đoàn trẻ, nhưng quyết đoán, chững chạc, luôn cố gắng tìm tòi, nghiên cứu nhiều chương trình, sáng kiến hay, ý nghĩa, áp dụng hiệu quả vào thực tế địa phương.

Gắn bó với công tác Đoàn 8 năm qua, với sức trẻ, nhiệt huyết, Lô Thị Đài Trang, Bí thư Đoàn xã Yên Hòa, huyện Tương Dương, Nghệ An luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, từng bước trở thành "cánh chim đầu đàn" đưa phong trào xã miền núi Yên Hòa ngày một đi lên.

Đài Trang chia sẻ, với cương vị là một Bí thư Đoàn một xã miền núi đang còn nhiều khó khăn, bản thân Trang đã tổ chức các hoạt động, phong trào của Đoàn gắn với những thế mạnh của địa phương để góp phần xoá đói giảm nghèo, thay đổi bộ mặt quê hương. Đoàn Thanh niên đã tham gia cùng làm đường giao thông nông thôn, vệ sinh môi trường, tăng cường vận động nhân dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất,… để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Đoàn Thanh niên xã Yên Hòa, huyện Tương Dương, Nghệ An hỗ trợ người dân làm đường nông thôn mới
Đoàn Thanh niên xã Yên Hòa, huyện Tương Dương, Nghệ An hỗ trợ người dân làm đường nông thôn mới

“Nằm trong dòng chảy của văn hóa dân tộc, vốn là trung tâm vùng Xiềng Men ngày xưa, vậy nên Yên Hòa, Tương Dương còn lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc vùng miền, đặc biệt là của dân tộc Thái và Khơ mú. Nhận thấy những thế mạnh trong phát triển du lịch cộng đồng, tôi đã vận động đoàn viên, thanh niên tham gia xây dựng 7 công trình thanh niên cấp xã gắn với xây dựng mô hình du lịch cộng đồng”, Đài Trang kể.

Lô Thị Đài Trang đã thành lập và điều hành CLB hướng dẫn và phục vụ du lịch gồm 20 đoàn viên, thanh niên; vận động đoàn viên, thanh niên xây dựng 3 gia trại nông nghiệp cung cấp thực phẩm sạch cho các quán ăn trên địa bàn; có 4 quán ăn, 1 homestay do Đoàn thanh niên quản lý. Đồng thời, xây dựng hệ thống điểm check-in tại các điểm du lịch rừng Săng Lẻ, Yên Tân và hệ thống cọn nước Bản Cọoc.

Đài Trang chia sẻ, bản Ngọn giờ là một làng quê đáng sống, hiện, các tệ nạn xã hội được đẩy lùi, không có người vi phạm pháp luật, nhiều thanh niên chọn trở về quê hương lập nghiệp, phát triển và quảng bá quê hương.

Đặc biệt, từ khi có mô hình du lịch cộng đồng, lượng khách đến với Yên Hoà khá ổn định. Bà con có thêm thu nhập từ việc bán các sản phẩm thủ công truyền thống như mây tre đan, dệt thổ cẩm, bán các hàng nông sản như ngô, lạc, hoa quả… các dịch vụ ăn theo như dịch vụ làm đẹp, ăn uống, giải trí từ đó phát triển.

Chị Sen chăm sóc đàn gà của gia đình
Chị Sen chăm sóc đàn gà của gia đình

Tiên phong phát triển kinh tế

Là Phó Bí thư Đoàn xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) từ năm 2020 đến nay, chị Cháng Thị Sen, thôn Bản Luốc không chỉ là cán bộ năng động, sáng tạo, gương mẫu đi đầu trong các hoạt động của Đoàn mà còn là tấm gương làm kinh tế giỏi.

