Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

“Nón đẹp Ba Đồn...”

Khánh Ngân - 14:18, 06/07/2023

Thương hiệu nón Ba Đồn một thời nức tiếng khắp trong Nam, ngoài Bắc. Trong đó, người dân vùng Bắc Trung bộ ít ai không biết tới câu thành ngữ “Nón đẹp Ba Đồn, gái xinh Đức Thọ”. Dù thăng trầm với thời gian, nghề làm nón lá ở làng Thổ Ngọa, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) không còn phát triển như xưa, số hộ làm nón cũng ít đi, nhưng Thổ Ngọa vẫn giữ được không khí của làng có nghề. Điều đáng mừng, nghề làm nón lá còn xuất hiện ở các xã lân cận...

Thăng trầm thương hiệu “Nón Ba Đồn”
Nghề nón lá giúp người dân có cuộc sống sung túc, góp phần rất lớn đưa làng Thổ Ngọa trở thành Bát danh hương của tỉnh Quảng Bình

Thời hưng thịnh

Người dân vùng Bắc Trung bộ ít ai không biết tới câu thành ngữ “Nón đẹp Ba Đồn, gái xinh Đức Thọ”. Một phần vì câu thành ngữ này thường được nói “chệch” sang hướng tinh nghịch nên dễ đi vào đời sống dân gian. Nhưng cốt lõi chính là ca tụng và so sánh người con gái ở vùng đất hạ lưu Sông La (Đức Thọ, Hà Tĩnh) và nét mảnh mai mà bền bỉ của nón lá ở hạ nguồn Sông Gianh, Ba Đồn.

Buổi đầu những chiếc nón nổi tiếng mang thương hiệu “nón Ba Đồn” được làm ra từ những bàn tay khéo léo của người dân ở làng Thổ Ngọa (nay là phường Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn). Theo các bậc cao niên trong làng kể lại, nghề nón của làng ra đời vào khoảng cuối thế kỷ XIX. Ông tổ của làng nghề là một người họ Trần, vì làng không có nghề nghiệp, đời sống phụ thuộc vào mảnh ruộng chật hẹp nên ông đã rời làng vào Huế quyết tâm học nghề làm nón lá. 

Thành thạo với nghề, ông về lại làng truyền lại cho dân làng cùng làm nón mưu sinh. Với lợi thế nguồn nguyên liệu làm nón đều dễ tìm ở địa phương, nên nghề nón thu hút hầu hết người dân trong làng tham gia. Từ ngày có nghề, không ít người có “của ăn của để” nhờ nhiều người chuộng mua nón Ba Đồn về dùng.

Thời hoàng kim, thương hiệu nón Ba Đồn nổi tiếng từ trong Nam ra ngoài Bắc. Ở làng Thổ Ngọa, hầu hết các gia đình đều có người làm nón. Nhiều hộ huy động 100% nhân khẩu tham gia làm nghề. Đàn ông đảm nhận việc chẻ tre, tạo nên 16 vành tròn theo thứ tự của khuôn nón; phụ nữ, trẻ em xây nón, may nón. 

Từ những đôi bàn tay lành nghề của người dân làng Thổ Ngọa, nón Ba Đồn theo chân thương lái làm nức tiếng muôn nơi. Ở Thủ đô Hà Nội cũng đã có thơ rằng: “Nón Thổ Ngọa đưa ra Hà Nội/Nón bài thơ tốt lắm anh ơi/Anh về mua một vài đôi/Chiếc tặng bạn gái, chiếc thời mẹ cha...”.

Thăng trầm thương hiệu “Nón Ba Đồn” 1
Nón Ba Đồn đã trở thành thương hiệu được nhiều thế hệ phụ nữ Việt Nam lựa chọn

Được khách thập phương ưa chuộng, người làm nón ở làng Thổ Ngọa cũng trau nghề, truyền nghề từ đời này qua đời khác. Nón lá không những là nghề giúp cho người dân trở nên khá giả mà nghề nón lá còn góp phần rất lớn giúp Thổ Ngọa lọt vào danh sách Bát danh hương ở tỉnh Quảng Bình.

Neo giữ nghề làm nón lá

Thời hưng thịnh, chợ Họa, được xem là chợ nón bày bán rất nhiều sản phẩm nón lá và các nguyên liệu phục vụ cho nghề nón. Ngày nay, chợ nón đã vơi đi nhiều, tháng vài  phiên họp. Số hộ làm nón ở làng Thổ Ngọa cũng ít đi, nhưng Thổ Ngọa vẫn giữ được không khí của làng có nghề. Điều đáng mừng, nghề làm nón là đã lan sang nhiều xã phụ cận.

