Hơn 20 năm trước, mấy chục hộ đồng bào Mông từ các tỉnh phía Bắc di cư vào xã Cư Knia, huyện Cư Jút lập nghiệp, đến nay toàn xã đã có hơn 500 hộ đồng bào Mông sinh sống. Hầu hết các gia đình đồng bào Mông nơi đây đã có cuộc sống ổn định, nhiều hộ vươn lên làm giàu.
Bắt nguồn từ nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa và giữ gìn phong tục truyền thống, nhiều năm qua đồng bào Mông ở xã Cư Knia tổ chức chợ phiên vào ngày cuối tuần. Mỗi năm, xã Cư Knia tổ chức 2 phiên chợ lớn trước và sau Tết Nguyên đán, mỗi đợt 4 ngày để người dân vui chơi sắm Tết. Chợ phiên của đồng bào Mông đang ngày càng thu hút đông đảo các dân tộc trên địa bàn đến chợ.
Vào những ngày chợ phiên, từ sáng sớm đồng bào Mông trên địa bàn xã, và một số xã lân cận mang theo những đặc sản của địa phương, dân tộc mình về chợ phiên Cư Knia. Vào khoảng 10h là chợ đông nhất. Đến chợ, tất cả mọi người sẽ dành cả ngày ở đây để thoải mái mua sắm, vui chơi và thưởng thức những món ẩm thực truyền thống của dân tộc mình.
Hàng hóa tại chợ phiên rất đa dạng, phong phú, từ thổ cẩm, quần áo, hàng mỹ nghệ, dụng sự sinh hoạt, công cụ sản xuất đến các món ăn truyền thống đặc trưng như thắng cố, xôi nếp cẩm, mèn mén… tất cả đã tạo nên không gian văn hóa rất riêng của chợ phiên Tây Bắc.
Chợ được phân chia thành nhiều khu vực để tiện cho người dân mua sắm. Sản phẩm thu hút nhiều người quan tâm nhất là những bộ trang phục của dân tộc Mông được đính nhiều hạt cườm kết thủ công rất đẹp mắt, nên những quầy sạp quần áo, trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu thu hút đông đảo người đến chợ.
Chị Trịnh Thu Thủy, xã Đăk Wil nói: Ngày thường mọi người đi làm, đi chợ phiên ngày cuối tuần cũng có nghĩa là đi chơi, bà con đến đó không chỉ để mua bán, trao đổi hàng hóa, mà còn có dịp để gặp gỡ, giao lưu, tâm tình. Đàn ông xuống chợ phiên để thưởng thức ẩm thực, phụ nữ thì mua thực phẩm và những đồ gia dụng, vật dụng cần thiết cho gia đình; trẻ con đi chợ để được mẹ mua cho quà vặt; thanh niên trai gái đi chợ để gặp gỡ, kết giao bạn bè; cũng có những người đến chợ phiên chỉ ngắm đồ, trò chuyện với mọi người để thỏa mãn nỗi nhớ quê.
Đến với chợ phiên mọi người được trải nghiệm, khám phá cuộc sống hằng ngày của cộng đồng các dân tộc địa phương. Ai đến đó cũng đều được cảm nhận phong tục, tập quán, văn hóa truyền thống của đồng bào Mông đang được người dân gìn giữ và phát huy.
Huyện Cư Jút hiện có 25 dân tộc cùng sinh sống tạo nên sắc màu đa văn hóa dân tộc trên địa bàn. Trong đó, Cư Knia là địa phương có đông người Mông sinh sống. Những năm qua, người dân nơi đây luôn giữ gìn và phát huy các các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Thời gian qua, chính quyền xã Cư Knia cũng đã quan tâm đầu tư và hỗ trợ các hoạt động giao thương và bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc. Định hướng tiếp tục xây dựng chợ phiên Cư Knia trở thành một điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến với huyện Cư Jút.
Ông Lê Xuân Cường, Chủ tịch UBND xã K’Nia cho biết, ngoài việc trao đổi hàng hóa, phiên chợ sắc màu của đồng bào Mông, còn là nơi giao lưu văn hóa của các dân tộc trên địa bàn tỉnh Đắk Nông nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Tại đây, nhiều vật dụng, sản phẩm truyền thống, trang phục của người Mông và các dân tộc khác được bày bán, trao đổi tại chợ phiên. Ngoài ra, tại chợ phiên còn có các hoạt động văn hóa của các dân tộc như: Cồng chiêng của dân tộc Thái, đàn hát then của dân tộc Tày, thổi khèn và các điệu múa của dân tộc Mông... Đặc biệt, đây cũng là nơi giao lưu văn hóa ẩm thực của các dân tộc.
Việc giữ gìn nét đẹp đặc trưng của văn hóa truyền thống dân tộc Mông ở xã Cư Knia, góp phần tạo điểm nhấn độc đáo trong sắc màu văn hóa của 25 dân tộc trên địa bàn huyện Cư Jút. Đồng thời, cũng góp phần lớn trong công tác bảo tồn phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào nói chung, đồng bào Mông nói riêng, và cũng là nằm trong lộ trình xây dựng nông thôn mới của xã Cư Knia .