Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Phóng sự

Nơi tâm lũ Kỳ Sơn hôm nay...

Nguyễn Thanh - 17:36, 27/02/2023

Dấu vết của trận lũ quét kinh hoàng ập xuống các bản làng ở huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) vào cuối năm 2022 vẫn còn hiện hữu trên từng con đường, ngõ bản, nhà cửa… Nhưng hôm nay, với sự nỗ lực tái thiết sau thảm họa thiên tai của các cấp chính quyền, người dân, cộng đồng chung tay... màu xanh cuộc sống đang dần trở lại.

Nhà ông Kha Văn Quang được bà con và người dân giúp dựng lại để ổn định cuộc sống
Nhà ông Kha Văn Quang, bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ được người dân giúp dựng lại để ổn định cuộc sống

Tất cả vì Kỳ Sơn

Cho đến giờ, trận lũ quét vào ngày 2/10/2022 vẫn khiến người dân ở bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ và một phần thị trấn Mường Xén (huyện Kỳ Sơn) ám ảnh. Nỗi ám ảnh, sợ hãi ấy dường như còn hiện rõ trong mỗi bữa ăn, giấc ngủ của người dân nơi đây. Bởi, thiệt hại vì lũ là quá lớn: 1 người chết, 621 ngôi nhà của dân bị ảnh hưởng (trong đó, 55 nhà ở xã Tà Cạ và thị trấn Mường Xén bị sập hoàn toàn, 49 nhà ở Tà Cạ và Nậm Cắn bị thiệt hại nặng; số còn lại là thiệt hại từ 50% trở xuống); 10 ha diện tích lúa rẫy (của người dân xã Keng Đu, Na Ngoi, Tây Sơn…) và 42 ha diện tích lúa ruộng (của Na Loi, Nậm Cắn, Phà Đánh, Tà Cạ) bị thiệt hại hoàn toàn, 27,5 ha lúa ruộng của xã Nậm Cắn bị thiệt hại rất nặng… Lũ cuốn trôi nhiều ô tô, tài sản có giá trị; hàng trăm xe máy bị vùi lấp…

Giữa thảm họa thiên tai, người dân vùng lũ Kỳ Sơn đã không hề đơn độc. Phải mất hơn 1 tháng trời, chính quyền địa phương huy động tổng lực các lực lượng công an, bộ đội, dân quân tự vệ, thanh niên, học sinh… bám trụ nhiều ngày, đêm giúp các cơ quan công sở và người dân khắc phục hậu quả.

Còn nhớ những ngày đó, cả nước hướng về Kỳ Sơn. Hình ảnh từng đoàn xe cứu trợ nối nhau trải dài trên Quốc lộ 7, mang theo những tình cảm, nghĩa tình, sự sẻ chia, động viên đến người dân vùng lũ. Những băng rôn khẩu hiệu “Hướng về vùng lũ Kỳ Sơn”, “Chia sẻ với bà con vùng lũ”… được dán kín trước đầu xe "hành quân" về tâm lũ. Đó là tình dân tộc, là nghĩa đồng bào của hàng vạn người dân đất Việt. Chính sự quan tâm, chia sẻ kịp thời của các tổ chức thiện nguyện, đã tiếp thêm sức mạnh cho chính quyền, Nhân dân nơi đây vượt qua khó khăn để sớm khắc phục hậu quả của thiên tai.

Nhà bà Ngân Thị Tâm ở bản Hòa Sơn cũng được dựng lại sau lũ
Nhà bà Ngân Thị Tâm ở bản Hòa Sơn cũng được dựng lại sau lũ

Mong chờ dự án tái định cư

Bốn tháng đã trôi qua sau trận lũ. Điều rất mừng, cuộc sống bình thường của bà con dân bản đã trở lại, những mầm xanh đã nhú lên trên những vùng đất mà mấy tháng trước ngập chìm trong nước và đất đá. Thậm chí, nhiều ngôi nhà đã được sửa sang lại và làm mới. Chỉ bấy nhiêu thôi, nhưng cũng đủ để thấy được sự chung tay của các cấp các ngành, sự nỗ lực vươn lên của người dân nơi vùng cao xứ Nghệ này.

Tại bản Hòa Sơn, gia đình ông Kha Văn Quang  với sự giúp sức của bà con dân bản và người thân đã dựng lại được nếp nhà. Từ nguồn hỗ trợ 200 triệu đồng, gia đình ông bỏ thêm hơn 30 triệu đồng mua sắm vật liệu, dựng lại nếp nhà gỗ cũ còn sót lại. Ông Quang dự định sẽ tiếp tục nghề xe ôm, còn vợ thì buôn bán ở chợ Mường Xén. Trong nhà ông còn có 7 con trâu, bò và thêm lợn, gà… như vậy, cuộc sống đã ổn định rồi.

