Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nông dân Tây Nguyên giúp nhau làm giàu

PV - 10:02, 12/01/2023

Trong những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững trong vùng đồng bào DTTS các tỉnh Tây Nguyên phát triển mạnh mẽ, lan tỏa rộng khắp đến tận các buôn làng vùng sâu, vùng xa.

Anh Y Pốt Niê (bên trái), Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Ê đê Café ở buôn Kla, xã Dray Sáp, huyện Krông Ana, Đắk Lắk, hướng dẫn người dân kỹ thuật thu hái cà-phê
Anh Y Pốt Niê (bên trái), Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Ê đê Café ở buôn Kla, xã Dray Sáp, huyện Krông Ana, Đắk Lắk, hướng dẫn người dân kỹ thuật thu hái cà-phê

Được sự hỗ trợ, tiếp sức của các cấp Hội Nông dân, nhiều nông dân năng động, sáng tạo nắm bắt nhu cầu thị trường, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, các giống cây, con mới cho năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, khai thác được tiềm năng, lợi thế về đất đai, lao động, vươn lên làm giàu chính đáng ngay tại quê hương mình.

Về các buôn làng ở Tây Nguyên hôm nay, không khó bắt gặp những triệu phú, tỷ phú nông dân đi ô-tô, ở nhà lầu, nuôi con ăn học ở thành phố... Những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi không chỉ làm giàu, nâng cao đời sống cho gia đình mình mà còn góp phần giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và lan tỏa cảm hứng làm giàu cho người dân ở địa phương.

Những triệu phú của buôn làng

Trong hàng nghìn hộ đồng bào DTTS sản xuất, kinh doanh giỏi ở Đắk Lắk, anh Y Pốt Niê, Giám đốc Công ty TNHH Ê đê Café ở buôn Kla, xã Dray Sáp, huyện Krông Ana được nhiều người biết đến bởi không chỉ thương hiệu "Ê đê Café" nổi tiếng, mà anh còn là một trong 100 nông dân Việt Nam xuất sắc được Hội Nông dân Việt Nam vinh danh năm 2022. Chỉ sau ba năm khởi nghiệp, sản phẩm Ê đê Café của anh đã được UBND tỉnh Đắk Lắk công nhận OCOP 4 sao và Cục Công thương địa phương (Bộ Công thương) chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực năm 2022. 

Trong hơn 2 năm qua, dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng mỗi năm anh vẫn bán được hơn 20 tấn cà-phê bột và 15 tấn cà-phê rang không chỉ thị trường trong nước mà còn vươn ra thế giới như: Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Malaysia, Mông Cổ, Hà Lan... với doanh thu 1,5 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho hàng chục lao động, giúp hàng chục hộ đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao thu nhập từ cây cà-phê. Y Pốt chia sẻ: "Mong muốn lớn nhất của tôi là làm gì đó để tăng giá trị hạt cà-phê, giúp bà con trong buôn bán được cà-phê với giá cao hơn, cuộc sống đỡ khó khăn hơn từ chính sản phẩm mà họ làm ra. Thời gian tới, tôi tiếp tục đầu tư mua máy móc và đa dạng hóa sản phẩm để đưa thương hiệu Ê đê Café vươn xa hơn". Chủ tịch Hội Nông dân xã Dray Sáp Y Phen Niê đánh giá: "Dù còn trẻ tuổi nhưng Y Pốt Niê dám nghĩ, dám làm, vươn lên làm giàu, thật sự là tấm gương sáng lan tỏa cảm hứng làm giàu không chỉ cho người dân địa phương mà cả các buôn làng ở Tây Nguyên". 