Với cương vị Phó Bí thư Đoàn xã, chị Cháng Thị Sen thường xuyên tham gia vận động các đoàn viên, thanh niên trong xã tham gia xây dựng gia đình văn hóa ở khu dân cư; xây dựng “nhà sạch, vườn đẹp”; tuyên truyền, đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống nạn tảo hôn trong đồng bào DTTS… Trong các phong trào, chị Sen luôn là người nhiệt tình, gương mẫu đi đầu trong công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến các đoàn viên, thanh niên và đông đảo người dân trên địa bàn xã...

Bên cạnh sự năng động, nhiệt tình trong công tác Đoàn và luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ của một Phó Bí thư Đoàn xã, chị Sen còn là một tấm gương làm kinh tế giỏi của địa phương. Trong những năm qua, gia đình chị Sen trồng trên 1ha lúa một vụ trên ruộng bậc thang, gần 1,4ha ngô và các loại rau màu có giá trị kinh tế cao như bắp cải, súp lơ, cần tây...Bên cạnh đó, gia đình chị Sen còn đẩy mạnh phát triển chăn nuôi tổng hợp các loại gia súc, gia cầm như: Gà, lợn, trâu để phát triển kinh tế gia đình.

Để phát triển chăn nuôi thành công, gia đình chị Sen luôn quan tâm đến công tác chọn giống tốt, tiêm phòng trừ dịch bệnh đầy đủ cho đàn vật nuôi và nhất là làm tốt công tác vệ sinh chuồng trại… Nhờ đó đàn vật nuôi của gia đình chị Sen lớn nhanh, phát triển tốt và không bị dịch bệnh.

Chị Sen cho biết: Đối với nhà nông khi phát triển chăn nuôi kết hợp với trồng trọt sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nguồn phân hữu cơ từ chăn nuôi sẽ giúp nhà nông tăng năng suất và chất lượng cây trồng, tiết kiệm tiền mua phân bón tổng hợp; bên cạnh đó, phân hữu cơ từ chăn nuôi còn góp phần cải tạo đất, làm cho đất canh tác không bị bạc màu.. Trong một năm thu nhập từ lúa, ngô và rau màu trên ruộng bậc thang một vụ vào khoảng trên 100 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí như giống, công thuê lao động, phân bón…chị lãi khoảng 70 triệu đồng.

Riêng đối với chăn nuôi, trong một năm, gia đình chị thường xuất bán gà, lợn từ 2 – 3 lứa sau đó mua thêm giống để nuôi bổ sung; đối với đàn trâu, gia đình thường bán từ 1 đến 2 con mỗi năm và mua thêm trâu non hoặc trâu gầy yếu về nuôi vỗ béo. Tổng tiền bán gà, lợn và trâu trong một năm khoảng 300 triệu đồng, sau khi trừ tiền giống, thức ăn, thuốc thú y…, gia đình chị lãi khoảng 200 triệu đồng.

Ông Trương Công Định, Chủ tịch UBND xã Hồ Thầu cho biết: Chị Cháng Thị Sen là một cán bộ Đoàn xã gương mẫu, năng nổ, nhiệt tình và là tấm gương làm kinh tế giỏi của xã trong nhiều năm qua. Không chỉ làm giàu cho bản thân, chị Sen còn vận động, hướng dẫn bà con chuyển đổi mô hình sản xuất, nâng cao thu nhập.

Từ những đóng góp của nữ Bí thư Đoàn xã Yên Hòa Lô Thị Đài Trang và Phó Bí thư Đoàn xã Hồ Thầu Cháng Thị Sen đã góp phần vào đổi thay bộ mặt nông thôn, miền núi, từng bước giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, hầu hết các phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đều đang tích cực triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: 2021-2025, việc phát huy vai trò của Đoàn thanh niên trong công tác vận động đồng bào DTTS thực hiện đạt  mục tiêu các dự án trong Chương trình là việc làm quan trọng.

Tin cùng chuyên mục
Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Ngày 28/12, tại Tp. Kon Tum (Kon Tum), Ủy Ban Dân tộc tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”. Ông Đào Xuân Quy - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy Ban Dân tộc) và ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo các sở, ban, ngành của 5 tỉnh Tây Nguyên.