Thăng trầm thương hiệu “Nón Ba Đồn” 2
Dù đã qua thời hưng thịnh, nhưng hiện nay ở làng Thổ Ngọa vẫn còn 30 - 40% số hộ gia đình tham gia nghề làm nón

Đầu tháng 7, cái nắng bỏng rát và gió Lào ở miền Trung đang vào độ cao điểm. Cũng là thời điểm thích hợp, để người làm nón ở Thổ Ngọa phơi phóng vật tư nghề nón. Đến đầu làng, các chị, các cô và cả các em nhỏ đang thoăn thoắt làm nón lá. Người rập nón, người làm vành, người chằm lá….

Không khí làng nghề này là vậy, nhưng thực chất số hộ theo nghề nón là đã giảm mạnh. Theo ông Trần Đình Lập, Trưởng làng Thổ Ngọa, hiện chỉ còn 30 - 40% số hộ theo nghề làm nón. Các hộ này cũng chỉ sản xuất cầm chừng và coi đó là một nghề phụ lúc nông nhàn.

Trong khoảng sân nhỏ của mình, mặc dù tay không thoăn thoắt nhanh nhẹn do tuổi đã cao, nhưng bà Nguyễn Thị Tâm (67 tuổi) vẫn đang chỉ dạy đứa cháu của mình thực hiện các công đoạn của việc làm nón lá. Bà Tâm bộc bạch, tôi sợ sau này người ta sẽ quên dần cái nghề truyền thống của ông bà xưa để lại. Hàng ngày tôi vẫn dặn con cháu, nếu có thời gian rảnh thì học cách làm nón, không chỉ có thêm thu nhập mà còn giữ được cái nghề truyền thống của làng.

Để tạo ra nhiều sản phẩm nón lá đẹp mắt, thu hút được nhiều du khách mua làm quà tặng, những người làm nón lá ở Thổ Ngọa đã học thêm công đoạn thêu ren trên nón. Với những cuộn len đủ màu sắc, các bà, các chị đã tạo nên những mẫu hoa văn ấn tượng được thêu thủ công bằng tay lên mặt nón. 

Nhờ sự đổi mới, sáng tạo đó mà giá mỗi chiếc nón cũng cao hơn, người mua hàng cũng đặt ngày càng nhiều hơn. Đó là cách mà những người tâm huyết với nghề làm nón đang neo giữ nghề của ông cha truyền lại.

Thăng trầm thương hiệu “Nón Ba Đồn” 3
Khai thác làng nghề, kỹ thuật làm nón lá ở Thổ Ngọa gắn với phát triển du lịch, là hướng đi hiệu quả để duy trì và phát huy nghề truyền thống

Nghề làm nón lá giảm không phải do người ở làng Thổ Ngọa không còn trau nghề, mất khách, mà đó như là một xu thế. Ngày nay, trang phục, phương tiện và cả môi trường làm việc cũng đã đổi thay. Chính điều đó, nón lá cũng ít dần người sử dụng nên đầu ra của làng nghề giảm. Để neo giữ nghề, chính quyền địa phương cũng đã có những chính sách hỗ trợ bà con kịp thời

Chia sẻ với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Đào Minh Thọ - Chủ tịch UBND thị xã Ba Đồn cho biết, thị xã cũng đã triển khai nhiều giải pháp, đẩy mạnh việc quảng bá thương hiệu nón lá của địa phương để mở rộng cơ hội đầu ra ổn định cho sản phẩm. Đồng thời, cũng đang có những chính sách khuyến khích người dân giữ gìn nghề truyền thống, nhất là nghề làm nón lá.

Dẫu biết rằng, tốc độ đô thị hóa đang diễn ra nhanh ở các làng quê và người dân có thể “quên nghề truyền thống” để tiếp cận với ngành, nghề mới. Nhưng những người yêu nghề nón lá như bà Tâm, vẫn luôn trăn trở một mai nghề nón lá một thời làm cho làng quê sung túc sẽ thất truyền... 

"Giá như làng nghề nón lá Thổ Ngọa cũng được đầu tư, vận hành theo hướng gắn với phục vụ du lịch như nghề dệt lụa ở Quảng Nam, làng dệt thổ cẩm Văn Giáo (An Giang), làng gốm sứ Bát Tràng (Hà Nội)… thì chắc chắn thương hiệu “Nón Ba Đồn” sẽ không bao giờ mất", bà Tâm mong muốn.

  

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.