Ở tỉnh Gia Lai, gia đình ông Nay Hoa ở buôn Ia Jip, xã Chư Drăng, huyện Krông Pa là hộ đầu tiên chăn nuôi dê theo mô hình trang trại. Ông Nay Hoa cho biết: Tháng 2/2020, gia đình được Quỹ Hỗ trợ nông dân cho vay 50 triệu đồng về mua 11 con dê giống và đầu tư làm chuồng trại, rào chắn khu vực chăn thả trên diện tích gần 4ha của gia đình. Sau hơn 1 năm, đàn dê phát triển lên gần 50 con, ông đã bán 16 con dê thịt thu được 36 triệu đồng. "Đồng bào Gia Rai trước đây nghĩ nuôi dê không mang lại giá trị kinh tế cao như nuôi bò nên thường chỉ nuôi vài ba con. Trong khi đó, diện tích đồi núi ở đây rộng lớn, nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào, giá dê thịt cao và đầu ra lại rất thuận lợi. Với giá bán 90 - 120 nghìn đồng/kg, người nuôi có thể thu được 2 - 3,5 triệu đồng/con… Rõ ràng, mô hình chăn nuôi dê này mang lại hiệu quả lớn hơn nhiều so với nuôi bò hay trồng mì", ông Nay Hoa đúc kết.

Đến Lâm Đồng, hỏi ông Păng Ting Sin ở tổ dân phố Bon Đơng 1, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương nổi tiếng về sản xuất hoa hồng ở vùng đất gần 70% là người DTTS bản địa sinh sống. Năm 2010, Păng Ting Sin bén duyên với hoa hồng, là người tiên phong mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở thị trấn Lạc Dương. Ông kể, khi mới làm quen với cây hoa hồng, nhiều thứ đều mới mẻ, từ kỹ thuật canh tác, nguồn vốn đầu tư thiết bị, nhà kính, rồi nhân công, tìm kiếm thị trường... Vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm thực tế, tìm hiểu tài liệu, mạnh dạn cầm "sổ đỏ" vay vốn, kết nối thị trường, đã mang lại kết quả khả quan và "ông Sin hoa hồng" đã được mang danh từ đó. Hiện nay vườn hoa hồng của gia đình ông Păng Ting Sin rộng 2ha, tất cả đều làm nhà kính, quy trình sản xuất khép kín, có hệ thống tưới nước và bón phân tự động. Hằng năm, trừ chi phí, bình quân lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng. Tại Festival hoa Đà Lạt 2015, Păng Ting Sin là một trong 126 gương mặt trồng hoa tiêu biểu được tôn vinh.

Theo đánh giá của Hội Nông dân 5 tỉnh Tây Nguyên, trong những năm qua, phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững ngày càng phát triển sâu rộng, thực chất, hiệu quả và được đông đảo nông dân hưởng ứng tích cực. Nhiều nông dân DTTS thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật, khai thác tốt tiềm năng đất đai, lao động, tiền vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, trở thành những triệu phú, tỷ phú của buôn làng. 

Trong giai đoạn 2017 - 2021, được sự hỗ trợ của các cấp Hội Nông dân, bình quân hằng năm ở Đắk Lắk có 106.718 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, trong đó có 18.554 hộ DTTS; mỗi năm tỉnh Gia Lai có 64.870 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, trong đó có hàng nghìn hộ là đồng bào DTTS; tỉnh Kon Tum có 10.419 hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, tăng 4.433 hộ so với năm 2017; tỉnh Lâm Đồng có 66.200 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp và đạt 35% so với tổng số hộ nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; tỉnh Đắk Nông có gần 20 nghìn hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Thu nhập của các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ngày càng tăng, từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm.

Điều đáng trân trọng là các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trong vùng đồng bào DTTS Tây Nguyên không chỉ làm giàu cho gia đình mình mà còn nhiệt tình hỗ trợ, giúp đỡ các hộ nghèo, giải quyết việc làm cho người lao động ở địa phương, đóng góp kinh phí xây dựng nông thôn mới.