Sau trận lũ quét, ngôi nhà của bà Ngân Thị Tâm, bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ bị lũ xô xiêu vẹo. Gia đình bà phải đi ở trọ. Nhờ sự quan tâm của chính quyền các cấp và nhà hảo tâm, cuộc sống gia đình đã tạm ổn định. Căn nhà cũng đã được con cháu dựng lại trên nền đất cũ.

Mầm xanh đã nhú trên tâm lũ quét Tà Cạ
Mầm xanh đã nhú trên tâm lũ quét Tà Cạ

Kể về cuộc sống mới sau lũ, Chủ tịch UBND xã Tà Cạ Vi Văn Mằn cho biết: Nhiều hộ dân đã dựng lại nhà, ổn định cuộc sống, một số thì còn chờ đất tái định cư. Bình quân mỗi hộ dân bị trôi, hư nhà được hỗ trợ hơn 200 triệu đồng. Xã đã động viên bà con gửi tiền tiết kiệm, dành tiền làm nhà khi có đất tái định cư; đồng thời trích một ít tiền để trồng rau, phát triển chăn nuôi gà, lợn và trâu bò.

Ông Mằn nói: Xã Tà Cạ có 6 bản bị ảnh hưởng, với 54 nhà bị trôi, sập hoàn toàn, 218 nhà cửa bị hư hỏng nặng. Địa hình dốc, mặt bằng chật hẹp, quỹ đất làm nhà hầu như không có nên hầu hết các gia đình phải chờ các khu tái định cư mới. Trước mắt, địa phương rà soát những hộ dân không có chỗ ở để bố trí ở xen ghép hay làm nhà tạm.

Những ngày qua, vùng trồng rau chuyên canh ở bản Hòa Sơn - nơi cơn lũ đi qua đã nhú những mầm xanh. Theo lãnh đạo huyện thì, địa phương đã hỗ trợ bà con giống, phân bón, máy làm đất… đồng thời thành lập các đoàn xuống để hỗ trợ bà con khắc phục và sản xuất. Bà con được khuyến khích tiếp tục chăn nuôi gà, lợn tại gia đình và đại gia súc ở khu vực C5. Sự nỗ lực của các cấp chính quyền còn thể hiện ở việc khắc phục, sửa chữa lại những tuyến đường, công trình hư hỏng do lũ.

Cuộc sống bình yên đang dần trở lại với bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ - nơi từng hứng chịu thảm họa của lũ quét tháng 10/2022
Cuộc sống bình yên đang dần trở lại với bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ - nơi từng hứng chịu thảm họa của lũ quét tháng 10/2022

Niềm đau đáu của người dân vùng lũ Kỳ Sơn là được tái định cư để ổn định cuộc sống. Vừa hoàn thành việc dựng nhà tạm để cả nhà tá túc trong khi chờ dự án tái định cư, ông Moong Như Bình ở bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ cho hay: Chúng tôi rất vui khi chính quyền địa phương có phương án di dời bố trí tái định cư. Hy vọng với những phương án di dời, khu tái định cư sẽ được triển khai trong thời gian sớm nhất.

Ông Vi Hòe - Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn bày tỏ: Việc bảo đảm ổn định cuộc sống của người dân sau lũ quét là công việc cấp bách của cả hệ thống chính trị. Trong khi chờ dự án tái định cư, huyện đã chỉ đạo chính quyền xã Tà Cạ bố trí các lực lượng làm nhà tạm cho người dân ở, hoặc bố trí ở ghép với người thân, hàng xóm hay thuê trọ. Hiện vẫn còn hơn 70 hộ dân đang trong tình trạng này, nên nhu cầu an cư để ổn định cuộc sống là rất cấp bách.

Một tin vui, là tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo triển khai khẩn cấp Dự án xây dựng khu tái định cư giai đoạn 1 cho hơn 70 hộ dân bị mất nhà, không có nơi ở do trận lũ lịch sử. Đó sẽ là động lực, là niềm tin để người dân từng chịu thảm họa lũ quét cuối 2022 ở Kỳ Sơn vững tin hơn vào Đảng, chính quyền, vào cuộc sống để nỗ lực vươn lên.

Tin cùng chuyên mục
Gian nan cuộc chiến chống mối cho cây chè Suối Giàng

Gian nan cuộc chiến chống mối cho cây chè Suối Giàng

Dù đã có những nỗ lực được triển khai trong hàng chục năm qua, những cây chè shan tuyết cổ thụ tại xã Suối Giàng (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) vẫn đang phải oằn mình chống chịu sự tấn công ngày một mạnh mẽ của loài mối. Không ít cây đã bị tàn phá đến mức chết khô dù cho tuổi đời đã lên tới hàng trăm năm. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới sinh kế của bà con đồng bào dân tộc thiểu số đang sống dựa vào cây chè, mà còn đe dọa sự tồn vong của một trong những vùng chè hiếm có bậc nhất của cả nước.