Những nhà nông thế hệ mới tại Lâm Đồng chia sẻ kinh nghiệm quản trị nông trại bằng công nghệ số
Những nhà nông thế hệ mới tại Lâm Đồng chia sẻ kinh nghiệm quản trị nông trại bằng công nghệ số

Thúc đẩy nông nghiệp bền vững

Mặc dù có nhiều tiềm năng, thế mạnh nhưng đến nay Tây Nguyên vẫn là khu vực còn gặp nhiều khó khăn, ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế. Biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường đã tác động ngày càng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, phần lớn nông dân chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên khó áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Một bộ phận nông dân, nhất là trong đồng bào DTTS còn hạn chế về nhận thức, còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Trong khi đó, thực tế những năm qua cho thấy, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ở Tây Nguyên xuất hiện ngày càng nhiều mô hình phát triển nông nghiệp, chăn nuôi bền vững, cho thu nhập ổn định từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm. 

Tại Đắk Lắk, phong trào đã góp phần thúc đẩy các mô hình kinh tế tập thể. Các cấp hội đã trực tiếp hướng dẫn xây dựng và hỗ trợ duy trì hoạt động của 80 hợp tác xã và 276 tổ hợp tác với 5.317 thành viên; phát triển các mô hình sản xuất cà-phê, hồ tiêu, sầu riêng bền vững theo tiêu chuẩn VietGAP, có chứng chỉ 4C, UTZ, RFA và Fairtrade. Các cấp Hội Nông dân ở Gia Lai phối hợp ngành chức năng vận động, hướng dẫn thành lập, duy trì 202 hợp tác xã nông nghiệp, 468 tổ hợp tác, 553 chi hội, tổ hội nghề nghiệp và quản lý 779 nhóm chung sở thích. Các cấp Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông phối hợp hướng dẫn thành lập 33 mô hình hợp tác xã, 44 tổ hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm nhằm phát huy tinh thần hợp tác, liên kết trong nông dân với nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học tạo ra sản phẩm hàng hóa tập trung có chất lượng, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu...

Để lan tỏa hơn nữa phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp Tây Nguyên phát triển bền vững, theo Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng Đa Cát Vinh, các cấp hội trong tỉnh cần tăng cường vận động, hướng dẫn cho ít nhất 60% số hộ hội viên nông dân đăng ký, phấn đấu hằng năm tăng thêm trên 10% số hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; có kế hoạch đào tạo nghề cho nông dân để không ngừng nâng cao trình độ sản xuất, kiến thức quản lý kinh tế và thị trường, giúp nông dân tiếp cận và khai thác hiệu quả các chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn và huy động tối đa các nguồn vốn, khoa học công nghệ mới, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm và khả năng cạnh tranh, phát triển một nền nông nghiệp bền vững. 

Các cấp Hội Nông dân ở Kon Tum tiếp tục thúc đẩy phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi phát triển rộng khắp, làm cơ sở áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp và kêu gọi đầu tư, chuyển đổi nền nông nghiệp truyền thống, thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại; góp phần xây dựng một nền nông nghiệp hàng hóa hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn có sức cạnh tranh cao trên thị trường nội địa và xuất khẩu; phấn đấu hằng năm số hộ đạt tiêu chuẩn sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp tăng từ 10 - 15%; giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh bình quân khoảng 3 - 4%/năm.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk Lại Thị Loan cho biết: Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đi vào chiều sâu, hỗ trợ nông dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tổ chức lại sản xuất, áp dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, cơ giới hóa, điện khí hóa vào sản xuất; đồng thời tập trung huy động tối đa các nguồn lực về vốn, tăng cường hợp tác, liên kết với các sở, ban, ngành liên quan, các nhà khoa học, doanh nghiệp, giúp hội viên nông dân nâng cao kiến thức quản lý kinh tế, vay vốn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, chăn nuôi, đặc biệt là xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị...

Tin cùng chuyên mục
Hiệu quả giảm nghèo trong đồng bào DTTS nhìn từ An Lão

Hiệu quả giảm nghèo trong đồng bào DTTS nhìn từ An Lão

Nhờ sử dụng đạt hiệu quả cao nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), huyện An Lão (Bình Định) đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo.